Ưu tiên hợp tác kinh tế nội khối ASEAN hướng tới thịnh vượng

ANTD.VN - Việt Nam ngay từ những ngày đầu năm mới 2020 đã bắt tay ngay vào các việc làm, hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN nhằm góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối của hiệp hội hiện là một thị trường chung lớn với dân số hơn 600 triệu người.

Ưu tiên hợp tác kinh tế nội khối ASEAN hướng tới thịnh vượng ảnh 1Hội nghị các Quan chức Kinh tế Cao cấp ASEAN lần thứ nhất năm 2020 đề xuất 14 dự thảo sáng kiến thúc đẩy hợp tác nội khối

Chủ động đề xuất các hoạt động và chương trình hợp tác

Một trong những hoạt động quan trọng đầu tiên trong lĩnh vực kinh tế khi Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN 2020 là việc tổ chức và chủ trì Hội nghị các Quan chức Kinh tế Cao cấp ASEAN lần thứ nhất năm 2020 (SEOM 1/51) với các cơ quan liên quan tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 12 đến 14-1. Đây là một trong những sự kiện quan trọng thuộc trụ cột kinh tế trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Trên cương vị chủ trì, đề xuất và điều phối hợp tác kinh tế của cả hiệp hội trong năm đảm đương trọng trách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã xây dựng và tổng hợp các sáng kiến, ưu tiên và kế hoạch hợp tác cụ thể để đưa ra thảo luận và tham vấn với các nước ASEAN tại Hội nghị SEOM 1/51. Trong đó, với 14 dự thảo sáng kiến được đưa ra, Việt Nam đã chủ động đề xuất các hoạt động và chương trình hợp tác để đảm bảo năm 2020 ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thiết lập cộng đồng kinh tế, có vị trí trung tâm trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu, nhất là trong bối cảnh cả ASEAN và mỗi thành viên hiệp hội đều đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn từ sự canh tranh toàn cầu và nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang tác động tiêu cực với khu vực.

Những tác động không thuận trên, nền kinh tế ASEAN dù vẫn tăng trưởng GDP khả quan, đạt 4,9% nhưng nhiều thành viên đã sụt giảm xuất khẩu và suy yếu đầu tư. Ngoại trừ Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi duy trì tăng trưởng cao khoảng 7%, các nền kinh tế quan trọng như Singapore, Thái Lan đều có tốc độ tăng trưởng trong năm qua thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó.

Tăng trưởng của nền kinh tế ASEAN hiện vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư, tuy nhiên hiệp hội với tốc độ tăng trưởng nhanh những năm qua có rất nhiều dư địa, tiềm năng phát triển hơn nữa. Theo Báo cáo hội nhập ASEAN năm 2019 được công bố dịp cuối năm qua, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với GDP khoảng 3 nghìn tỷ USD, một sự gia tăng đáng kể so với vị trí là nền kinh tế thứ 7 của thế giới cách đây 5 năm.

Gắn kết để phát huy sức mạnh hợp tác nội khối

Hội nhập kinh tế ASEAN tiếp tục đóng góp vào vị trí mới nổi của khu vực với tư cách là động lực tăng trưởng toàn cầu, với hoạt động nội khối ASEAN chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thương mại và FDI của ASEAN năm 2018 với tỷ lệ lần lượt là 23% và 15,9%. Báo cáo Hội nhập ASEAN năm 2019 nhấn mạnh nền kinh tế ASEAN ngày càng hội nhập sau sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015. AEC về cơ bản là sự hội nhập kinh tế của 10 thành viên ASEAN, được hướng dẫn bởi kế hoạch tổng thể AEC năm 2025, đưa ra những định hướng sâu rộng thông qua các biện pháp chiến lược giai đoạn 2016-2025, công nhận sự di chuyển tự do của lao động lành nghề, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên như yếu tố chính.

Sau 4 năm thực thi kế hoạch tổng thể AEC 2025, hiện là thời điểm quan trọng đối với tất cả các thành viên với những thay đổi đáng kể trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu mà ASEAN đang đối mặt, đây là thời điểm rất khác biệt khi lần đầu tiên kế hoạch tổng thể AEC 2025 được đưa ra năm 2015. Điều quan trọng hơn nữa là ASEAN cần duy trì các bước đi, phản ánh những gì đã đạt được và những gì cần đạt được để hướng tới mục tiêu 2025.

Chính vì thế, trong bối cảnh nền kinh tế ASEAN đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng lo ngại nhất suy giảm thương mại và đầu tư dẫn tới sụt giảm tăng tăng trưởng GDP trong năm 2020, Việt Nam khi tiếp nhận trách nhiệm Chủ tịch luân phiên của hiệp hội đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc gắn kết để phát huy sức mạnh hợp tác nội khối. Trên cơ sở chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã đặt ra ba định hướng ưu tiên trong trụ cột kinh tế ASEAN trong năm 2020, bao gồm: 1- thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN; 2- đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; và 3 - nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN. 

Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đặt ưu tiên cao cho thúc đẩy gắn kết nội khối; mong muốn với sự hỗ trợ và ủng hộ của các thành viên hiệp hội để chung sức đồng lòng thúc đẩy một bước hợp tác kinh tế nội khối ASEAN, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đóng góp vào nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN cũng như sự thịnh vượng bền vững của khu vực.