Ứng xử thế nào với di sản văn hóa?

(ANTĐ) - Trong phiên họp chiều 17-4, UBTVQH đã thảo luận về việc “ứng  xử” với các di sản văn hóa. Việc làm “trẻ hóa” di tích, làm giảm đi giá trị văn hóa, nghệ thuật sau khi tiến hành công tác tu bổ, tôn tạo; Sự buông lỏng quản lý và sự thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương, nhân dân... đang tàn phá nhiều di sản văn hóa.

Phiên họp thứ 19 UBTVQH:

Ứng xử thế nào với di sản văn hóa?

(ANTĐ) - Trong phiên họp chiều 17-4, UBTVQH đã thảo luận về việc “ứng  xử” với các di sản văn hóa. Việc làm “trẻ hóa” di tích, làm giảm đi giá trị văn hóa, nghệ thuật sau khi tiến hành công tác tu bổ, tôn tạo; Sự buông lỏng quản lý và sự thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương, nhân dân... đang tàn phá nhiều di sản văn hóa.

Bảo tồn di sản - vẫn là bài toán khó

Sau 7 năm triển khai, Luật Di sản văn hóa đã bước đầu tạo nhiều chuyển biến cơ bản nhận thức của cộng đồng trong vấn đề phát huy và bảo tồn di sản. Những phát hiện về hành vi ứng xử thiếu văn hóa với di tích ở nhiều nơi đã được phát hiện và xử lý ngày một nhiều hơn chứng tỏ người dân hiểu và đã dần biết cách để bảo vệ di sản. Song đây cũng là thời điểm bộc lộ khá nhiều bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa trong cuộc sống.

Một trong những vấn đề đang được coi là điểm nóng hiện nay chính là việc làm “trẻ hóa” di tích, làm giảm đi giá trị văn hóa, nghệ thuật sau khi tiến hành công tác tu bổ, tôn tạo. Còn nhiều di tích bị tu sửa sai quy cách do buông lỏng quản lý và do sự thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương, nhân dân, các vị trụ trì đền chùa và cả đơn vị thi công.

Nhiều nơi muốn thay mới toàn bộ cho bền chắc nên phản đối việc áp dụng các biện pháp nối vá, gắn chắp..., có nơi khác muốn di tích được “xứng tầm” hoặc vì chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến làm mới di tích, kết quả là di tích gốc bị biến dạng, nhất là đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật.

Theo các nhà chuyên môn, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này cũng xuất phát từ chính sự thiếu hành lang pháp lý đồng bộ trong việc tu bổ và tôn tạo di tích.

Trong khi di tích là một công trình đặc biệt, có nhiều nét đặc thù, không chỉ yêu cầu khảo sát kỹ lưỡng, mà ngay bước tháo dỡ, thi công công trình phải liên tục thay đổi phương án mềm dẻo phù hợp với hiện trạng... thì từ trước đến nay, các công trình này về thủ tục lại phải làm theo quy định trong Luật Xây dựng.

Cần có một hành lang pháp lý đồng bộ cho di sản văn hóa
Cần có một hành lang pháp lý đồng bộ cho di sản văn hóa

Điều đó đồng nghĩa với việc các công trình tu bổ, tôn tạo di tích cũng sẽ được đưa ra đấu thầu như bất cứ một công trình xây dựng nào. Một nguyên nhân khác là do đội ngũ cán bộ quản lý về tu bổ di tích, đội ngũ cán bộ tư vấn - thiết kế - giám sát, đội ngũ cán bộ kỹ thuật - công nhân lành nghề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này hiện nay còn mỏng, năng lực không đồng đều nên đã dẫn đến chất lượng quản lý và tu bổ di tích không đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trên thực tế, nhiều địa phương còn quan niệm sai lầm cho rằng công tác tu bổ, tôn tạo di tích chỉ như các hoạt động xây dựng cơ bản đơn thuần, từ đó dẫn đến việc phân cấp cho cấp huyện, thậm chí là cấp xã làm chủ đầu tư một số công trình tu bổ di tích, trong khi lực lượng cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này rất ít kinh nghiệm, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Các ý kiến đều thống nhất rằng, cần có một hành lang pháp lý đồng bộ, hoàn thiện về phân cấp quản lý di sản văn hóa thật cụ thể, rõ ràng và sát với yêu cầu cũng như khả năng thực tế của các cấp, các ngành. Đồng thời, phải xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành để tăng cường vai trò cũng như tính chủ động của các cấp, các ngành trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Gây thiệt hại cho dân phải bồi thường

Trong phiên họp buổi sáng, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH về dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước. Đa số ý kiến đều cho rằng, cần có một cơ quan quản lý Nhà nước nắm giữ trách nhiệm này, đó là Bộ Tư pháp.

Mọi sự gây thiệt hại cho dân đều phải bồi thường. Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên. Tán thành theo phương án nên có cơ quan là Bộ Tư pháp để giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bồi thường, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhận xét: “Trên thực tế, có chuyện đùn đẩy lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề bồi thường khi làm sai. Quy định càng cụ thể trong luật bao nhiêu thì càng tốt”. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng ý với phương án cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường là Bộ Tư pháp.

Theo Thường trực ủy ban Pháp luật, qua thảo luận, có ý kiến cho rằng, không thể giới hạn các trường hợp được bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính vì không phù hợp với Hiến pháp, không thống nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Không thể lý giải được chuyện: cùng là thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho người dân nhưng có lĩnh vực được bồi thường, có lĩnh vực không được bồi thường.

Thường trực ủy ban Pháp luật cho rằng, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay còn khó khăn; trình độ, năng lực cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, nhưng không vì thế mà hạn chế quyền của công dân được yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại. Vấn đề quan trọng là chính sách bồi thường của Nhà nước và mức bồi thường như thế nào là phù hợp.

Minh Hoàng