USD liên tục "leo đỉnh", gửi tiết kiệm ngân hàng có còn hấp dẫn?

ANTD.VN - Đồng USD trên thế giới có xu hướng tiếp tục mạnh lên, trong khi tỷ giá trong nước cũng đã thiết lập đỉnh trong những ngày gần đây. Liệu gửi tiết kiệm có còn đủ hấp dẫn khi khả năng tăng lãi suất từ nay đến cuối năm gần như không có?

Tỷ giá trung tâm trong ngày 6 và 7/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố đã thiết lập đỉnh từ khi tỷ giá trung tâm ra đời, ở mức 22.676 VND/USD. Tại các ngân hàng, tỷ giá hôm qua dao động ở mức 23.265 – 23.345 VND/USD (mua vào – bán ra). Trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ có lúc đã vượt 23.500 VND/USD.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7, tỷ giá trung tâm của Việt Nam tăng 1,1% so với thời điểm cuối năm 2017. Với biên độ dao động cho phép là 3%, tỷ giá liên ngân hàng tính tới ngày 1/8 đã tăng 2,5% so với cuối năm 2017.

Trên thế giới, chỉ số USD Index đã có lúc đạt 95,24. Trong phiên hôm qua, giá đồng USD trên thế giới và Việt Nam đã quay đầu suy giảm nhẹ. Tuy nhiên, với việc Fed kiên định mục tiêu nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2018 khiến xu hướng tăng giá của đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục quay trở lại.

Trong khi đó, ảnh hưởng từ chiến thương mại Mỹ - Trung đang dấy lên lo ngại về áp lực lên lạm phát khiến việc nắm giữ VND sẽ không còn có lợi.

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Furbright khẳng định việc nắm giữ VND trong bối cảnh hiện nay vẫn có lợi.

Cụ thể, vị chuyên gia cho phân tích, trên thị trường tự do, VND mất giá khoảng 2% so với USD, tỷ giá trung tâm điều chỉnh trên 1%. “Trong quan điểm về chính sách lãi suất tiền gửi và điều hành, một yếu tố quan trọng về mặt kỳ vọng là tạo lãi suất tiền gửi dương, ít nhất không âm. Điều này tạo niềm tin cho người gửi tiền nội tệ trong hệ thống ngân hàng, đồng thời bảo đảm hệ thống tài chính phát triển theo chiều sâu.

Nếu lãi suất tiền gửi âm sẽ có lợi cho tổ chức tín dụng, nhưng về dài hạn sẽ làm xói mòn niềm tin của người gửi tiền. Kỳ vọng lạm phát hiện nay là 4%, ngân hàng phải bảo đảm lãi suất tiền gửi của mình, ngay cả với kỳ hạn 1 năm cũng phải trên mức đó” – chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.

Dù tỷ giá tăng thời gian gần đây nhưng chuyên gia cho rằng nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng việc gửi tiết kiệm ngân hàng được coi là kênh đầu tư an toàn nhất và vẫn sinh lợi trong bối cảnh hiện nay.

Vị chuyên gia cho rằng hiện lãi suất USD là 0% đang gây bất lợi cho người nắm giữ USD. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực  giữ tỷ giá ở mức ổn định. Vì vậy, việc chuyển đổi từ nắm giữ USD sang nắm giữ VND  sẽ có lợi cho người có tiền thời điểm hiện tại cũng như về lâu dài.

“Chống đô la hóa là mục tiêu kiên định của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ quyền lực và công cụ để thực hiện mục tiêu đó và đó là những thứ được quy định trong pháp luật Nhà nước, là phải đảm bảo được giá trị của đồng nội tệ. Vì vậy, những người nắm giữ VND chắc chắn sẽ có lợi” – vị chuyên gia nói.

Cũng đánh giá cao cuộc chiến chống đô la hóa tại Việt Nam, Giáo sư Andreas Hauskrecht đến từ Trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam là một nước thành công nhất trong cuộc chiến chống đô la hóa.

Vị chuyên gia dẫn số liệu, vào năm 1998, tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam là 47% nhưng hiện tại chỉ khoảng dưới 8%.

“Đây là một thành công lớn và tỷ lệ này cần tiếp tục giảm thêm nữa. Tôi rất ủng hộ chính sách Ngân hàng Nhà nước không áp dụng lãi suất lên tiền gửi USD. Nếu trả lãi thì là một sai lầm về mặt kỹ thuật, vì khiến tiền gửi USD tăng, giảm chức năng lưu giữ giá trị đồng Việt Nam” - Giáo sư Andreas Hauskrecht nói.

Cũng theo phân tích của chuyên gia này, trong năm 2017 luồng vốn FDI cùng các luồng vốn khác chảy vào Việt Nam rất lớn. Điều đó có nghĩa cung đô la rất lớn, do vậy cầu tiền đồng cũng rất lớn.

“Nếu như tất cả những điều kiện khác không đổi, ví dụ ngân hàng trung ương không có động thái gì thì đồng Việt Nam sẽ tăng giá. Như vậy, vấn đề của Việt Nam không phải mất giá của tiền đồng mà là tăng giá. Nhưng Ngân hàng Nhà nước không muốn tiền đồng tăng giá quá mạnh, vì tăng giá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, cả sang Mỹ và Trung Quốc đều ảnh hưởng” – ông nói.

Vì vậy theo vị chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp bằng cách mua lại đồng USD trên thị trường để ngăn chặn tăng giá tiền đồng.

“Chỉ trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 12 tỷ đô la dự trữ ngoại hối. Đó là công cụ kiểm soát tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước có thể ngay lập tức bán 2 tỷ USD mà không ảnh hưởng gì. Cùng với đó, cán cân vãng lai vẫn đang thặng dư. Tôi thấy tỷ giá vẫn đang ổn định và sự ổn định này sẽ kéo dài trong vài năm” – vị chuyên gia nhận định.

Nhận định về giá trị tiền đồng từ nay đến cuối năm, vị chuyên gia khẳng định: “Chắc chắn từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán sẽ ổn định, dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào thị trường, cùng với đó vốn FDI chắc chắn còn lớn hơn nhiều. Với việc luồng vốn chảy mạnh như thế, nếu Ngân hàng Nhà nước không có động thái can thiệp thì chắc chắn tiền đồng sẽ tăng, vì vậy Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ mua ngoại tệ. Không thể nói con số nhưng dự trữ ngoại hối đang lớn nhất từ trước đến giờ, do đó theo tôi Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ công cụ và quyền năng để kiểm soát tiền đồng”.