Vaccine ngừa Covid-19: Cuộc đua & Thách thức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc đua bào chế và phát triển vaccine ngừa Covid-19 tăng tốc trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do virus SARS-CoV-2 liên tục tăng lên hàng ngày trên toàn cầu. Trong khi virus biến đổi liên tục, số loại vaccine được cấp phép trên thị trường mới chỉ còn khiêm tốn khiến cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 thêm kịch tính.

Ai là “quán quân”?

Có thể nói, nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức là công ty đi tiên phong trong việc phát triển vaccine ngừa Covid-19. Vào ngày 18-11-2020, Pfizer/BioNTech trở thành hãng đầu tiên trên thế giới công bố toàn bộ dữ liệu thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn cuối. Vào ngày 3-12-2020, Anh là quốc gia đầu tiên phê chuẩn lưu hành khẩn cấp loại vaccine này, tiếp theo là Canada vào ngày 9-12-2020 và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vào ngày 11-12-2020. Một số quốc gia khác bao gồm Saudi Arabia và Mexico cũng đã phê duyệt vaccine của Pfizer/BioNTech.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31-12-2020 đã phê chuẩn lưu hành khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế, mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới nhanh chóng phê duyệt nhập khẩu và phân phối loại vaccine này. WHO nêu rõ, vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine đầu tiên được tổ chức này phê chuẩn lưu hành khẩn cấp kể từ khi các ca mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc khoảng 1 năm trước đây.

Sau Pfizer, Moderna trở thành hãng dược phẩm thứ hai công bố toàn bộ dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối vào ngày 30-11-2020 cho thấy vaccine Covid-19 của hãng đạt hiệu quả lên tới 94,1%. Moderna cũng cho biết, vaccine của hãng có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện gần đây ở Anh.

“Vaccine mang lại cơ hội để chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên để bảo vệ thế giới, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả những người có nguy cơ nhất phải có quyền được bảo vệ nhất. Đây sẽ là thách thức cho thế giới trong việc phân phối vaccine công bằng và hiệu quả trong năm 2021”.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới - WHO)

Canada đã cấp phép sử dụng vaccine này vào ngày 23-12-2020. Như vậy, Canada trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới “bật đèn xanh” cho vaccine của Moderna, sau Mỹ. Vaccine Moderna yêu cầu đảm bảo nhiệt độ bảo quản ở mức -20 độ C, do đó công tác phân phối vaccine này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với vaccine của Pfizer/BioNTech (cần bảo quản ở -70 độ C). Cả vaccine của Pfizer và Moderna đều sử dụng công nghệ di truyền cho phép vaccine nhanh chóng thích nghi, chống lại các đột biến.

Trong khi đó, ngày 30-12-2020, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 do trường Đại học Oxford và Công ty Dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca phát triển. Tuy nhiên, trong “cuộc đua” này, không phải hãng dược phẩm nào cũng thành công trong việc phát triển vaccine ngừa Covid-19. Vào ngày 11-12-2020, Hãng Sanofi của Pháp và GlaxoSmithKline của Anh đã thông báo thất bại khi phát triển một loại vaccine ngừa Covid-19. Cụ thể, vaccine phản ứng miễn dịch không đủ ở người lớn tuổi trong các thử nghiệm ở giai đoạn giữa và hãng sẽ bắt đầu một nghiên cứu mới vào tháng 2-2021.

Tại Nga, vaccine Sputnik V, do Viện Gamaleya của nước này phát triển, có hiệu quả ngừa Covid-19 lên tới 91,4%. Đây là vaccine được đăng ký đầu tiên trên thế giới. Hiện vaccine này đã bắt đầu được tiêm đại trà cho công dân trên toàn lãnh thổ Nga, với hơn 100.000 người được tiêm chủng cho đến nay.

Trong khi đó, dữ liệu thử nghiệm vaccine Covid-19 do Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển cho kết quả rất khác nhau. Cụ thể, dữ liệu tạm thời từ một thử nghiệm giai đoạn cuối ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vaccine CoronaVac của hãng có hiệu quả 91,25%, trong khi các nhà nghiên cứu ở Brazil cho biết loại vaccine này có hiệu quả hơn 50%. Dù kết quả này thấp hơn so với những vaccine mà các đối thủ Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển, song là một bước đột phá tiềm năng trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid-19 ở châu Á.

Một người dân Mỹ tại bang Florida được tiêm vaccine ngừa Covid-19

Một người dân Mỹ tại bang Florida được tiêm vaccine ngừa Covid-19

Danh tiếng và tiền bạc

Việc tăng tốc phát triển vaccine ngừa Covid-19 không chỉ giúp ích trong cuộc chiến chống đại dịch mà còn đem lại danh tiếng, doanh thu “khủng” lên tới hàng chục tỷ USD cho các hãng dược phẩm trên thế giới. Theo trang CNN Business, việc vaccine ngừa Covid-19 được phê chuẩn được xem là một dấu mốc lớn và khởi động “cỗ máy in tiền” đối với nhà sản xuất vaccine.

Sở dĩ nói như vậy vì vaccine ngừa Covid-19 hứa hẹn mang về cho những nhà sản xuất như Pfizer và Moderna hàng chục tỷ USD doanh thu. Các nhà phân tích ở Phố Wall dự báo rằng Pfizer và Moderna sẽ đạt doanh thu 32 tỷ USD từ vaccine Covid-19 trong năm 2021. Theo đó, Morgan Stanley dự báo Pfizer sẽ thu về 19 tỷ USD từ việc bán vaccine Covid-19 trong năm 2021, sau khi đạt doanh thu khoảng 975 triệu USD từ sản phẩm này trong năm 2020. Doanh thu vaccine Covid-19 của Pfizer trong 2021 cũng được dự báo vượt xa doanh thu từ sản phẩm bán chạy nhất của hãng này trong năm 2020 - một vaccine ngừa viêm phổi với doanh thu đạt 5,8 tỷ USD.

Đối với Moderna, một công ty công nghệ sinh học còn non trẻ, vaccine Covid-19 đã biến công ty gần như “vô danh” này trở thành một doanh nghiệp có vốn hóa 62 tỷ USD. Theo đó, giá cổ phiếu Moderna đã tăng gần 700% trong năm 2020. Morgan Stanley ước tính rằng khoảng một nửa giá trị vốn hóa thị trường của Moderna là do vaccine Covid-19 tạo nên. Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Moderna sẽ đạt doanh thu 13,2 tỷ USD từ vaccine Covid-19 trong năm 2021.

Vaccine Covid-19 với triển vọng kinh tế toàn cầu

Trong năm 2020, dịch bệnh đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Trong năm 2021, với những kỳ vọng về tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng đại trà, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ dần thoát khỏi bóng đen Covid-19.

Chuyên gia kinh tế Neil Shearing tại Công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics tin rằng, GDP toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào giữa năm 2021. Ông Shearing chỉ ra rằng, các quốc gia sẽ không phục hồi giống nhau do tác động của Covid-19 đến các quốc gia không đồng đều. “Covid-19 đã tạo ra sự khác biệt lớn về kinh tế tại các quốc gia. Sự khác biệt này sẽ không biến mất vào năm 2021, nhưng khoảng cách có khả năng được thu hẹp khi vaccine tung ra rộng rãi và các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bắt đầu dần hồi phục”, ông Shearing đánh giá.

Chủ tịch Ngân hàng UBS Axel Weber cũng nhận thấy, cần ít nhất 1 năm nữa để GDP các nước quay trở lại mức trước khủng hoảng dịch bệnh và sẽ mất từ 1 - 2 năm để quay về mức thất nghiệp trước Covid-19. “Thế giới vẫn phải đối mặt với quá trình hồi phục kéo dài”, ông Axel Weber nhấn mạnh.