Uống thuốc cam, hãy dè chừng!

ANTĐ - Số liệu từ Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số lượng mẫu bệnh phẩm thuốc cam được các cơ sở điều trị gửi để xác định hàm lượng chì đã cho kết quả bất ngờ: hầu hết các mẫu đều bị nhiễm chì. Xét nghiệm từ 15 mẫu bệnh phẩm, thì có tới 14 mẫu có nhiễm chì; 16 mẫu máu bệnh nhân thì có tới 14 mẫu có nhiễm chì. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người dân vẫn tự ý mua loại thuốc đông y này về cho con uống. Kết quả là rất nhiều cháu bị nhiễm độc nặng, thậm chí bị tử vong.


Thuốc Đông y có chì, thủy ngân

Trong dân gian, người Việt vẫn thường sử dụng thuốc cam (các vị thuốc đông y được tán nhỏ), thuốc tễ (các vị thuốc đông tán nhỏ, trộn với hồ vê thành những viên tròn) của các nhà thuốc đông y gia truyền để chữa một số bệnh của trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có không ít các thầy lang băm, lang vườn tự chế thuốc cam, thuốc tễ bán ra thị trường. Và tình trạng ngộ độc do dùng thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc đang ngày càng phổ biến. Theo bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì Trung tâm đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do người nhà tự ý mua các loại thuốc tễ dạng vo viên không nguồn gốc xuất xứ để uống. Đây là lời cảnh báo chưa muộn cho người tiêu dùng bởi lẽ các loại thuốc này lại được bán công khai, trôi nổi tại chợ, lễ hội..

 Nghe theo lời quảng cáo của một thầy lang chuyên trị bệnh nội khoa, đặc biệt là nhi khoa, trong đó có bài thuốc tễ gia truyền “Bổ tỳ vị”, chỉ định trẻ em gầy mòn, suy dinh dưỡng, ăn kém, rối loạn tiêu hóa kéo dài, ra mồ hôi trộm, hay quấy khóc, viêm họng mãn tính kéo dài, chị Nguyễn Thu Hương, quận Thanh Xuân, Hà Nội liền tìm đến. Tại đây chị được quảng cáo thuốc với 100% nguyên liệu đông y, không có tác dụng phụ. Tuy nhiên sau khi cho con uống một thời gian, chị thấy con có hiện tượng béo giả, mặt nặng nhưng da xanh. Chị liền đưa đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện trong bụng cháu chứa rất nhiều thủy ngân không tiêu được. Đây là hậu quả của việc sử dụng thuốc tễ có chứa thủy ngân. Các bác sĩ đã phải sử dụng thuốc để gắp thủy ngân ra khỏi bụng cháu.

Gần đây, trường hợp một em nhỏ bị tử vong do mẹ tự ý mua thuốc bổ dạng viên tròn hay còn gọi là thuốc tễ ở chợ gần nhà tại Nam Định cũng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều bệnh nhân được nhập viện do việc ngộ độc chì, thủy ngân từ sử dụng thuốc tễ không rõ nguồn gốc. Mới đây, một cháu bé 1 tuổi cũng bị nhiễm độc chì do mẹ cháu sử dụng thuốc cam về bôi hăm và trị lở loét. Cháu nhập viện trong tình trạng còi cọc, yếu ớt, da xanh xao, gia đình cho đi khám và được chẩn đoán là thiếu máu. Mặc dù được truyền máu liên tục trước đó nhưng thể trạng bé vẫn rất còi cọc. Trung tâm chống độc cũng đã xét nghiệm mẫu thuốc bé đã dùng, kết quả cho thấy, trong loại thuốc cam đó có hàm lượng chì cao.

Số liệu từ Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, qua xét nghiệm số lượng mẫu bệnh phẩm thuốc cam được các cơ sở điều trị gửi để xác định hàm lượng chì đã cho thấy kết quả bất ngờ. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 11-2011 đến nay đã có 15 mẫu bệnh phẩm được gửi đến từ Bệnh viện Nhi T.Ư; Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai; Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả phân tích cho thấy, có 14 trong số 15 mẫu bệnh phẩm thuốc cam được gửi đến có chứa hàm lượng chì từ 12,5 - 22%. 16 mẫu máu của các bệnh nhân có sử dụng các thuốc cam trên cũng được gửi đến Viện Hóa học để phân tích. Kết quả, có 14 bệnh nhân bị nhiễm độc chì ở các mức độ khác nhau.


Hậu quả khôn lường và những biến chứng tai hại

Ngộ độc chì thường do hấp thu chì qua đường tiêu hóa, ở nước ta rất hay gặp do uống các thuốc nam, đặc biệt là các loại thuốc tễ không rõ nguồn gốc như mẫu đơn, chu sa, thần sa (trong thành phần có kim loại nặng hàm lượng cao)... Biểu hiện của bệnh thường là các dấu hiệu và triệu chứng do tổn thương gây độc tế bào đối với nhiều cơ quan, đặc biệt là về hệ tiêu hóa: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón. Nếu ngộ độc nặng có các biểu hiện của suy gan, suy thận, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít, thậm chí vô niệu, xét nghiệm thấy men gan, bilirubin, ure, creatinin máu tăng dần.

Theo các bác sĩ, điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì mãn có thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục. Trẻ em ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là tình trạng ngộ độc mãn tính vì không chỉ nhiễm chì trong máu, mà chì còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… khiến trẻ chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Với ngộ độc chì ở trẻ em, thường có biểu hiện tổn thương não như viêm não do chì (vô cảm, rối loạn ý thức, có thể có co giật), đôi khi có biểu hiện của tăng áp lực nội sọ...

Theo tìm hiểu của phóng viên, loại thuốc tễ này được bán khá công khai và phổ biến tại các chợ, lễ hội. Tuy nhiên thành phần của nó lại chủ yếu là thuốc tây tán ra sau đó trộn với thuốc đông y rồi đóng gói và bán. Trong đông y, bao giờ cũng có quy định rõ liều lượng của các vị thuốc khi sử dụng. Tuy nhiên, khi pha trộn thuốc đông y và tây y có liều lượng không phù hợp hoặc phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người khác. Cùng với đó, nếu pha chế một cách thiếu hiểu biết sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng liều lượng của vị thuốc nào đó quá cao khiến cơ thể không thể chịu được từ đó gây nên phản ứng như rối loạn động mạch, ảnh hưởng hệ hô hấp…

Sử dụng thuốc không đúng cách - dao hai lưỡi

Ông Nguyễn Văn Nam, 50 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng mất nước, rối loại nhịp tim va suy hô hấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị ngộ độc do tương tác của các loại thuốc Đông dược. Theo các lương y, nguyên nhân gây ngộ độc từ thuốc Đông y rất đa dạng, thường gặp nhất là dùng tình trạng dùng quá liều. Chẳng hạn bài thuốc lưu truyền trị bệnh tim được người dân dùng khá phổ biến là chu sa hấp với tim lợn. Tuy nhiên ít người biết rằng, chu sa chỉ được dùng tối đa 1g/ngày, lại truyệt đối tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao. Những điều không được hướng dẫn này đã dễ dàng biến bài thuốc trị bệnh thành liều thuốc độc.

Hoặc như bài thuốc hạt ba đậu dùng để trị ung thư gan vốn bán rất chạy bởi tin đồn về tác dụng kỳ diệu của nó, các lương y cho biết thứ hạt này có tác dụng chính là nhuận trường nhanh, nhưng dùng nó để xổ chất độc trong gan, quả là chuyện chết người. Hạt ba đậu nằm trong danh sách các loại thuốc độc bảng A của quy chế thuốc độc Đông y.

Cũng theo các lương y, hầu hết các vị thuốc được chế biến sẵn đều cần đến chất bảo quản; có thể là chất chống nấm mốc, giữ độ mềm của thuốc hoặc đơn giản hơn là giữ màu. Tuy nhiên theo lương y Nguyễn Xuân Hoàn với hơn 20 năm làm nghề bắt mạch, chữa bệnh thì có thể người ta đã dùng hóa chất giữ độ ẩm cần thiết của thuốc tễ. Nhờ chất này, nấm mốc, gián, chuột không thể tấn công thuốc. Hiện nay, những hóa chất này đều không có nguồn gốc, tên gọi được bày bán tràn lan tại các chợ với giá “bèo bọt”, số lượng không hạn chế.

Đông Tây y kết hợp

Có một thực tế hiện nay là rất nhiều ông lang thiếu kiến thức ý học, lại thiếu cả trách nhiệm với người bệnh. Các ông lang này thường không cắt thuốc thang với các vị thuốc đông y rõ ràng mà dùng “chiêu” thuốc cam, thuốc tễ để đánh lừa người bệnh. Bởi khi thuốc đã được tán nhỏ thì người bệnh không thể biết đó là thuốc gì. Không những thế, nhiều ông lang còn tán kèm với thuốc đông y là thuốc tây có khả năng khống chế bệnh nhanh khiến người bệnh lầm tưởng là bệnh tình thuyên giảm nhanh chóng. Thuốc tây được sử dụng nhiều là các thuốc giảm đau, thuốc ngủ để trộn với các vị thuốc đông y. Rất có thể các loại thuốc này khi kết hợp với thuốc đông y sẽ gây nên tình trạng ngộ độc cho người sử dụng. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, không ít loại thuốc tễ được quảng cáo chữa sưng đau trong thành phần có chứa tân dược có tác dụng giảm đau. Việc sử dụng loại tân dược này giống như con dao hai lưỡi. Chẳng hạn như giúp giảm đau nhanh chóng đặc biệt là bệnh nhân đau khớp. Nếu sử dụng không đúng liều lượng sẽ gây hư hỏng nội tạng như thận, gan…

Biến chứng từ thuốc tễ cũng dễ gây ra tình trạng giòn xương… Đã có nhiều trường hợp tử vong vì dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Vì vậy, lời khuyên dành cho người tiêu dùng khi sử dụng thuốc cần phải đến cơ sở uy tín, có giấy phép rõ ràng, tránh các điểm bán hàng trôi nổi, các thầy lang “vườn” bán thuốc dạo. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần có sự tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ cần tới trung tâm chống độc để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.