Uống sữa tươi “trên giấy” đến bao giờ?

ANTĐ - Tham vọng của ngành chăn nuôi nước ta là sẽ có đàn bò sữa 500.000 con vào năm 2020 với sản lượng 1 triệu tấn sữa tươi/năm, nhưng hiện tại, sản lượng sữa tươi cả nước mới đáp ứng được 28% nhu cầu tiêu dùng. Ngành chăn nuôi sẽ đột phá như thế nào hay chỉ là những con số thống kê, đề án trên giấy cho đẹp?

Nên tập trung tăng quy mô chăn nuôi hơn là tăng số lượng


60 năm phát triển, đàn bò sữa mới cung cấp 28%

Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi bò sữa thâm niên hơn 60 năm, nhưng đến nay, sản lượng sữa tươi mới chỉ đáp ứng 28% nhu cầu. Lượng còn lại phải nhập khẩu sữa hoàn nguyên. Báo cáo thống kê từ ngành chăn nuôi cả nước cho thấy, năm nào số lượng bò sữa cũng tăng, thậm chí năng suất bò sữa Việt Nam còn cao nhất trong khu vực. Đến năm 2014, Việt Nam đang có khoảng 200.000 con bò sữa, cho sản lượng khoảng 550.000 tấn/năm. Ông Lã Văn Thảo, Trưởng Phòng chăn nuôi gia súc lớn - Cục Chăn nuôi nhận định, mức tăng trưởng này được xem là đột phá trong ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam!

Hiện, lượng sữa tiêu thụ bình quân trên đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 14,8kg/người/năm, trong khi khu vực châu Á là 35kg/người/năm. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam hiện là một trong 20 quốc gia nhập khẩu các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới. Trung bình một năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa, chủ yếu là sữa, kem cô đặc, trong đó 70% là sữa hoàn nguyên. Điều này lý giải nguyên nhân vì sao sữa hoàn nguyên tại Việt Nam đắt hơn sữa tươi sạch.

Nhìn vào tham vọng phát triển ngành chăn nuôi bò sữa đến năm 2020 sẽ có 500.000 con bò sữa, cho sản lượng 1 triệu tấn sữa tươi/năm, người tiêu dùng cả nước có thể yên tâm về một tương lai được uống sữa tươi sạch. Liệu có thể hy vọng về một tham vọng quá tầm mà Cục Chăn nuôi đang vẽ ra trên giấy? Còn hơn 6 năm nữa, vậy sẽ làm cách nào để có 500.000 con bò sữa cho 1 triệu tấn sữa tươi vào năm 2020?

Thống kê số liệu cho đẹp?

Các con số thống kê trên giấy của Cục Chăn nuôi còn quá chênh lệch, không có sự thống nhất. Tại bản báo cáo kết quả phát triển chăn nuôi bò sữa theo QĐ 167/2001/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ và định hướng, phát triển đến năm 2020 của Cục Chăn nuôi được hoàn thiện và báo cáo vào ngày 23-7-2014 cho thấy, số liệu bò sữa theo thống kê của Cục Chăn nuôi tăng giảm thất thường. Thống kê về số lượng bò sữa thì cho rằng, đến tháng 4-2014 có 200.000 con bò sữa, nhưng thống kê về tỷ lệ phân bố thì lại chỉ có hơn 100.000 con!

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi bày tỏ, tỉnh có điều kiện để phát triển chăn nuôi bò sữa nhưng tốc độ phát triển hàng năm rất chậm, thậm chí thụt lùi vì hết Dự án tài trợ. Cụ thể, năm 2011, đàn bò sữa của tỉnh giảm nhẹ do Dự án Cida - Canada và Dự án cải tiến nâng cao chất lượng bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2007-2010 kết thúc, việc hỗ trợ đã hết. Bên cạnh đó, giá sữa tươi thấp đã tạo tâm lý hoang mang, người chăn nuôi giảm đàn. Tỉnh Sóc Trăng hiện chỉ có 4.700 con bò sữa nhưng được nuôi rải rác ở 1.530 hộ. Tuy vậy, ngành nông nghiệp tỉnh này cũng đặt mục tiêu tăng đàn bò lên 17.800 con vào năm 2020.

Trái ngược, Sở NN&PTNT TP. HCM cho biết, định hướng đến năm 2020 của TP này không khuyến khích tăng số lượng, thậm chí còn giảm so với hiện tại. Năm 2013, đàn bò sữa của TP.HCM đạt xấp xỉ 100.000 con, nhưng kế hoạch đến năm 2020 chỉ duy trì 75.000-80.000 con, mà đặt trọng tâm vào việc tăng quy mô chăn nuôi, giảm tỷ lệ nuôi nhỏ lẻ. 

Tốc độ phát triển bò sữa trong hơn 10 năm qua được đánh giá là đột biến, nhưng hiệu quả không cao. Nếu như ngành chăn nuôi không thực sự nhìn nhận lại thực trạng, cũng như có giải pháp căn cơ, sát thực tế, nếu chỉ thống kê cho đẹp thì tham vọng lớn có đạt được vào năm 2020?