Vaccine đạt hiệu quả cao trong ngăn ngừa bệnh nhân Covid-19 chuyển biến nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia Thụy Điển đã nghiên cứu huyết tương của những người từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và có khám phá đáng khích lệ. Đó là những người này không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cảnh báo tổn thương tế bào thần kinh. Đặc biệt, vaccine vẫn đạt hiệu quả cao trong ngăn chặn biến chứng nặng đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Vaccine Covid-19 đạt hiệu quả cao trong ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng đến mức nhập viện

Vaccine Covid-19 đạt hiệu quả cao trong ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng đến mức nhập viện

Tế bào thần kinh của người từng mắc Covid-19 không bị tổn thương

Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương thuộc Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga Antonina Ploskireva cho biết, các biến chứng hậu Covid-19 ở những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể không xuất hiện ngay lập tức mà vài tháng sau giai đoạn cấp tính của bệnh. Thông thường, họ bị các triệu chứng dai dẳng của Covid-19 hành hạ sau 4 tuần. Ngoài khó thở, ho, suy nhược… nhiều người còn phàn nàn về cái gọi là “rối loạn nhận thức” mà được mô tả là “sương mù não”, hay quên và khó tập trung cùng các biểu hiện của hội chứng giống như trầm cảm dẫn đến tâm trạng chán nản, buồn rầu, dễ nổi nóng.

Hầu hết các nhà khoa học và bác sĩ đều có xu hướng tin rằng, nguyên nhân chính của những vấn đề như vậy là do tổn thương trong hệ thần kinh Trung ương khi mắc Covid-19. Virus hoặc tự xâm nhập vào các tế bào của hệ thần kinh Trung ương, kể cả mô não thông qua dây thần kinh khứu giác, hoặc tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ khiến tế bào não bị tổn thương do viêm. Hiện đã có nhiều nghiên cứu xác nhận sự suy giảm khả năng tư duy ở những người từng mắc Covid-19.

Trong não bộ sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học đã tìm thấy thể Lewy - các đám rối protein thường gặp ở bệnh Parkinson và một số dạng sa sút trí tuệ do tuổi già. Nhưng, hiện tượng này chỉ được phát hiện ở 8 con khỉ mắc Covid-19. Các tác giả của công trình khoa học đã nhấn mạnh rằng, cơ chế tác động của SARS-CoV-2 lên não vẫn chưa thể xác định chính xác được, cần có các nghiên cứu sâu hơn.

Trong khi đó, các nhà khoa học Thụy Điển cũng thực hiện một khám phá khác ở lĩnh vực đó. Kết quả nghiên cứu của họ rất lạc quan - đó là sau 6 tháng, những người từng nhiễm Covid-19 không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cảnh báo tổn thương tế bào thần kinh.

Dấu ấn sinh học trở lại không khác với những người khỏe mạnh

Một nhóm các nhà khoa học dưới sự chỉ đạo của Magnus Giesslen từ trường Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đã theo dõi 100 bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 trong 6 tháng. Trong số này, 24 người mắc bệnh ở dạng nhẹ, 28 người - ở mức độ trung bình và 48 bệnh nhân - ở dạng nặng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã mời một nhóm đối chứng gồm 51 người không bị nhiễm Covid-19. Những người bị nhiễm Covid-19 được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm máu 3 lần: trong giai đoạn cấp tính, 3 tháng sau đó và sau 3 tháng nữa (tổng cộng sau 6 tháng).

Các chuyên gia đã kiểm tra một vài chỉ số được coi là dấu ấn sinh học của tổn thương tế bào thần kinh là sợi protein thần kinh đệm có tính axít, sợi thần kinh polypeptide mỏng… Nghiên cứu loại này chỉ được thực hiện ở các trung tâm khoa học, không có sẵn ở các phòng thí nghiệm y tế thông thường. Để so sánh, các thử nghiệm tương tự cũng được thực hiện trên những người tình nguyện khỏe mạnh.

Các nhà khoa học Thụy Điển cho rằng, ở giai đoạn bệnh nặng nhất, các dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm trong hệ thần kinh Trung ương ở các bệnh nhân mắc Covid-19 tăng lên và tăng cao nhất ở những người mắc Covid-19 dạng nặng. Sau 3 tháng, sự khác biệt giữa những người nhiễm SARS-CoV-2 và không bị nhiễm virus này ít rõ rệt hơn. Còn sau 6 tháng, các dấu ấn sinh học của chứng viêm dây thần kinh ở những người đã nhiễm SARS-CoV-2 trở lại bình thường và không khác với những người khỏe mạnh.

Các nhà khoa học đã biết được rằng ở giai đoạn bệnh nặng nhất, các dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm trong hệ thần kinh Trung ương ở các bệnh nhân mắc Covid-19 tăng lên và tăng cao nhất ở những người mắc Covid-19 dạng nặng. Sau 3 tháng, sự khác biệt giữa những người nhiễm SARS-CoV-2 và không bị nhiễm virus này ít rõ rệt hơn. Còn sau 6 tháng, các dấu ấn sinh học của chứng viêm dây thần kinh ở những người đã nhiễm SARS-CoV-2 trở lại bình thường và không khác với những người khỏe mạnh.

Đồng thời, các tác giả của công trình khoa học kết luận rằng, những người đã được điều trị khỏi Covid-19 tiếp tục phàn nàn về trí nhớ, khả năng tập trung và nhanh mệt. Rõ ràng, sự suy giảm chức năng nhận thức như vậy không phải do tình trạng viêm trong hệ thần kinh Trung ương, mà là do các nguyên nhân khác. Để đi đến tận cùng của sự thật, cần phải có những nghiên cứu tiếp theo.

Bác sĩ cứu chữa các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng

Bác sĩ cứu chữa các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng

Vaccine vẫn đạt hiệu quả trong ngăn chặn biến chứng nặng

Tại một diễn biến khác, tại các trung tâm dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn ở Mỹ, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã làm ảnh hưởng tới tác dụng của vaccine Covid-19, tuy nhiên vaccine vẫn đạt hiệu quả cao trong ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng đến mức nhập viện.

Kết quả nghiên cứu trên được công bố ngày 18-8 trong Báo cáo tuần về dịch bệnh và tử vong của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Các nhà nghiên cứu CDC đã so sánh dữ liệu hàng tuần của 3.862 nhà dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn từ ngày 1 đến 9-5, trước khi biến thể Delta chiếm tỷ lệ đông các ca nhiễm, với dữ liệu của 14.917 trung tâm giai đoạn từ ngày 21-6 đến 9-8, khi biến thể Delta trở thành căn nguyên chính của các ca mắc mới.

Kết quả cho thấy tính hiệu quả của vaccine 2 mũi của Pfizer/BioNTech và Moderna trong việc ngăn ngừa các ca mắc, nhẹ hoặc nặng, giảm từ 74,7% xuống còn 53,1%. Tuy nhiên, các loại vaccine ngừa Covid-19 vẫn duy trì hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh diễn tiến nặng đến mức phải nhập viện điều trị. Kết quả nghiên cứu này cũng đã được giới chức y tế liên bang Mỹ trích dẫn trong thông báo về việc mở rộng tiêm đại trà mũi vaccine tăng cường cho người dân bắt đầu từ ngày 20-9. Nhóm đầu tiên được tiêm mũi thứ 3 sẽ là người sống ở nhà dưỡng lão, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu.

Một nghiên cứu khác do Sở Y tế bang New York thực hiện cũng cho thấy tính đến cuối tháng 7, đã có 65% người trưởng thành ở New York tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech hay Moderna cũng như vaccine 1 mũi của Johnson & Johnson. Trong giai đoạn từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7, hiệu quả của những vaccine trên trong ngăn ngừa các ca mắc mới đã giảm từ 91,7% xuống còn 79,8%. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa các ca nặng phải nhập viện vẫn được duy trì, từ 91,9-95,3%. Một nghiên cứu khác do các nhà nghiên cứu ở 18 bang của nước Mỹ cũng cho thấy các liều vaccine 2 mũi có hiệu quả ngăn nguy cơ nhập viện trong ít nhất 6 tháng, trong đó tỷ lệ hiệu quả là 84% trong giai đoạn 13-24 tuần. Còn trong thời gian 6 tháng, 90% số người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi không có tình trạng suy giảm miễn dịch.

Theo dữ liệu thống kê đến tháng 7 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Delta là nguyên nhân gây ra hơn 80% số ca mắc mới tại Mỹ, làm phức tạp hơn nỗ lực chống dịch của Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới. Liên quan đến các biện pháp phòng dịch khác, ngày 18-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã để ngỏ khả năng có hành động pháp lý đối với các Thống đốc bang phản đối yêu cầu học sinh phải đeo khẩu trang khi trở lại lớp học. Trước đó, các Thống đốc Đảng Cộng hòa ở Florida và Texas - 2 bang lớn nhất nước Mỹ, đã bác bỏ khuyến nghị của giới chức y tế yêu cầu học sinh đeo khẩu trang khi trở lại trường theo học trực tiếp trong năm học mới.

Hiện chương trình tiêm chủng vaccine của Mỹ cũng đối mặt với một số khó khăn nhất định, đặc biệt ở những khu vực bảo thủ về chính trị ở miền Nam và Trung Tây. Tuy nhiên, ngày 18-8, trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters, bà Deanne Criswell - người đứng đầu số Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ cho biết thông điệp kêu gọi mạnh mẽ của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở những bang chịu ảnh hưởng của bão đã tăng, dù vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi người dân ở các bang miền Đông Nam - những nơi hiện có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp, đi tiêm vaccine Covid-19 trước cao điểm mùa bão Đại Tây Dương năm nay, do nguy cơ gia tăng khi người dân phải sơ tán tránh bão và sống trong các khu nhà tạm. Bà Deanne Criswell cho rằng việc số ca mắc tại Mỹ tăng vọt thời gian gần đây dường như cũng có tác dụng khuyến khích những người còn lưỡng lự đi tiêm vaccine Covid-19.