Ưu tiên tranh luận, Quốc hội thêm sức lan tỏa

ANTD.VN - Ngày 19-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. 

Dấu ấn tranh luận

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ 2 tạo dấu ấn mạnh mẽ với cử tri bởi tính tranh luận cao. Đáng lưu ý, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV với nhiều đổi mới trong cách thức tiến hành đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, cầu thị và để lại ấn tượng sâu sắc, có sức lan tỏa tới cử tri cả nước. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, công tác điều hành hoạt động của Quốc hội đã thể hiện sự linh hoạt, nghiêm túc, chuyên nghiệp; hướng đại biểu tập trung thảo luận vào những vấn đề trọng tâm, còn ý kiến khác nhau, những vấn đề bức xúc của xã hội. Hầu như tất cả các đại biểu muốn nêu câu hỏi đều đã được hỏi, nếu chưa được trả lời ngay tại hội trường thì trả lời sau đó bằng văn bản.

“Cơ chế ưu tiên tranh luận là điểm mới của kỳ họp này, song người điều hành cần xử lý linh hoạt hơn các trường hợp chưa thực sự là tranh luận. Tôi cũng cho rằng tranh luận không chỉ diễn ra giữa ĐBQH với cơ quan soạn thảo, mà tranh luận còn có thể là giữa các ĐBQH với nhau”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Nên tăng thời gian chất vấn

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ dành hơn một nửa thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (14,5/22,5 ngày làm việc), để xem xét, thông qua 13 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án Luật.

Các nội dung khác, theo thông lệ, bao gồm việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được dành 7 ngày. Khác với các kỳ họp trước, tại kỳ họp này, sẽ không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để bảo đảm thời gian nghỉ và nghiên cứu tài liệu của ĐBQH. 

Để nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 4-2017 để cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật Đường sắt (sửa đổi)…

Đặc biệt, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 đến 3,5 ngày để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép từ kỳ họp thứ 3 trở đi, sẽ bố trí 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.