Vạ lây vì sữa ngoại nhiễm khuẩn gây độc

ANTĐ - Việc hàng loạt nhãn sữa ngoại bị thu hồi do nhiễm khuẩn đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Nhiều bà mẹ nhanh chóng chuyển sang cho con dùng sữa nội hoặc tận dụng triệt để nguồn sữa “tự có”.

Một khách hàng đắn đo trước khi mua sữa tại một cửa hàng trên phố Hàng Buồm
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Khi niềm tin đã mất

Ngay khi các thông tin về sữa nhiễm vi khuẩn Clostrium Botulinum gây ngộ độc có thể dẫn đến tử vong từ Fonterra - New Zealand được công bố, các công ty cung cấp sản phẩm sữa nhãn hiệu Similac GainPlus EyeQ (Abbott) và Dumex Gold (Malaysia) đã dừng ngay việc lưu thông và tiến hành thu hồi sản phẩm. 

Bà N. T. H – chủ một cửa hàng kinh doanh sữa bột trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 8, hãng sữa Abbott đã cho nhân viên thu hồi những hộp sữa Similac GainPlus EyeQ mới thuộc 10 lô sản xuất theo hợp đồng ở New Zealand. Ngay sau đó, một số khách hàng mang sữa đã mua đến cửa hàng xin trả lại hoặc đổi loại sữa khác. Đối với những hộp sữa còn nguyên tem nhãn, còn hạn sử dụng, cửa hàng sẵn sàng nhận lại, trả tiền cho khách. Mặc dù chỉ một số lô sữa Similac và Dumex Gold 2 của công ty Abbott và Dumex nhiễm khuẩn và đã được thu hồi, song thái độ của khách hàng những ngày qua vẫn rất e ngại đối với các sản phẩm mang nhãn hiệu Abbott và Dumex. Vì quá lo lắng, nhiều bà mẹ đã kiên quyết tẩy chay sữa ngoại.

“Chúng tôi không dám tư vấn khách hàng nên dùng sữa loại nào vì không thể biết bên trong mỗi hộp sữa bao gồm những thành phần gì. Bên cạnh đó, do công ty chỉ thu hồi những sản phẩm nằm trong số lô bị nhiễm khuẩn, nên những sản phẩm còn lại khác dù chất lượng đảm bảo vẫn không tiêu thụ được. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh của các cửa hàng. Nhiều khách hiện đã chuyển qua dùng sữa Việt Nam như Dielac, Dutch Lady…” – bà H thở dài. 

Không chỉ tại các cửa hàng nhỏ lẻ mà ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, những nhãn hiệu sữa có vấn đề về chất lượng hầu như đã vắng bóng. Để trấn an khách hàng, một số doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước cũng đã lên tiếng khẳng định không sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate của Công ty Fonterra New Zealand. Tuy vậy, khách hàng vẫn quay lưng với sữa bột, kể cả những nhãn hiệu sữa nội có uy tín. 

Chị Lê Hồng Mai ở đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân cho biết, dù mới sinh con được 4 tháng nhưng chị luôn cho con ăn đồng thời cả sữa ngoài, cả sữa mẹ. Song từ khi nghe tin một số loại sữa ngoại nhiễm khuẩn, chị cho con bú mẹ hoàn toàn. Chị Mai băn khoăn: “Tôi không đủ sữa cho con bú nên bé quấy khóc suốt, nhưng cho con uống sữa bột tôi lại không yên tâm. Đến như sữa ngoại, quy trình sản xuất khép kín, được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt vậy mà còn có thể nhiễm khuẩn, huống chi là… sữa nội. Trong thời điểm này, để đảm bảo an toàn cho con, tôi đành cho con bú mẹ kết hợp với ăn dặm sớm. Tuy nhiên, tôi cũng rất lo vì thời gian qua cháu đã dùng sữa Abbott, không biết có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe?”.

Kiện được, nhưng... khó chứng minh

Theo thông tin từ Cục ATVSTP - Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại, đại diện Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam và Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A đã kiểm tra tại hàng nghìn cửa hàng trên cả nước và đã thu hồi gần như toàn bộ sản phẩm. Tuy vậy, con số này vẫn không làm yên lòng người tiêu dùng. Tâm trạng chung của hầu hết khách hàng là khá hoang mang bởi họ không biết chọn sản phẩm nào cho an toàn. Kéo theo đó, một số hãng sữa khác dù không lấy nguyên liệu của Fonterra cũng bị “vạ lây”. 

Về vấn đề trên, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thông tin lập lờ từ phía tập đoàn Fonterra. Do hãng này chỉ nói chung chung nguyên liệu nghi nhiễm độc mà họ sản xuất có trong sản phẩm sữa được xuất khẩu vào 8 nước, trong đó có Việt Nam, không nói cụ thể thương hiệu, doanh nghiệp nào liên quan nên đã gây hiểu lầm cho cả thị trường. 

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, mặc dù người tiêu dùng có quyền tự mình hoặc đề nghị tổ chức xã hội khiếu nại hoặc khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của mình song, để được chấp nhận, họ phải chứng minh được chất độc hại trong sữa là tác nhân duy nhất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ và nguyên nhân gây ra thiệt hại là có nguồn gốc từ sản phẩm sữa đã sử dụng. Đây là điều không hề đơn giản.

Thiết nghĩ, vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần có một quy trình kiểm định ngặt nghèo hơn nữa về việc sản xuất, phân phối các loại sữa trên thị trường, đặc biệt là sữa dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nên tiến hành kiểm tra đồng loạt và công bố rõ ràng, công khai về chất lượng từng loại sữa để người tiêu dùng chọn lựa, tránh tình trạng tù mù thông tin như thời gian qua.