Ung thư tuyến tụy liên quan đến 2 loại vi khuẩn trong miệng

ANTĐ - Theo một nghiên cứu mới của Hiệp hội ung thư Mỹ có mối liên quan giữa bệnh nha chu và bệnh ung thư tuyến tụy. Điều này mở đường cho việc phát hiện sớm bệnh ung thư tuyến tụy. Các nhà khoa học ước tính, trong năm 2016, có 53.070 trường hợp ung thư tuyến tụy sẽ được chẩn đoán và chỉ có 7,7% có khả năng sống sót thêm 5 năm.

Qua theo dõi mẫu nước bọt của 361 người mắc bệnh ung thư tuyến tụy và  371 người khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu Đại học New York tìm thấy người có 2 loại vi khuẩn trong miệng gây bệnh nha chu có một tỷ lệ cao hơn mắc bệnh ung thư tuyến tụy so với những người không có bệnh về nướu. Hai loại vi khuẩn gây bệnh nha chu là Porphyromonas gingivalis và Aggregatibacter actinomycetemcomitans.

Những người mắc gingivalis Porphyromonas trong khoang miệng tăng 59% nguy cơ bệnh ung thư tuyến tụy và mắc actinomycetemcomitans Aggregatibacter là 50%. Theo các chuyên gia y tế, bệnh nha chu là tình trạng viêm của các mô xung quanh răng thường gây co rút nướu và lung lay răng, là do sự thay đổi hệ sinh thái vi khuẩn trong miệng. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, nồng độ cao các kháng thể Pgingivalis trong máu tăng gấp 2 lần nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy. 

Tuyến tụy nằm sâu trong ổ bụng giữa dạ dày và cột sống, và một phần nhỏ nằm ở đường cong của ruột non. Nó hoạt động như một tuyến nội tiết có vai trò trong việc chuyển đổi các thực phẩm chúng ta ăn thành nhiên liệu cho các tế bào của cơ thể. Nó có chức năng tiết enzyme vào ruột giúp tiêu hóa thức ăn và  chức năng nội tiết giải phóng hormone insulin vào máu, điều khiển lượng đường trong máu. 

Các khối u của tuyến tụy hiếm khi sờ thấy, đó là lý do tại sao hầu hết các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy không xuất hiện cho đến khi khối u đã phát triển lớn và can thiệp vào chức năng của tuyến tụy, hoặc đã lan đến các cơ quan như dạ dày, gan, hoặc túi mật.

Các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy bao gồm: đau bụng trên lan ra sau lưng; vàng da hoặc vàng mắt; giảm sự thèm ăn và giảm cân không rõ nguyên nhân; mệt mỏi; khó khăn về tiêu hóa; buồn nôn.

Yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy bao gồm: hút thuốc lá; tuổi tác: trên 80% bệnh ung thư tuyến tụy phát triển trong độ tuổi từ 60 đến 80; giới tính - phổ biến hơn ở nam giới; các bệnh: viêm tụy mãn tính, bệnh tiểu đường, béo phì; chế độ ăn nhiều thịt, giàu cholesterol, các loại thực phẩm chiên rán…