Vaccine Covid-19: “Đường đua” không chỉ có nước Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép thông qua loại vaccine với tên gọi Sputnik V, được cho rằng có khả năng chống lại Covid-19. Tuy nhiên, loại vaccine này mới chỉ được thử nghiệm trên người chưa đầy 2 tháng và chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với sự tham gia của hàng nghìn người để có thể khẳng định mức độ an toàn và hiệu quả của nó.
Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép thông qua loại vaccine với tên gọi Sputnik V

Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép thông qua loại vaccine với tên gọi Sputnik V

Vaccine… “đi tắt”

Thông thường, các loại vaccine phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm trên người trước khi được cấp phép sử dụng rộng rãi. Cụ thể, trong 2 giai đoạn đầu tiên, vaccine được thử nghiệm trên các nhóm đối tượng với quy mô hạn chế, để đánh giá khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể, cũng như xác định những mối nguy hại mà vaccine mang tới cho cơ thể của các đối tượng thử nghiệm. Ở giai đoạn 3 - giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và quan trọng nhất, vaccine sẽ được thử nghiệm ở quy mô lớn, với sự tham gia của hàng nghìn người.

Việc tiến hành thử nghiệm ở giai đoạn 3 là cách duy nhất để xác định chắc chắn vaccine có an toàn trong sử dụng để ngăn ngừa bệnh dịch ở quy mô lớn. Do được thử nghiệm trên người ở quy mô rất lớn, thử nghiệm giai đoạn 3 giúp các nhà khoa học tìm ra những tác dụng phụ của vaccine mà chưa được phát hiện tại các giai đoạn thử nghiệm trước đó. Thời gian thử nghiệm giai đoạn 3 thường kéo dài trong nhiều tháng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế Nga, các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Sputnik V được tiến hành từ ngày 18-6 với tổng cộng 76 tình nguyện viên. Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, tổ chức tài trợ cho dự án phát triển vaccine Sputnik V cho hay, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo của vaccine này sẽ được khởi động từ ngày 12-8, tức 1 ngày sau khi vaccine được Bộ Y tế Nga cấp phép thông qua. Thử nghiệm sẽ được tiến hành ở nhiều quốc gia, bao gồm UAE, Saudi Arabia, Philippines và có thể cả Brazil với hàng nghìn người tham gia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn trên toàn quốc sẽ được tổ chức từ tháng 10 tới. Còn các nhân viên y tế, bác sĩ và các nhóm dễ bị tổn thương có thể được tiêm vaccine ngay trong tháng 8 này. Ngày 11-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí tiết lộ rằng 1 trong 2 con gái ông đã được tiêm ngừa vaccine Sputnik V sau khi có triệu chứng sốt. Nhà máy Dược phẩm Binnopharm thuộc Công ty AFK Sistema của Nga, nơi sản xuất vaccine Sputnik V, tuyên bố tổng sản lượng của loại vaccine này sẽ đạt 500 triệu liều trong 12 tháng đầu tiên và dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu liều vaccine/năm.

Vaccine có tác dụng hay không phải trải qua tất cả các giai đoạn nghiên cứu

Ngay sau khi Nga thông qua vaccine Sputnik V, Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết tổ chức này đang liên lạc chặt chẽ với giới chức y tế Nga. Các cuộc thảo luận đang tập trung vào khả năng WHO thông qua chất lượng vaccine. Ông Tarik Jasarevic nhấn mạnh rằng quá trình kiểm tra chất lượng vaccine đòi hỏi việc xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả dữ liệu an toàn và hiệu quả. “WHO lạc quan trước tốc độ nghiên cứu vaccine trên toàn thế giới song việc đẩy nhanh tốc độ không đồng nghĩa với việc giảm bớt độ an toàn” - ông Jasarevic khẳng định.

Người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier phát biểu: “Đôi khi các nhà nghiên cứu tuyên bố họ đã tìm được vaccine nào đó, và tất nhiên đó là tin rất tốt. Nhưng giữa việc tìm ra vaccine và biết được vaccine có tác dụng hay không, và trải qua tất cả các giai đoạn nghiên cứu, có sự khác biệt rất lớn”. Các chuyên gia y tế thế giới tỏ ra hoài nghi trước tuyên bố vội vàng về vaccine của Nga.

Theo các chuyên gia, tuyên bố này giống như một “canh bạc” mà nếu thất bại, hậu quả mang lại những hệ lụy tàn khốc không chỉ trong biên giới Nga mà còn đối với sức khỏe toàn cầu. Ông Vasily Vlassov của trường Kinh tế Cao cấp ở Mátxcơva cảnh báo: “Nga đang vi phạm các quy tắc được quốc tế chấp nhận”. Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng của Nga bày tỏ lo ngại: “Việc phê duyệt nhanh chóng sẽ không khiến Nga trở thành nước dẫn đầu trong “cuộc đua” vaccine, nó chỉ khiến người tiêu dùng vaccine gặp nguy hiểm không cần thiết”.

Bộ Y tế Đức nhấn mạnh trước khi sử dụng vaccine ngừa Covid-19, cần chứng minh sự tích cực của lợi ích trước nguy cơ. Cơ quan này lưu ý rằng vaccine của Nga vẫn chưa vượt qua nghiên cứu giai đoạn 3, vì vậy Berlin không đàm phán để cùng phát triển vaccine với Mátxcơva.

Theo thống kê của WHO, hiện có khoảng 165 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được bào chế trên toàn thế giới. Trong số này, có 139 vaccine vẫn đang trong giai đoạn đánh giá, trong khi 26 loại khác đang được thử nghiệm trên người ở nhiều giai đoạn khác nhau, với 6 loại bước sang giai đoạn 3 về đánh giá lâm sàng. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, ít có hy vọng tìm ra một loại vaccine ngừa Covid-19 có thể được sử dụng trên quy mô lớn trước cuối năm nay.