NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp:

Ước ao diễn viên xiếc được khán giả yêu mến như ca sĩ, diễn viên

ANTD.VN - Gần đây, khi hai anh em NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp lập kỷ lục Guinness khi chồng đầu chạy trên hơn 90 bậc cầu thang ở nhà thờ Tây Ban Nha trong vòng 52 giây đã khiến nhiều người chú ý đến xiếc hơn. Hai anh em cũng đang gây ấn tượng với khán giả thế giới khi thi Britain's Got Talent 2018. Thế nhưng, so với mong mỏi của hai nghệ sĩ xiếc hàng đầu này thì điều đó còn chưa đủ. ANTĐ Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Quốc Cơ và NSƯT Quốc Nghiệp về công việc của hai nghệ sĩ.

NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp khẳng định xiếc xứng đáng đứng ngang hàng với các bộ môn nghệ thuật khác

Từ bao lâu nay, những tiết mục biểu diễn xiếc vẫn bị coi thường vì thiên về kỹ thuật nhiều hơn là nghệ thuật, lấy sự mạo hiểm, các trò khéo để mua vui chứ chưa phải là sự sáng tạo mang tính khác biệt. Thậm chí, xiếc từng bị rẻ rúng, đơn giản bởi vì nó chưa… xứng tầm nghệ thuật. Thật hiếm có diễn viên xiếc nào nổi đình nổi đám giống  “ngôi sao” trong làng nghệ thuật, giải trí.

Nghệ sĩ xiếc có cát-sê quá thấp

- PV: Hai anh đã đi biểu diễn ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Anh có nhận xét gì về sự khác nhau giữa nghệ thuật xiếc ở Việt Nam và các nước bạn?

- NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp: Có thể nói, nghệ thuật xiếc trong nước khác khá nhiều so với các quốc gia khác. Ở nước bạn, khán giả xem xiếc nhiều hơn xem ca nhạc. Lấy ví dụ, nước Đức có khoảng 100 đoàn xiếc thường xuyên biểu diễn, số ghế trong rạp diễn luôn chật cứng. Thậm chí, họ đã bán hết vé trước cả năm. Người dân nước họ coi xiếc là món ăn tinh thần không thể thiếu nên thường xuyên đi xem. 

Khác với ở Việt Nam, diễn viên xiếc hầu như chẳng được nhớ mặt, biết tên thì ở nước bạn, diễn viên xiếc rất được yêu mến. Khán giả ở các quốc gia này hiểu biết tinh tường về nghệ thuật xiếc, vì thế khi xem, họ cảm nhận, đánh giá rất chính xác về tài năng và cảm xúc của diễn viên. Họ cảm nhận được sự khác biệt của diễn viên này với diễn viên khác, nghệ sĩ quốc gia này với quốc gia khác.

- Vậy đời sống của hai anh khi biểu diễn ở nước ngoài thế nào? Có khác gì so với trong nước?

- Đồng nghiệp cũng như người xem quốc tế luôn lo lắng cho chúng tôi về sức khỏe, chế độ tập luyện, bảo hiểm. Cả hai chỉ việc tập trung vào diễn một tuần 6 ngày, mỗi ngày 2-3 suất. Một ngày nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe thật ra không đủ nhưng rồi hai anh em cũng quen. Chúng tôi ở khách sạn có hồ bơi, có phòng tập riêng, và cả hai đôi khi bất ngờ vì khán giả hâm mộ tìm đến hỏi thăm.  Nếu như cát-sê ở nước ngoài đủ để cho nghệ sĩ xiếc có cuộc sống khá giả thì ở Việt Nam, đó là điều trăn trở từ bao lâu nay, thậm chí nhiều người có thể bất ngờ bởi cái giá quá bèo bọt cho những tiết mục nguy hiểm. 

“Chúng tôi ước ao, diễn viên xiếc cũng được khán giả yêu mến như ca sĩ, diễn viên sân khấu hay minh tinh màn bạc. Tôi cũng muốn nghệ sĩ xiếc sẽ tạo dựng được thương hiệu riêng để mỗi khi tên mình xuất hiện trên tấm pano quảng cáo thì khán giả lập tức bỏ tiền mua vé vào xem”.

NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp

- Anh có thể tiết lộ con số cụ thể của sự chênh lệch đó? Điều này có làm anh cảm thấy tủi thân?

- Tôi và Quốc Nghiệp đều thuộc biên chế Đoàn Xiếc TP.HCM, nay là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Nếu tiết lộ con số thật về mức lương hiện nay của chúng tôi thì hẳn nhiều người không tin vì nó quá thấp. Nhưng điều làm tôi tủi thân không phải thu nhập mà là quan niệm của khán giả về xiếc. Có thể nói, nhận thức của người Việt về xiếc chưa cao. Họ luôn nghĩ xiếc là trò rất trẻ con, dành cho trẻ con và xếp nó thấp hơn các bộ môn nghệ thuật khác. Nhiều người còn không biết xiếc là gì, vì cả đời chưa bao giờ đi xem.

Nếu được đầu tư, trình độ xiếc Việt sẽ bằng thế giới

- Theo anh, quan niệm này là do đâu? Có phải do trình độ xiếc Việt chưa cao?

- Tôi có thể khẳng định, về tố chất và kỹ thuật cá nhân, diễn viên xiếc Việt Nam không thua kém gì đồng nghiệp quốc tế. Tôi nghĩ, có thể do bộ môn này được đầu tư chưa tới. Ví dụ, Rạp xiếc TP.HCM từ bao lâu nay vẫn là rạp bạt, ghế ngồi đơn sơ, lại nhiều muỗi. Với rạp diễn chất lượng thấp như thế, diễn viên khó xây dựng tiết mục hay mà khán giả chỉ nhìn thôi cũng đã không muốn bước chân vào thưởng thức.

Nghe nói, đã có kế hoạch xây rạp mới tiêu chuẩn từ 10 năm trước song bây giờ vẫn chưa thấy gì. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có thầy dạy chuyên sâu cho những kỹ thuật đặc biệt và thiếu những giáo trình chất lượng cao. Nếu được đầu tư đúng mức, trình độ xiếc Việt sẽ ngang bằng với thế giới.

- Theo nhận định của anh, có sự khác biệt nào đó mang tính bản sắc giữa xiếc thời đại này và thời kỳ trước đó. Có những tiết mục nào mà chỉ quốc gia này làm được mà đất nước khác không thể?

- Thời đại trước, diễn viên chỉ quan tâm đến kỹ thuật. Họ bước ra sân khấu, phô diễn tiết mục là hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ thì không đơn giản thế, ngoài kỹ thuật điêu luyện còn là vũ đạo, chuyển cảnh, âm thanh, ánh sáng kết hợp hài hòa tạo nên phong cách riêng của từng nghệ sĩ biểu diễn. Tất nhiên, khả năng con người cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, trình độ máy móc, kỹ thuật.  Những dân tộc có thân hình to lớn, sức vóc hơn người thì giỏi về bê đỡ, người châu Á chúng ta mềm mại, dẻo dai lại có lợi thế về sự uyển chuyển. Hay như tiết mục đu bay của Triều Tiên thì không ai làm theo được vì họ có bí quyết riêng về kỹ thuật.

- Nhiều người vẫn nghĩ, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp là nghệ sĩ tự do. Với danh nghĩa là diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, và tần suất biểu diễn ở nước ngoài dày đặc như thế, hẳn số tiền nộp về còn cao hơn lương lĩnh hàng tháng? Lý do gì khiến hai anh không bỏ ra ngoài làm solo?

- Hai anh em tôi sinh hoạt trong Đoàn Xiếc TP.HCM từ nhỏ. Chúng tôi đã diễn nhiều tiết mục nhào lộn, trước khi bắt tay vào tập luyện “Sức mạnh đôi tay” dưới sự hướng dẫn của một người thầy. Để được như ngày hôm nay, chúng tôi đã phải tự mò mẫm nhiều kỹ thuật. Theo quy định, diễn viên đi biểu diễn nước ngoài phải trích nộp phần trăm thu nhập về cho đơn vị quản lý.

Và tất nhiên, phần nộp về của chúng tôi nhiều hơn lương đơn vị trả. Nếu chúng tôi bỏ ra làm tự do, thu nhập có thể cao hơn. Nhưng như tôi đã nói, diễn viên xiếc biểu diễn không hẳn vì tiền. Hơn nữa, Đoàn Xiếc TP.HCM (nay là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) là nơi chúng tôi đã trưởng thành và muốn gắn bó lâu dài.

- Nghe nói, có lần Quốc Nghiệp bị thương nặng, đang trong thời gian điều trị mà vẫn phớt lờ lời khuyên của bác sĩ để tham gia biểu diễn một số chương trình. Qua sự “liều mình” này, anh muốn gửi thông điệp gì đến khán giả?

- Thực ra, bây giờ hai anh em cũng rất kén, chỉ những chương trình thật sự đáng giá mới tham gia. Với những đêm diễn mà chúng tôi có dịp đứng chung với các nghệ sĩ hàng đầu thì Cơ - Nghiệp đều không muốn bỏ lỡ. Đơn giản vì cả hai muốn khẳng định rằng xiếc xứng đáng đứng ngang hàng với các bộ môn nghệ thuật khác như ca nhạc, kịch hay phim ảnh.

Chúng tôi ước ao, diễn viên xiếc cũng được khán giả yêu mến như ca sĩ, diễn viên sân khấu hay minh tinh màn bạc. Tôi cũng muốn nghệ sĩ xiếc sẽ tạo dựng được thương hiệu riêng để mỗi khi tên mình xuất hiện trên tấm pano quảng cáo thì khán giả lập tức bỏ tiền mua vé vào xem.