Ước lệ phố phường

ANTD.VN - Tôi thường nghe bạn bè mình nói với con: Ngày xưa bố mẹ tự lập lắm, đạp xe cả chục cây số đến trường chứ không phải mỗi bước mỗi đưa đón như chúng mày bây giờ. Bật cười, nói tự lập cái gì thì đúng, chứ nói tự lập là tự đi học, thì bây giờ có cho kẹo các ông bố bà mẹ cũng không dám thả con ra. Ít nhất là cho đến hết lớp 9.

Ước lệ phố phường ảnh 1Nhớ lại những ngày xưa, lại thấy thương bọn trẻ bây giờ

30 năm trước, người ta chưa nặng chuyện “trường chuyên lớp chọn” như bây giờ. Bọn trẻ ở Hà Nội phần lớn học đúng tuyến, đơn giản vì trường sẽ gần nhà. Ngay từ lớp 1, chúng tôi đã tự đi học. Cứ dăm ba đứa học sinh cùng phố, sáng sáng í ới gọi nhau vác cặp đến trường (phải dùng từ “vác cặp”, vì hầu hết đó là những túi giả da đựng tài liệu mà bố mẹ kiếm được theo tiêu chuẩn cơ quan, to kềnh càng và không có quai đeo).

Lũn cũn men theo hè phố, chúng tôi chỉ mất chừng 10 phút để đến trường, với cùng lắm là 2 lần sang đường. Mà đường phố lúc ấy cũng vắng teo, thảng hoặc lắm mới có chiếc xe máy, từ xa tít đã bấm còi pim pim cho… oai. Chẳng mấy nguy cơ gì thực sự gọi là rủi ro cho bọn nhóc thò lò mũi, có chăng thỉnh thoảng bước thụt xuống cống vì mải đọc truyện, hay là bị mấy “anh chị” lớp trên chặn đường búng chim, trấn lột mấy cái nhãn vở. 

Nói chuyện trấn lột và “anh chị”, mấy năm trước có cây bút Bình Ca ra cuốn “Quân khu Nam Đồng”. Tiểu thuyết đầu tay mà bán chạy như tôm tươi, cho đến giờ đã tái bản đến lần thứ mười mấy. Vì truyện viết về thời của những “hảo hán thiếu niên”, những trận thư hùng đầy bạo lực của những nhóm thanh thiếu niên cát cứ theo các khu tập thể.

Đấy là một thời của Hà Nội, khi mà tương tác giữa bọn trẻ vẫn còn rất hoang dã, nhưng cũng rất thật, rất gắn bó. Thời đó, không chỉ quân khu Nam Đồng, mà mỗi con phố đều là lãnh địa riêng. Lý Nam Đế là của con em quân đội. Cầu Gỗ, Hàng Ngang - Hàng Đào, Hàng Bè, Hàng Thùng… là của dân buôn bán. Đồng Xuân có con em tiểu thương trong chợ, được “bảo kê” bởi chính đội anh chị khuân vác.

Tạ Hiện, Đào Duy Từ, kéo tới Hàng Buồm là khu vực của con em buôn lậu, cho vay lãi và Hoa kiều. Trẻ con ở các phố chơi với nhau rất rộng, cũng có biệt danh đàng hoàng, nhưng kiểu phổ biến nhất là gọi theo tên bố mẹ. Vinh “Quy” vì mẹ tên là Quy, Tiến “Lợi” vì bố tên là Lợi, kiểu thế. Chơi chán, kiểu gì cũng đánh nhau. Hiếm có đứa nào cuối ngày về nhà mà mắt không tím bầm hay áo không đứt vài cái cúc. Nhưng chỉ thế thôi, đấm nhau, rồi làm hòa, và hôm sau đi học lại ngồi cùng bàn vui vẻ chí chóe như chưa bao giờ có chuyện gì.

Nhớ một chút về thời xưa ấy, rồi nhìn lại môi trường sống của trẻ con bây giờ. Hôm trước tôi và anh bạn cho 2 đứa nhóc sàn sàn 7-8 tuổi đi chơi ở một khu đô thị mới, rất lớn và nổi tiếng giàu có ở phía Tây Hà Nội. Đó là những tòa chung cư cao cấp lớn quây mặt vào nhau, bên dưới có  khu vực sân vườn rất rộng rãi, trẻ con thoải mái chạy nhảy nô đùa. Ấy thế nhưng, khi 2 đứa trẻ chạy chơi với nhau, thì chúng tôi vẫn không thể tránh được phản xạ lo âu dõi theo, dẫu biết là chẳng có xe cộ hay những nguy cơ xấu.

Cứ như thế, ngồi canh từng hành động của con trẻ, chỉ cần bẵng đi vài giây, không thấy bóng chúng đâu là lại nhấp nhổm kiếm tìm. Phản xạ ấy đã ăn vào máu thị dân Hà Nội, từng chút từng chút một, tỉ lệ thuận với lượng phương tiện dày đặc tham gia giao thông trên đường, tỉ lệ thuận với những vụ bạo hành trẻ em  xuất hiện trên mặt báo.

Cũng như tôi nhớ lại lần đầu tiên cho con đi chơi hồ Gươm vào ngày cuối tuần, khi khu vực này mới quy hoạch tuyến đi bộ - cấm xe. Con đường Đinh Tiên Hoàng bình thường tấp nập, lúc ấy thênh thang rộng rãi, người đi bộ thảnh thơi ngay dưới lòng đường nhựa, dưới những bóng cây xà cừ mát rợp. Tôi khẽ đẩy vai con, bảo nó chạy đi, cho rảo chân rảo cẳng. Thằng bé chạy, nhưng đúng đến đoạn mép đường thì khựng lại, nhìn sang hai bên rồi mới bước xuống lòng đường. Nó nhìn xe - thứ phản xạ sinh tồn mà bất cứ đứa trẻ nào ở Hà Nội thời nay cũng buộc lòng phải có.

Tất nhiên, xã hội vận động tiến lên, ngoài những chật hẹp không gian, thì lại mở ra rất nhiều cơ hội và giá trị khác về chất lượng sống. Nhưng nhìn những đứa trẻ rụt rè mà chúng ta đang nuôi dạy, có ai không cảm thấy chút xót xa? Những đứa trẻ mà, ngay cả bài hát ngợi ca vẻ đẹp của con đường đến trường, với chúng cũng chỉ mang tính ước lệ.

Phạm Gia Hiền