Va chạm giao thông: Bạo lực không phải cách giải quyết

ANTD.VN - Một ngày ra đường, chúng ta bắt gặp không ít tình huống va chạm giao thông, thường diễn ra vào giờ cao điểm, tuy nhiên mỗi trường hợp người ta lại có những cách xử trí khác nhau. Người thì dừng xe giữa đường, thản nhiên tranh cãi, có trường hợp sẵn sàng mang “đồ” ra để đánh nhau giải quyết mâu thuẫn, cũng có những người lựa chọn phương án văn minh hơn là phân tích, giải thích…

Va chạm giao thông, vội vã “rút đồ” ra giải quyết

Tình trạng người dân xô xát, tranh cãi sau khi xảy ra va chạm giao thông có lẽ không còn xa lạ gì với chúng ta. Cứ đến giờ tan tầm hàng ngày, khi hàng trăm phương tiện giao thông cùng đổ ra đường, không thể tránh khỏi những pha va chạm đáng tiếc.

Tuy nhiên, chưa cần biết ai đúng ai sai, cả 2 bên đã vội vã xuống xe tranh cãi, thậm chí chửi bới nhau thậm tệ giữa đường, mặc cho xung quanh có bao nhiêu người đang nhìn họ, cũng không quan tâm xem hành động này của mình có gây trở ngại tới người khác hay không. Nhiều trường hợp còn sẵn sàng rút “đồ” ra đe dọa, đánh nhau.

Nếu không có sự can thiệp kịp thời của lực lượng công an, e rằng nhiều tình huống chỉ từ va chạm giao thông đơn giản đã chuyển thành những màn đánh nhau đổ máu không đáng có, thậm chí có thể dẫn tới chết người.

Như báo ANTĐ đã đưa tin, chiều 1-11-2018, một vụ va chạm giao thông đã xảy ra tại ngã tư Giảng Võ – Cát Linh (phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội). Bị đánh liên tiếp, lái xe taxi đã chạy ra mở cốp để lấy “đồ”, nhằm đánh trả. Tuy nhiên, tổ công tác Y19/141 kịp thời có mặt, để trấn áp những “cái đầu nóng”, ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra.

Chỉ vì va chạm nhỏ, người đàn ông áo đen không ngần ngại hành hung tài xế taxi

Cụ thể, vào khoảng 17h8’ ngày 1-11, tại ngã tư Giảng Võ – Cát Linh, một vụ va chạm giao thông đã xảy ra giữa 2 xe ô tô, trong đó có 1 xe là taxi.

Qua video do người dân quay được tại hiện trường, có thể thấy một lái xe mặc áo đen liên tiếp đấm, đá lái xe taxi mặc áo trắng. Lái xe taxi sau đó đã chạy về xe của mình, mở cốp và lấy “đồ” là một thanh kim loại ngắn, rồi tiến về phía “đối thủ” để tấn công đáp trả.

Video ghi lại toàn bộ sự việc hôm 1-11

Tuy nhiên, hành vi của lái xe taxi đã lập tức bị ngăn lại, khi các chiến sĩ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự của Tổ công tác Y19/141 (Công an Thành phố Hà Nội) kịp thời có mặt, trấn áp và tước vũ khí của lái xe, đưa vào vị trí cắm chốt để lập biên bản.

Tiếp tục một vụ va chạm giao thông khác xảy ra vào tối 5-11-2018 tại khu vực đài phun nước ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong đó, nam thanh niên tên L. (SN 1999) đèo bạn gái và anh Nguyễn S.T (trú tại quận Ba Đình, làm nghề chuyển phát bưu phẩm) đã có lời qua tiếng lại, khi cho rằng một người “rẽ không xi-nhan, tạt đầu”.

Cận cảnh vụ xô xát giữa nam thanh niên và cựu VĐV Pencak Silat

Nhân chứng C. (lái xe Grab) cho biết, anh T. sau đó đã bỏ đi, nhưng bị L. chạy theo chửi bới, nên hai bên đã lao vào ẩu đả.

Do khỏe hơn và từng là VĐV võ Pencak Silat nên T. đã quật ngã L., khiến thanh niên này nằm gục tại chỗ. Chứng kiến sự việc, nhiều người dân có mặt tại hiện trường đã yêu cầu T. không được rời đi, đồng thời cấp báo tới CAP Hàng Trống.

Lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, đưa những người liên quan về trụ sở để làm việc.

Thanh niên L. sau đó đã được đưa vào bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe, và đây sẽ là một trong những căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau những tình huống trên, người ta rút ra bài học gì cho mình? Khi mà cứ xảy ra va chạm là chửi bới, đánh nhau, cuối cùng cả 2 bên đều bị thương và gặp phải không ít phiền phức với pháp luật?

Bạo lực không phải cách giải quyết va chạm

Những cách xử trí trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa giao thông của người Việt. Thay vì những màn ẩu đả, đánh nhau, người ta có thể lựa chọn cách giải quyết văn minh hơn vừa tránh phiền phức cho mình lại khiến đối phương nể phục.

Như sự việc xảy ra hồi đầu năm nay, ngày 22-2,  khi anh Đoàn Bá Khoa lái xe ô tô chở gia đình đi lễ tại Đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh), khoảng 14 giờ 45 phút cùng ngày, trong lúc đang dừng chờ đèn giao thông tại một ngã tư của TP Bắc Ninh thì bất ngờ xe anh Khoa bị một xe ô tô đâm mạnh vào phía sau.

Thay vì ẩu đả cãi vã, anh Khoa bước xuống xe bình tĩnh trò chuyện với người vừa gây ra cú va chạm trên. Nhận thấy người này có hơi men trong người, anh Khoa đã khuyên nhủ nên vào lề đường uống chén nước và nghỉ ngơi cho tỉnh táo hơn rồi hãy đi. Trước thái độ hòa nhã của anh Khoa, người lái xe gây tai nạn liên tục nói lời xin lỗi.

Anh Khoa (áo vest) bắt tay với tài xế đã tông vào xe mình khiến nhiều người nể phục

Sau vài chén nước, anh Khoa tiếp tục châm thuốc mời lái xe đã gây ra vụ va chạm, anh không yêu cầu bồi thường, chỉ nhắc người này nên cân nhắc xem có thể cầm lái tiếp được hay không.

Thay vì cãi nhau hay ẩu đả, hai người đàn ông đi ô tô xuống xe bắt tay nhau hòa giải sau khi va chạm giao thông. Câu chuyện văn hóa giao thông này đã được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội và thu hút được hàng vạn lượt like.

Có thể thấy, thay vì vội vàng tranh cãi, chỉ cần bình tĩnh một chút, chúng ta vừa có thể tránh được những vụ ẩu đả không đáng có, vừa khiến đối phương nể phục nhận lỗi. Điều này vừa giúp xây dựng văn hóa giao thông người Việt, mặt khác, cũng nâng cao ý thức người tham gia giao thông, khi họ mắc lỗi và được phân tích, nói chuyện tử tế họ sẽ nhanh chóng nhận ra lỗi sai của mình hơn là việc lao vào tranh cãi ẩu đả.