Ưu tiên hoàn thiện thủ tục pháp lý các giấy tờ cho tài sản đảm bảo

ANTD.VN -  Chiều 16-11, lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.

Ưu tiên hoàn thiện thủ tục pháp lý các giấy tờ cho tài sản đảm bảo ảnh 1

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn ĐBQH

Tài sản kê biên chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản

Mở đầu phần chất vấn của ĐB Hà Thị Minh Tâm (Đoàn Hà Giang) về việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu gặp khó khăn vướng mắc như xử lý nợ xấu, tài sản không sinh lời khó do kê biên và hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đối với việc kê biên tài sản còn gặp một số vướng mắc, khó khăn khi cơ quan chức năng đang thụ lý vụ án thì NHNN, tổ chức tín dụng và VAMC tiếp tục báo cáo, làm việc cơ quan chức năng, từng vụ việc cụ thể khi cơ quan chức năng két luận, đồng ý thì nhận tài sản kê biên đó để xử lý.

Trả lời câu hỏi của ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) về việc chậm đạt chỉ tiêu kinh tế và để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch và giải pháp để đạt tăng trưởng tín dụng cũng như vấn đề nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng ít doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi về nông nghiệp công nghệ cao (CNC) để nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp.

Thống đốc NHNN cho rằng, từ khía cạnh ngân hàng, căn cứ Nghị quyết phát triển KTXH của Quốc hội xây dựng kịch bản điều hành cho năm 2017, tín dụng tăng trưởng 18% và có điều chỉnh linh hoạt tuỳ theo diễn biến vĩ mô nền kinh tế. Tốc độ đến cuối tháng 10 là 13,66%, cao hơn so với năm ngoái. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và NHNN là tăng trưởng tín dụng đi kèm hiệu quả chất lượng tín dụng, đưa vào sản xuất kinh doanh.

Khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư nông nghiệp

Nêu ra giải pháp tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, từ nay cuối năm đạt tín dụng như định hướng và kiểm soát được chất lượng tín dụng. Về cho vay nông nghiệp CNC và nông nghiệp sạch, thực tế quá trình triển khai chính sách tín dụng cho 2 lĩnh vực này mới được 6 tháng.

Thống kê dư nợ đã đạt 36.000 tỷ trong gói 100.000 tỷ đồng. Kỳ hạn dài chiếm gần 60%, như vậy tín dụng đáp ứng nhu cầu đầu tư nguồn vốn lớn trung và dài hạn. Thời gian ngắn nhưng quy mô tín dụng như vậy là khá cao. Hiện doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này có khoảng trên 6.400 khách hàng, trong đó hơn 6.000 khách hàng cá nhân. Chính sách mới đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, các bộ ngành và địa phương.

Mặc dù vậy, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn còn hạn chế vì: Bộ NN&PTNT quyết liệt tái cơ cấu và ứng dụng nông nghiệp CNC và nông nghiệp sạch nhưng quy mô doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ở lĩnh vực này còn hạn chế. Do vậy, việc cho vay cũng cần thận trọng.

Theo Thống đốc NHNN, bất cập rất lớn mà vừa rồi Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt là thị trường tiêu thụ. Đây là vấn đề quyết định để ngân hàng cho vay đầu tư nông nghiệp CNC. Người dân muốn vay nhưng chứng nhận bảo đảm còn hạn chế nhất định. Chính phủ chỉ đạo thời gian tới phối hợp với Bộ NN&PTNT đẩy mạnh chuyển dịch tái cơ cấu để cùng địa phương, tạo lập khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, xem xét cấp giấy cho doanh nghiệp để ngân hàng xem xét cho vay vốn.