V-League sắp thành… chợ lao động

ANTĐ - Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly cho rằng: “Nhiều cầu thủ bây giờ mà không chơi bóng thì chỉ biết… ra đường bán sức lao động”. Thực tế sau khi một số đội bóng giải thể, nhiều cầu thủ thất nghiệp phải bỏ nghề tìm công việc khác mưu sinh. 

“Bóng ma” thất nghiệp ám ảnh giới cầu thủ Việt

Khó khăn tài chính không chỉ khiến các ông “bầu” lao đao mà giới cầu thủ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Những ngôi sao như Quang Hải, Tấn Trường, Trọng Hoàng… bị cắt từ 30-50% lương, thậm chí Công Vinh, Thành Lương còn chưa tìm được việc. Thê thảm hơn, gần 200 cầu thủ thuộc 8 đội bóng bị giải thể trước thềm mùa giải 2013 đã và đang có nguy cơ thất nghiệp. Dù niềm đam mê với trái bóng vẫn còn cháy bỏng, song tình thế buộc nhiều cầu thủ phải bỏ nghề, chuyển sang buôn bán, đi xuất khẩu lao động hoặc tìm một công việc khác để mưu sinh. Mạnh Tú (CLB Khánh Hòa) chuyển sang bán bánh cuốn, Viết Phú (CLB Bà Rịa Vũng Tàu) về nhà phụ mẹ bán rau, Trọng Phú (Lâm Đồng) hồi hương về nhà trồng trọt, chăn nuôi… Dù khoản thu nhập kém xa khi còn là cầu thủ, nhưng ở khía cạnh nào đó, ít ra họ cũng còn hơn nhiều đồng nghiệp khác đang phải chạy đôn chạy đáo mà vẫn chưa tìm được việc. 

Trước cảnh lao đao của giới cầu thủ Việt, ý tưởng thành lập Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp một lần nữa được đề cập. Đây vốn là ý tưởng được VPF đề xuất nhằm bênh vực quyền lợi hợp pháp cho cầu thủ. Theo Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, Hiệp hội còn có chức năng giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cầu thủ nội. Không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực mà Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp mang lại, song vấn đề là đến nay việc thành lập vẫn chưa được VPF xúc tiến. Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn thừa nhận để hiệp hội ra đời vẫn còn là một chặng đường dài. “Song cầu thủ cũng không nên quá ỷ lại vào hiệp hội. Quan trọng, họ phải tự giác trau dồi học vấn, nâng cao ý thức, tính chuyên nghiệp. Đó cũng là cách để họ tự cứu mình”, ông Viễn nhấn mạnh. 

Không ai phủ nhận tính tích cực của ý tưởng thành lập Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp hay bắt buộc các CLB phải kết hợp dạy văn hóa xen lẫn đào tạo chuyên môn… song thực tế những giải pháp đó vẫn còn xa vời. Trong khi trước mắt, nhiều cầu thủ vẫn phải từng ngày từng giờ đối mặt thất nghiệp và bế tắc trước bài toán cơm-áo-gạo-tiền. Trưởng BTC giải Trần Duy Ly thừa nhận: “Nhiều cầu thủ bây giờ mà không chơi bóng thì chỉ biết… ra đường bán sức lao động”. Chiếu theo cách nói của ông Ly, có người còn cay nghiệt hơn khi cho rằng V-League sắp trở thành… chợ người. Tất nhiên, không thể lấy một bộ phận cầu thủ đang thất nghiệp để quy chụp cho V-League, song như thế cũng là quá đủ để thấy giải đấu từng được huyễn hoặc lớn nhất Đông Nam Á đang thê thảm đến mức nào. 

Còn nhiều cầu thủ phải… ra đường!

Theo chuyên gia Trần Văn Phúc, bi kịch chung của nhiều cầu thủ hiện nay là quá ngộ nhận về bản thân. “Năm 2008 làm HLV Thanh Hóa, tôi chỉ chấp nhận trả Đình Tùng mức lương 2-3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, Hải Phòng trả giá 8 tỷ đồng để mua lại cầu thủ này. Cách làm ăn xổi của nhiều ông “bầu” đã gián tiếp hại cầu thủ. Đáng nói hơn, đa số cầu thủ Việt đều có xuất phát điểm, vốn hiểu biết, kiến thức xã hội thấp. Thứ “vốn” duy nhất họ có là biết đá bóng và khi bị đẩy ra khỏi môi trường bóng đá, thất nghiệp là tất yếu. Cách đây 50 năm, tại trường bóng đá Hải Phòng tôi học, người ta đã yêu cầu phải học chuyên môn xen lẫn văn hóa. Sáng ra sân tập luyện, tối lại cắp sách đi học. Nhưng giờ hiếm có CLB nào coi trọng công tác giáo dục văn hóa và kỹ năng sống cho cầu thủ. Nếu không có sự thay đổi trong nhận thức của người trong cuộc, tôi e rằng tương lai sẽ còn nhiều cầu thủ bị đẩy ra đường”, ông Phúc nói.