Uống rượu bia khi tham gia giao thông: Từ 2020, "chỉ dành" cho... người đi bộ!

ANTD.VN - Bước sang tháng 01/2020, có hàng loạt văn bản pháp luật mới có hiệu lực, tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ 01/01/2020 được xã hội quan tâm và sẽ có tác động mạnh đến đông đảo người dân. Theo Luật này, thì chỉ người đi bộ được uống rượu bia.

Thực tế, các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc uống rượu bia dường như đang có xu hướng gia tăng thời gian gần đây, trong đó có nhiều vụ thảm khốc với nhiều người thiệt mạng, bị thương, dị tật suốt đời. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, những năm gần đây khoảng 40% tổng số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia.

Theo VTV, ngày 11/4, tài xế đã đâm thẳng chiếc xe Lexus vào đám tang khiến 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương nặng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Lái xe được xác định vừa uống rượu, nồng độ cồn vượt quy định 0,315 mg/lít khí thở.

Chiếc xe Lexus gây tai nạn tại Bình Định

Ðêm 22/4, lái xe Hyundai đã gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng, Hà Nội, làm một nữ công nhân môi trường thiệt mạng tại chỗ. Lái xe có nồng độ cồn hơn 1 mg/lít khí thở.

Đêm 1/5, tại hầm Kim Liên, Hà Nội, một xe ô tô va chạm với một xe máy, 2 phụ nữ thiệt mạng tại chỗ. Nồng độ cồn của lái xe là hơn 0,7 mg/lít khí thở.

Mới đây, ngày 30/9, 3 nạn nhân được phát hiện đã tử vong trên chiếc ô tô Mercedes dưới một con kênh tại tỉnh Tiền Giang. Rất có thể chiếc xe đã bị mất lái và lao xuống kênh. Tài xế mới lấy bằng và có uống rượu bia khi cầm lái.

Do vậy, trong phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống tác hại rượu, bia không chỉ hướng tới người sử dụng mà còn tác động đến các dịch vụ cung cấp rượu, bia.

Sau đây là những nội dung đáng chú ý cần lưu tâm của Luật phòng chống tác hại rượu, bia:

Không có trường hợp ngoại lệ

Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) mới được ban hành, kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ôtô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người.

Trong đó, một loạt các hành vi bị nghiêm cấm như: Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Cấm bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi… Và đặc biệt, cấm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ…

Ngoài ra, Luật này còn quy định rõ các khái niệm “Rượu”, “Bia”. Theo đó, “độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được đo bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100ml dung dịch tại 20oC”.

Mọi phương tiện khi tham gia giao thông đều không được uống rượu bia

Không chỉ cấm điều khiển ôtô khi có nồng độ cồn theo quy định cũ, kể từ 2020 mọi hành vi điều khiển phương tiện phương tiện giao thông, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ: xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo cũng sẽ bị nghiêm cấm.

Như vậy, theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia từ 01/01/2020, chỉ người đi bộ mới được uống rượu bia trước khi ra đường. Người đi bộ không được áp dụng trong Luật, tuy nhiên bản thân người đi bộ cũng cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Bởi, khi có nồng độ cồn trong người cũng khó kiểm soát được hành vi, khả năng gây mất an toàn giao thông vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, làm chủ bản thân khi ra đường và dưới bất kỳ phương tiện nào thì đã uống rượu bia – không tham gia giao thông.

Luật quy định đối với kinh doanh rượu bia

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định không được quảng rượu bia trong khung giờ từ 18h - 21h hàng ngày trên các loại hình báo chí như báo hình, báo nói. Không được quảng cáo rượu bia trên phương tiện giao thông.

Cơ sở bán rượu bia phải niêm yết không bán hàng cho người dưới 18 tuổi. Không mở điểm bán rượu bia cố định trong vòng bán kính 100m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, mẫu giáo...

Quy định mới về kinh doanh rượu bia

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Tuy nhiên, để quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông thì cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Bởi hiện các văn bản hướng dẫn dưới luật về hành vi này vẫn chưa có. Dự báo trong thời gian ngắn tới đây, các hành vi vi phạm này sẽ sớm được cập nhật để có chế tài xử phạt để đồng bộ các văn bản phạm quy trong cuộc sống.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng cũng cần có các quy định cụ thể hơn nữa về mức nồng độ cồn tuyệt đối 0%, bởi trong thực tế, với một số thuốc chữa bệnh, thực phẩm…, nếu người tiêu dùng vừa sử dụng cũng có thể đưa ra các kết quả thử nghiệm vượt quá 0% (dùng máy đo nồng độ khí thở).

Tuy nhiên, bên cạnh các quy định của luật pháp, nhận thức của người dân về tác hại rượu, bia cũng là điều quan trọng trong việc phòng, chống tác hại rượu, bia.