V-League láo nháo vì... tiền

ANTĐ - Mâu thuẫn tiền bạc, cầu thủ và CLB đưa nhau ra tòa. V-League đang rối bời bởi những vụ kiện tụng, trong sự bất lực của giới quản lý.
V-League láo nháo vì... tiền ảnh 1
Thầy trò HLV Phạm Công Lộc khó đòi được tiền từ Navibank.SG,
đội bóng đã bị xóa sổ hơn một năm trước

Đua nhau đi… kiện

Sau vụ 6 cầu thủ K.Kiên Giang kiện lãnh đạo đội bóng nợ tiền lương, thưởng, mới đây đến lượt thầy trò HLV Phạm Công Lộc rục rịch lên kế hoạch thuê luật sư khởi kiện CLB cũ là Navibank.SG, do còn nợ họ gần 1 tỷ đồng. Theo HLV Công Lộc, đây là số tiền lương, lót tay và thưởng của năm 2012 mà Navibank.SG chưa kịp thanh toán, sau khi CLB được bán cho nhà “bầu” Thụy hồi năm ngoái với giá 21 tỷ đồng. Ở B.Bình Dương, cựu tuyển thủ quốc gia Trần Chí Công cũng đang có ý định nhờ luật sư đứng ra đòi lại công bằng vì cho rằng CLB đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lại còn đòi cầu thủ này phải trả lại 500 triệu đồng (50% số tiền tạm ứng mùa 2014), mới cấp giấy thanh lý hợp đồng.

Theo lời ông Cao Văn Chóng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bóng đá Bình Dương thì CLB B.Bình Dương có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo Luật Lao động, chỉ cần báo trước cho cầu thủ 30 ngày và bồi thường từ 1 đến 2 tháng lương tùy thời hạn còn lại của hợp đồng và sẵn sàng kiện ngược Chí Công nếu cầu thủ này không chịu hoàn lại tiền. Một cựu tuyển thủ quốc gia cũng đang gặp rắc rối tiền bạc là Vũ Như Thành. Trung vệ này hiện muốn tìm bến đỗ khác nhưng vẫn chưa có được giấy thanh lý hợp đồng từ CLB cũ, V.Hải Phòng, do tranh cãi quanh số tiền lót tay giữa đôi bên khi Như Thành chấm dứt hợp đồng sớm 1 năm.

VFF, VPF cũng bó tay

Điểm chung trong các vụ kiện của cầu thủ là hầu như họ đều phải tự cứu mình, chứ không có sự giúp đỡ nào từ giới quản lý, những người vẫn thường tuyên bố sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cầu thủ. Từ vụ kiện của nhóm cầu thủ K.Kiên Giang, đến Navibank.SG hay đơn lẻ như trường hợp Chí Công, Như Thành, một quan chức VFF chia sẻ rất thật rằng đó là chuyện cá nhân giữa cầu thủ và đội bóng, VFF có chăng chỉ hỗ trợ về mặt tư vấn pháp lý chứ chẳng thể đứng ra mà “đòi lại công bằng” được.

Thực tế, bản thân VFF hay VPF cũng đang trở thành nạn nhân của chính các đội bóng. Cụ thể, mùa giải 2013 đã kết thúc hơn một tháng nhưng hiện VPF vẫn đang bị 4 đội bóng nợ tiền cổ đông và lệ phí tham dự giải. Một trong số đó có K.Kiên Giang. Một lãnh đạo Công ty này thừa nhận, nếu K.Kiên Giang giải thể thì số tiền nợ kia cũng coi như mất. Một đơn vị quản lý cấp cao hơn là VFF, sau khi ra quyết định phạt CLB XMXT Sài Gòn 100 triệu đồng, Phó Chủ tịch Nguyễn Lân Trung thừa nhận: “Theo kinh nghiệm của tôi ở môi trường bóng đá Việt Nam thì không hy vọng gì CLB này nộp phạt”.

Cần có tổ chức bảo vệ quyền lợi cầu thủ 

Trước thực trạng cầu thủ chuyên nghiệp đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong các tranh chấp, mâu thuẫn tiền bạc, nhu cầu thành lập một tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cầu thủ trở nên cấp bách. Cựu danh thủ Thể Công, Vũ Mạnh Hải bức xúc: “Ai cũng nhìn thấy lợi ích của việc thành lập một Hiệp hội như thế nhưng đáng tiếc những người có trách nhiệm của VFF lại không quan tâm. Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn từng nói với tôi rằng đợi Đại hội VFF khóa VII tới xong xuôi sẽ tích cực đẩy nhanh quá trình thành lập Hiệp hội. Mong là người ta nói được làm được”.