Uy danh “Thần hộ vệ”

ANTĐ - Năm nay đã bước sang tuổi 85, nhưng lão tướng Vi Chính Nghĩa, nguyên Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ Tĩnh cũ vẫn hăng say bảo vệ hàng trăm hecta rừng săng lẻ. Uy danh võ thuật của ông khiến bọn lâm tặc khiếp đảm, không dám bén mảng đến khu rừng quý chạy dọc ven quốc lộ 7.

Bao nhiêu năm nay, ông Nghĩa bảo vệ rừng mà không cần lương

Nên thơ rừng săng lẻ

Từ thành phố Vinh - Nghệ An, chúng tôi vượt gần 200 cây số theo quốc lộ 7 tới xã Tam Đình huyện Tương Dương để ngắm khu rừng quý giá nhất nhì miền Tây xứ Nghệ. Bên quốc lộ 7, rừng săng lẻ hiện ra xanh ngút ngàn. Những thân gỗ cao vút, vài người ôm mới xuể tô điểm cho sự trù phú đa dạng của những khu rừng vùng biên giới.

Ít ai biết rằng, để rừng săng lẻ trên tồn tại thì cơ man nào những tháng ngày trèo đèo lội suối, ngày không ăn đêm không ngủ của lão tướng Vi Chính Nghĩa. Hôm chúng tôi đến, ông Nghĩa đon đả chống gậy ra đón. Ông bảo, dạo này lâm tặc hoạt động tinh vi lắm nên dù ngồi ở nhà cũng phải giỏng tai nghe xem có tiếng cưa xăng, gỗ đổ hay không.

Nói rồi ông dẫn chúng tôi lên rừng, đi sâu luồn lách qua những bụi cây rậm rạp, vượt qua những khe suối sâu hun hút. Càng vào sâu, rừng săng lẻ càng thâm u. Tiếng chim kêu vang vọng khắp cánh rừng rộng lớn. Hàng ngàn cây săng lẻ quý giá mọc trùng điệp xen lẫn với những lim, sến mà chẳng ai có thể định giá nổi. Bởi theo ông Nghĩa: “Rừng vàng biển bạc, nhưng rừng không phải là thứ để đem ra định giá, nó là sự sống và lá phổi của con người”.

Những dãy núi đá cao lô nhô với tiếng nước róc rách suốt ngày đêm đang tạo cho miền Tây xứ Nghệ một khu rừng kỳ thú. Nhưng tuyệt vời hơn là những cánh rừng quý giá ấy được bảo vệ bởi một cụ già ở tuổi 85 như ông Nghĩa đã và đang khơi gợi tinh thần yêu thiên nhiên và sống với trách nhiệm với rừng.

“Thần hộ rừng”

Ở Nghệ An, người ta gọi ông Nghĩa là “thần hộ rừng” nhưng ông Nghĩa khiêm tốn: “Tên tôi là Chính, tức là chính nghĩa. Đã chính nghĩa thì không bao giờ được phi nghĩa. Không phi nghĩa nhưng ngồi yên một chỗ không thực thi chính nghĩa thì cũng chẳng ra làm sao cho nên quyết tâm bảo vệ rừng”.

Theo ông Nghĩa, rừng săng lẻ Tương Dương vào những năm đầu của thập kỉ 90 thế  kỉ trước bị lâm tặc tàn phá khủng khiếp. Kiểm lâm và chính quyền huyện Tương Dương dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không nổi. Tận mắt chứng kiến “máu” rừng săng lẻ chảy hàng ngày, ông Nghĩa đã viết đơn gửi lên huyện tình nguyện được giữ rừng. Nhiều người cười bảo, rừng săng lẻ rộng gần 100 ha, huyện phối hợp với nhiều lực lượng ngăn chặn mà chẳng ăn thua huống chi ông già sức vóc kề miệng lỗ. Thậm chí, có người còn châm biếm hoặc nghi ngờ việc ông xin bảo vệ rừng là có ý đồ riêng, vụ lợi.

Bỏ ngoài tai tất cả, sau nhiều lần cuốc bộ hơn 30 cây số lên huyện, ông nằng nặc đòi được giữ rừng. Cán bộ huyện yêu cầu ông trình bày phương án, cách thức, ông nói: “Tui lớn lên với rừng, Tui hiểu rừng và con người nơi đây. Tui không trình bày rườm rà. Tôi nói làm được là làm được. Tui năm nay 40 năm tuổi Đảng, xin thề với rừng tui sẽ giữ được rừng”. 

Thấy thái độ kiên quyết của ông, cuối cùng lãnh đạo huyện Tương Dương đã đồng ý. Bà vợ ông than vắn, thở dài: “Ông về hưu, nghỉ cho khỏe chứ việc gì mà lao vào chốn nguy hiểm. Bọn lâm tặc chúng nó có dao có súng, lại liều lĩnh. Sức ông già yếu thế, chúng nó xô một cái là ngã”. Ông gạt lời can ngăn của vợ, quyết chí lên rừng chọn địa điểm dễ quan sát để làm lán bắt đầu cho cuộc chiến lâu dài.


Uy danh “Thần hộ vệ”  ảnh 2
Ngày nào ông cũng chống gậy kiểm tra hàng trăm hecta rừng

Lâm tặc cũng phải sợ

Việc đầu tiên sau khi làm lán trại và chuẩn bị các vật dùng cần thiết để bảo vệ rừng là phân loại lâm tặc để đối phó. Ông Nghĩa cho hay, loại thứ nhất, lâm tặc là bà con mình. Họ nghèo đói nên chặt gỗ bán kiếm cái ăn. Với những trường hợp này, ông Nghĩa đến tận nhà từng người để nói chuyện, giải thích thậm chí giúp họ làm nương làm rẫy.

“Tui nói một ngày họ không hiểu thì nói ngày này qua ngày khác. Muốn bà con nghe thì mình phải làm gương. Vợ con tui thiếu củi thì đi mua chứ không lấy của rừng một cái gì cả. Vì thế, khi tôi bắt được những người vào rừng lấy củi, lần đầu và lần thứ hai bao giờ tôi cũng chỉ nhắc nhở và theo họ về đến tận nhà để khuyên bảo, giáo dục”, ông Nghĩa tâm sự.

Loại thứ hai mà ông Nghĩa phân ra là người từ vùng khác đến bỏ tiền ra thuê người địa phương chặt gỗ. Loại này rất  hung hãn, mang theo cả vũ khí nóng để chống trả khi bị ngăn cản. Và những trận kịch chiến đã xảy ra. Ông Nghĩa cởi áo cho chúng tôi xem ở lưng và tay, chân có rất nhiều vết sẹo to nhỏ.  Đó là chứng tích mà bọn lâm tặc để lại trên người ông. 

Nhưng trong các trận chiến, ông Nghĩa luôn là người chiến thắng. Bởi trước đây, ông từng là lính, là một trong những hướng đạo sinh võ nghệ cao cường. Có lần, bọn lâm tặc đang chặt, ông Nghĩa chạy đến bắt dừng lại để lập biên bản, thì một tên trong bọn chúng cầm túyp sắt tấn công từ phía sau. Cảm thấy nguy hiểm, ông cúi đầu rồi tung cú đá như trời giáng về phía sau trúng bụng tên lâm tặc. Biết không “ăn” nổi lão tướng Vi Chính Nghĩa, bọn lâm tặc tháo lui chạy thoát thân ra khỏi cánh rừng.

Đó chỉ là một trong vô vàn những trận chiến trong rừng sâu mà ông Nghĩa đã xả thân để bảo vệ rừng. Đến bây giờ, dù đã ở tuổi 85 nhưng ngày nào ông cũng đi bộ để kiểm tra hàng trăm hecta rừng. Bọn lâm tặc vì sợ uy danh của “thần hộ rừng” nên cũng không dám bén mảng xâm phạm rừng nữa.

Với những thành công ấy, năm 2012 ông Nghĩa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Ông Vi Chính Nghĩa là một tấm gương sáng cho tất cả mọi người học tập về tinh thần bảo vệ rừng xanh. Với uy tín và sự chân tình của mình, ông đã thuyết phục bà con không xâm phạm rừng. Và lâm tặc cũng không dám chặt phá gỗ ở đây nữa”, ông Vi Tân Hợi – Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết.