Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia công nhận 15 đảng chính trị tham gia tranh cử

ANTD.VN -Ngày 20-5-2018, Phát ngôn viên Ủy ban Bầu cử Quốc gia  Campuchia (NEC) Dim Sovannarom cho biết, NEC đã chính thức công nhận 15 trong số 20 đảng chính trị đăng ký tham gia cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 29-7-2018 và đang xem xét 5 đảng chính trị còn lại. NEC cũng hoàn tất danh sách các ứng viên đảng.

Ủy ban Bầu cử tổ chức họp báo

Như vậy, so với cuộc bầu cử năm 2013 khi chỉ có 8 đảng tham gia, số lượng các đảng tham gia tranh cử lần này tăng gấp đôi. Phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Phay Siphan cho rằng, mặc dù cuộc bầu cử sẽ không có một đảng đối lập lớn, nhưng dân chủ ở Campuchia tiếp tục phát triển. Việc mất một đảng không có nghĩa là mất dân chủ ở Campuchia. Một số đảng khác đang tranh giành quyền lực chống Đảng Nhân dân Campuchia [CPP]. Các đảng khác đã đăng ký với NEC để cạnh tranh với CPP, và điều này cho thấy sức mạnh của người dân là lành mạnh và dân chủ đang trở nên mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, các tổ chức xã hội dân sự và cựu chính trị gia đối lập cho rằng, cuộc bầu cử sẽ không được tự do và công bằng do đảng đối lập lớn nhất CNRP đã bị giải thể trước cuộc bầu cử.

Tháng 11-2017, Đảng đối lập CNRP đã bị Tòa án Tối cao giải tán sau khi nhà lãnh đạo Kem Sokha bị bắt giam vì tội phản quốc và bị buộc tội âm mưu lật đổ chính phủ thông qua một cuộc cách mạng màu.

Cựu lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy trước đây đã từng tuyên bố, nhiều đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử không có ý nghĩa gì cả. Ông tuyên bố rằng trong số 20 đảng dự kiến sẽ được công nhận thì 19 đảng là "đom đóm" vì chúng được lập ra một cách giả tạo và chỉ đóng một vai trò đó là giúp Đảng CPP của ông Hun Sen.

Cựu nghị sỹ CNRP Ou Chanrath cho rằng: “Các đảng không thể mang lại dân chủ vì tiếng nói của họ không hiệu quả, và họ quá yếu và nhỏ. Họ chỉ có thể đại diện cho một số lượng rất nhỏ của người dân. Họ sẽ không phản ánh ý chí của mọi người”.

Tuần trước, NEC cũng yêu cầu Bộ Nội vụ thực hiện hành động pháp lý đối với những cá nhân đã kêu gọi công chúng tẩy chay cuộc bầu cử. Hành động được cho là nhắm vào Cựu lãnh đạo Đảng đối lập CNRP Sam Rainsy sống lưu vong và đã nhiều lần kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử.

Hôm 18-5 vừa qua, ông Sam Rainsy đã đăng một tin nhắn trên Facebook cá nhân đáp lại lời kêu gọi bắt giữ mình, cho rằng việc không tham gia bầu cử thuộc quyền của cử tri. "Tôi muốn nhắc nhở các quan chức chính phủ Hun Sen muốn truy tố tôi vì lời kêu gọi dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử ngày 29-7 rằng bỏ phiếu là quyền của công dân, nhưng không bỏ phiếu cũng là quyền của họ".

Trong khi, người phát ngôn Đảng cầm quyền CPP Sok Eysan cho biết, lời kêu gọi của ông Rainsy trái với hiến pháp Campuchia. “Ông Rainsy đang khiến công chúng bối rối vì kêu gọi mọi người tẩy chay cuộc bầu cử và ông ta xứng đáng bị truy tố theo luật pháp”.

Trong thông báo ngày 18-5, NEC cũng cho biết, tất cả những người Campuchia có tên trong danh sách cử tri và đang làm việc hoặc sống ở nước ngoài nên trở về Campuchia để bỏ phiếu vào ngày 29-7. "NEC muốn kêu gọi tất cả các công dân Campuchia đi bỏ phiếu để thực hiện các quyền của mình". Theo Bộ Lao động, gần 100.000 người Campuchia đã được gửi đi làm việc ở nước ngoài vào năm 2017.