Peru

USD giả nhiều hơn... giấy lộn

ANTĐ - Peru, một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển thịnh vượng nhất châu Mỹ La tinh, đang đau đầu với bọn tội phạm in USD giả để phát hành trong nước lẫn nước ngoài, với 17% số tiền giả lưu hành tại Mỹ có nguồn gốc từ đây. Nguyên nhân chính là do luật hình sự của nước này xử lý hết sức nhẹ đối với hoạt động làm tiền giả, khiến nhiều kẻ vẫn sẵn sàng liều để có thể nhanh chóng trở nên giàu có.

Trung tâm phát hành tiền giả của thế giới

Tại thủ đô Lima, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, người dân có thói quen đổi tiền nội địa qua đô la Mỹ (USD) ở chợ đen hơn là ngân hàng. Họ thích làm như vậy để hưởng “lời” từ giá chênh lệch. Theo các chuyên gia an ninh thì “sở thích” và thói quen này của người dân chính là nguyên nhân khiến cho tội phạm tiền giả “khởi sắc” tại nước này.

Những tên tội phạm làm tiền giả  thường xuyên xuất hiện trên đường phố ngay khi những nhà buôn ngoại tệ sắp về nhà, giả dạng những người bán đô la để đổi tiền giả lấy tiền thật. Filomeno Olivera, một nhà buôn ngoại tệ ở quận San Miguel thuộc Lima, cho biết đối tượng bọn tội phạm tiền giả nhắm đến là những người rao bán xe hơi, máy tính và vật dụng cá nhân trên internet hoặc báo in. 

Brian Leary, người phát ngôn cho Mật vụ Mỹ (SS) - Cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ Mỹ về sự an toàn của đồng USD trên toàn thế giới, cho biết tờ USD giả đầu tiên do Peru sản xuất được phát hiện tại Mỹ vào năm 2003 và hiện nay khoảng 17% số USD giả lưu hành tại Mỹ có nguồn gốc từ Peru. 

Những kẻ lừa đảo ở Peru không chỉ khuấy tung lên các đồng tiền mệnh giá 20 USD, 50 USD và 100 USD. Công nghệ làm tiền giả tại Peru còn “đỉnh cao” hơn rất nhiều so với các loại tiền giả được sản xuất tại Mỹ. Ở Mỹ, bọn làm tiền giả chỉ hoạt động nhỏ lẻ, mang tính thủ công, sử dụng công nghệ kỹ thuật số và sản xuất một lượng giới hạn tiền giả trong mỗi lần. Trong khi bọn làm tiền giả ở Peru làm ăn quy mô hơn nhiều, vẫn tiếp tục sử dụng những kỹ thuật in ấn truyền thống với kỹ thuật offset (công cụ chính)  và sản xuất ồ ạt. 

Theo tính toán, cứ 10 USD giả được buôn lậu ra khỏi biên giới Peru sẽ mang về 1 USD tiền thật cho kẻ buôn lậu. John Large, Đội phó Đội chống tội phạm chi nhánh ở Miami của SS, tuyên bố tiền giả cũng là một dạng khủng bố kinh tế vô cùng nguy hiểm. Không chỉ công dân và doanh nhân Mỹ bị mất hàng triệu USD vì tiền giả mà các mạng lưới sản xuất và buôn lậu USD giả trên khắp thế giới còn phá hoại ngầm giá trị của đồng tiền Mỹ.

Khó chống vì hình phạt quá nhẹ  

Theo Time, một trong những nguyên nhân chính khiến nạn làm tiền giả lan rộng ở Peru là án phạt nơi đây quá nhẹ. Luật quy định rằng những kẻ phạm tội lần đầu có thể bị phạt tù 3 năm song ít khi chúng phải ngồi “bóc lịch”. Những kẻ phạm tội nhiều lần có thể bị phạt tù tới 6 năm. Nhưng thường chúng có thể ra tù sau 2 năm thụ án, nhờ một đạo luật cho phép những kẻ phạm tội phi bạo lực được hưởng lợi. 

Một nhóm luật sư tại Hiệp hội Luật gia Lima đã bắt tay vào nghiên cứu về lỗ hổng trong hệ thống luật hiện hành để đưa ra các đề xuất sửa luật. Đề xuất này sẽ được đệ trình lên Quốc hội Peru để thay đổi cách thức luật hình sự xử lý những kẻ phạm tội làm tiền giả. 

Interpol phối hợp chặt chẽ với chính quyền các quốc gia Nam Mỹ từ năm 2005. Chiến dịch Jupiter V trong những năm qua của Interpol đã bắt giữ 1.700 vụ  và tịch thu hơn 507 triệu USD giả. Tổng Thư ký Interpol Ronald K. Noble cho biết, Interpol hợp tác chặt chẽ với 188 quốc gia thành viên cũng như các tổ chức đối tác khác trên toàn thế giới để chống loại tội phạm sản xuất tiền giả cũng như các mặt hàng giả khác trên toàn cầu.