Uống quá nhiều nước dẫn đến tích tụ chất lỏng dư thừa, gây sưng não

ANTD.VN - Mùa hè nóng bức làm tăng cơn khát khiến mọi người uống rất nhiều nước. Uống nước ngăn ngừa tình trạng mất nước nhưng việc uống quá nhiều nước lại có thể gây hại cho cơ thể. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng uống quá nhiều nước có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng dư thừa và có thể gây ra mức natri thấp nguy hiểm trong máu hoặc thậm chí là sưng não. 

Nhiễm độc nước là nồng độ natri trong máu thấp (hạ natri máu) xảy ra khi uống quá nhiều nước. Tình trạng hạ natri máu cũng có thể xảy ra do rối loạn chức năng thận bất thường và viêm dạ dày - ruột. 

Natri rất cần thiết cho cơ thể, vì nó giúp thực hiện tín hiệu tế bào và các chức năng khác trong cơ thể. Vì vậy, khi nồng độ natri giảm xuống, bạn có thể cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi hoặc thậm chí có thể bị nhức đầu. Nhiễm độc nước cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 9 tháng tuổi và ở trẻ em. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh bao gồm khóc, thở bất thường, thay đổi hành vi, tổn thương não, nôn mửa và run rẩy. 

Sưng các tế bào

Các ion natri và kali tự do hoạt động như chất điện giải giúp cân bằng chất lỏng giữa tế bào và máu. Khi lượng nước tăng quá mức khiến nồng độ chất điện giải giảm, nước di chuyển từ máu vào trong tế bào. Điều này làm cho tế bào sưng lên thậm chí có thể dẫn đến sưng não rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Hạ kali máu

Khi bị thừa nước, cơ thể sẽ phải giải phóng nước thông qua mồ hôi và nước tiểu, từ đó làm giảm mức kali trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài có thể gây hạ kali với triệu chứng như nôn mửa, huyết áp thấp, tê liệt, buồn nôn và tiêu chảy.

Chuột rút

Tiêu thụ quá nhiều nước sẽ làm giảm lượng chất điện giải của cơ thể. Sự mất cân bằng chất lỏng cũng ảnh hưởng đến chức năng cơ bắp dẫn đến co thắt cơ và chuột rút.

Ảnh hưởng tim

Uống quá nhiều nước có thể gây căng thẳng quá mức lên tim do lượng máu về tim tăng lên và cũng có thể dẫn tới động kinh trong một số trường hợp.

Hại thận

Thận là cơ quan có chức năng lọc nước, do đó, nếu bạn uống nước quá mức sẽ khiến thận phải tăng giờ hoạt động lên. Tình trạng này kéo dài chức năng suy giảm nên có thể gây ra các bệnh về thận như sỏi thận, yếu thận, suy thận...

Dấu hiệu cơ thể thừa nước

Nhức đầu. Khi bạn uống quá nhiều nước, các tế bào có thể bị sưng lên, trong đó có tế bào não. Khi tế bào não tăng kích thước sẽ bị chèn ép trong hộp sọ gây ra cơn nhức đầu thường xuyên.

Mệt mỏi. Uống thừa nước sẽ khiến thận quá tải, từ đó gây rối loạn hormone nên dễ khiến cơ thể căng thẳng, mệt mỏi.

Đi tiểu quá nhiều. Khi cơ thể thừa nước thì cơ thể cần phải giải phóng nước ra ngoài nên số lần đi tiểu sẽ tăng hơn rất nhiều. 

Nước tiểu quá trong. Nước tiểu trong vắt như nước lọc là dấu hiệu bạn đang tiêu thụ nước quá mức. Chỉ khi nước tiểu có màu vàng nhạt và trong thì lượng nước bạn uống vào vừa đủ cho cơ thể.

Lượng nước tối đa để uống trong một ngày là bao nhiêu? Lượng nước hàng ngày thay đổi và tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, tình trạng sức khỏe và hoạt động hàng ngày, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ nên uống 2,7 lít nước và nam giới 3,7 lít nước mỗi ngày.