Ưu ái quá lớn cho 3 đặc khu kinh tế: "Không đánh đổi chủ quyền lấy sự phát triển"

ANTD.VN - Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, dự thảo quy định thời gian cho thuê đất để đầu tư tại 3 đặc khu kinh tế Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc lên tới 90 năm là không ổn, vì cả 3 vị trí này đều là vị trí nhạy cảm, tiền tiêu, có ý nghĩa rất quan trọng tới an ninh chủ quyền quốc gia…

ĐBQH Lê Thanh Vân góp ý về dự án luật

Góp ý vào dự thảo Luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng nay, 4-4, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, dự thảo lần này đã có nhiều tiếp thu theo hướng rút gọn lại các ngành nghề kinh doanh, thuế, ưu tiên đối với nhà đầu tư, về thời hạn thuê đất mặt nước tại 3 đặc khu kinh tế kể trên.

Dù vậy, theo ông Vân, thu hút đầu tư vào 3 đặc khu kinh tế bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất là không cần thiết, mà quan trọng nhất là phải minh bạch trong đầu tư, minh bạch trong hoạt động của chính quyền đặc khu.

“Ưu đãi về thuế nhưng hành xử của bộ máy chính quyền tham nhũng, phiền hà, nhũng nhiễu thì tiền được giảm có khi còn ít hơn tiền phải 'lobby' cho các chính sách khác” – ông Vân lưu ý.

Hơn nữa, ông Vân cũng cho rằng, thực tế tự thân 3 vị trí dự kiến thành lập đặc khu kinh tế gồm Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) đã có điều kiện thiên nhiên rất ưu đãi. Thời gian qua nhà nước cũng đã đầu tư hạ tầng vào đây rất nhiều. Nay nếu tiếp tục dành cho 3 khu này quá nhiều ưu đãi nữa thì dễ nảy sinh vấn đề mất công bằng.

Đặc biệt, vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn lớn đối với thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê đất tại 3 đặc khu kinh tế kể trên. Theo ông Vân, thời gian cho thuê đất tại đây lên tới 90 năm là không ổn vì 3 vị trí dự định thành lập đặc khu là vị trí nhạy cảm, tiền tiêu về quốc phòng an ninh.

“Ba vị trí này nhô ra ngoài Biển Đông, tác động của nó ở khía cạnh phòng thủ quốc gia sẽ thế nào? Tôi nghĩ điều này phải bàn bạc kỹ và thận trọng” – ĐB Lê Thanh Vân nói, đồng thời nhấn mạnh quan điểm không được phép thay đổi là “chúng ta đồng thuận không đánh đổi môi trường để phát triển bằng mọi cách, bây giờ cũng không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia để phát triển bằng mọi cách”.

Về mô hình chính quyền tại các đặc khu kinh tế, ĐB Lê Thanh Vân góp ý, theo dự thảo luật, quyền hạn giao cho chủ tịch đặc khu quá lớn nhưng chế độ, trách nhiệm chưa rõ, cơ chế kiểm soát quyền lực của chủ tịch UBND đặc khu chưa đủ mạnh. Cần phải xây dựng luật theo tư duy ưu đãi vượt trội, trao quyền vượt trội thì chế tài, trách nhiệm cũng phải vượt trội.

“Vừa qua, mặc dù chưa có quyền lực vượt trội mà lợi ích nhóm hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách. Giờ cho người đứng đầu đặc khu kinh tế quyền lực vượt trội mà không có lồng quyền lực để giám sát chặt chẽ là rất đáng lo ngại, nên cần cân nhắc hoàn thiện thêm” – ông Vân phân tích.