V-League: Không chuyên nghiệp từ tấm áo

ANTĐ - V-League dù đã lên chuyên nghiệp được 15 năm, nhưng đến thời điểm này, chỉ có CLB HN T&T là mặc trang phục thi đấu chính hãng, do Kappa của Italia tài trợ. Còn lại, hầu hết đều được thiết kế tùy tiện và dễ dãi đến khó tin. 
V-League: Không chuyên nghiệp từ tấm áo ảnh 1

HN T&T (trái) mặc đồ Kappa xịn, còn Bình Dương (phải) trông như diện đồ Adidas nhưng thực chất là hàng nhái

Những bộ quần áo có 3 sọc chạy dọc vai và tay áo, vốn là thiết kế của hãng đồ thể thao Adidas, nhưng được rất nhiều đội bóng “nhái” theo. Xem các trận đấu của CLB Than Quảng Ninh, Đồng Tháp hay thậm chí cả nhà ĐKVĐ Bình Dương… người hâm mộ cứ ngỡ các cầu thủ mặc đồ Adidas “xịn”, nhưng thực chất chỉ là hàng nhái, có giá thành chưa đến 200.000 đồng/bộ, được đặt mua ở các cơ sở sản xuất tư nhân. 

Nhiều CLB còn dễ dãi đến mức, như CLB Than Quảng Ninh, áo thì mang dáng dấp của Adidas, nhưng tất thì lại có logo của Nike (2 hãng thể thao vốn là đối thủ của nhau). Hay như CLB Hải Phòng, quần có logo của Puma, nhưng tất thì lại ghi chữ Adidas và logo của hãng này. Có người còn đùa rằng “cầu thủ ở V-League nhất định phải đi giày xịn, còn quần áo thì nhất định phải nhái”. Là CLB chuyên nghiệp, nhưng những đội bóng này còn thua hẳn các đội bóng nghiệp dư về trang phục để tôn vinh tinh thần màu cờ sắc áo. 

V-League: Không chuyên nghiệp từ tấm áo ảnh 2

Cầu thủ Hải Phòng mặc quần có logo Puma, nhưng lại đi tất với thương hiệu Adidas

Là đối tác của Arsenal, CLB trước đây được tài trợ bởi Nike và bây giờ là Puma, HAGL cũng không có trang phục “ra hồn”. Mẫu quần áo mà Công Phượng, Tuấn Anh… mặc ở mùa giải qua mang dáng dấp thiết kế của Nike, nhưng được sản xuất bởi một cơ sở trong nước với giá khó tin: 180.000 đồng/bộ. HAGL là CLB có lượng áo đấu bán chạy nhất V-League, nhưng ngay cả điều đó cũng không giúp họ thu hút được các thương hiệu lớn tài trợ áo đấu.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) trước đây cũng từng có thời gian bén duyên với thương hiệu nổi tiếng Nike, nhưng sau đó hãng thể thao này cũng phải rút lui nhường chỗ cho Grand Sport hiện tại, cũng bởi áo đấu xịn không bán được nhiều do các CĐV Việt Nam chỉ thích dùng hàng nhái, có giá thành rẻ hơn rất nhiều. Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Văn Chóng - Giám đốc điều hành CLB Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc với một số đối tác về trang phục thi đấu, nhưng chưa tìm được sự đồng thuận”.

Bình Dương là ĐKVĐ V-League và sẽ dự AFC Champions League mùa tới, việc mặc quần áo thi đấu chính hãng khi bước ra “biển lớn” sẽ khiến các cầu thủ tự tin hơn khi đối đầu với các CLB chuyên nghiệp của châu lục. Đó là chưa kể, nếu may mắn lọt sâu vào giải, Bình Dương có thể khiến Adidas chú ý hơn và sẽ kiện họ vấn đề “vi phạm bản quyền”. Việc các cầu thủ thi đấu với chiếc áo “xịn” có thể không giúp các đội bóng “lột xác” ngay lập tức về chuyên môn, nhưng ít nhất nó sẽ khiến V-League, vốn đã 15 năm tuổi, chuyên nghiệp và bài bản hơn, thay vì bát nháo và dễ dãi về trang phục như hiện tại.