Ung thư ở Việt Nam: Những con số phải "giật mình"

ANTD.VN - Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. Mỗi năm Việt Nam có hơn 126.00 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Và một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến số bệnh nhân mắc và chết vì ung thư là do người bệnh đến khám và điều trị muộn.

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2018 số ca mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 165.000 ca. Ung thư đang là một trong những thách thức sức khoẻ cộng đồng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất. Tuy nhiên, do môi trường sống, thói quen sinh hoạt…khiến cho tỷ lệ mắc ung thư ở ngày càng cao và đáng báo động.

Nguyên nhân khiến ung thư ngày càng tăng

Ung thư xảy ra ở mọi lứa tuổi, 80% trường hợp mắc ung thư từ 45 tuổi trở lên. Mọi bộ phận trên cơ thể đều có thể bị ung thư và ở người có khoảng 100 loại ung thư khác nhau. Các yếu tố môi trường là tác nhân lớn gây ra bệnh ung thư như hút thuốc lá, chế độ ăn, bệnh nhiễm trùng, hóa chất, phóng xạ… Với những người thừa cân béo phì tăng nguy cơ ung thư vú, đại tràng, nội mạc tử cung, thực quản, thận, túi mật.

Theo thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, vấn đề ô nhiễm các chất độc hại trong quá trình nuôi, trồng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc để bảo quản hoa quả, rau quả được lâu, thuốc tạo nạc, các chất hóa học cho thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, từ rau quả, thực phẩm, thịt đến sữa, đồ dùng, đồ chơi...

Ung thư ở Việt Nam: Những con số phải "giật mình" ảnh 1 

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi

Cùng với ô nhiễm môi trường, thuốc lá cũng là một trong những nguy cơ gây ung thư. Trong khói thuốc chứa hàng nghìn loại hóa chất, trong đó có gần 70 chất gây ung thư, đáng kể nhất là ung thư phổi và ung thư vòm họng… Trong khi đó, một nửa số nam giới ở nước ta nghiện thuốc lá, thuốc lào, chưa kể 1,4% nữ giới cũng hút thuốc và gần 40.000 người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc.

Thuốc lá là nguyên nhân của 30% các loại ung thư ở người như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, tụy...Rượu, bia gây nhiều loại ung thư như ung thư miệng, họng, thanh quản, vú... Tỷ lệ mắc ung thư gan ở nam giới cao thứ ba sau ung thư phổi và dạ dày, nguyên nhân chính là do xơ gan vì sử dụng rượu bia quá mức.

Những con số khiến nhiều người “giật mình”

Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều bệnh nhân ung thư như hiện nay. Đó là nhận xét của giới chuyên môn thông qua nhiều cuộc điều tra, khảo sát thực tiễn và cũng là lo lắng của hầu hết người dân hiện nay.

PGS.BS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết: Ung thư đang là vấn đề lớn của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư cao gấp 9 lần số người chết do tai nạn giao thông. Tỷ lệ tử vong cao là do đa phần người bệnh đi khám, phát hiện, điều trị muộn - ước tính có số này khoảng trên 70%.

Ung thư ở Việt Nam: Những con số phải "giật mình" ảnh 2 

Những bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam

Còn theo công bố của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia khiến nhiều người băn khoăn, đó là tỷ lệ nam giới tử vong do ung thư ở Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. PGS Trần Văn Thuấn- viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia cho biết, tỷ lệ nam giới tử vong do ung thư ở Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu thế giới, với hơn 142 trường hợp tử vong trong số 100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở nữ giới Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 mức xếp hạng trên toàn cầu.

Những năm gần đây trường hợp một gia đình có đến 3-4 người chết vì ung thư không còn là chuyện hiếm. Nhiều thôn, xóm có tỷ lệ mắc và tử vong cao gấp nhiều lần so với mức trung bình cả nước. Ước tính, cả nước có ít khoảng 37 làng có nguồn nước sinh hoạt và ăn uống bị ô nhiễm nặng. Trong vòng từ 5 năm đến 20 năm trở lại đây tại các xã của 37 “làng ung thư” này có tới hơn 1.100 người chết vì các bệnh ung thư và 380 người ở các xã lân cận cũng tử vong với cùng nguyên nhân.

Tỷ lệ ung thư của Việt Nam trên bản đồ ung thư thế giới

Theo Tổ chức sáng kiến toàn cầu về ung thư (GICR), Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108.

Ung thư ở Việt Nam: Những con số phải "giật mình" ảnh 3 

Số ca mắc ung thư mới ở Việt Nam năm 2018 (Nguồn VNN)

Theo VNN, những quốc gia có tỉ lệ chết vì ung thư lớn nhất gồm: Mông Cổ (170/100.000 dân); thứ 2 là Hungary (155); Ba Lan ở vị trí số 8 (136); Trung Quốc ở vị trí số 12 (130); Lào xếp vị trí 33; Pháp xếp vị trí 42; Canada xếp 84; Mỹ xếp vị trí 91 (91/100.000 ca); Nhật Bản ở vị trí 112 (85,2/100.000 dân)...

Theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.

Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân.

Ung thư ở Việt Nam: Những con số phải "giật mình" ảnh 4 

Vị trí Việt Nam trên bản đồ ung thư thế giới (Nguồn VNN)

Tính chung cả 2 giới, 5 loại ung thư có tỉ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: Ung thư gan, hơn 25.000 ca (15,4%), kế đó là ung thư phổi (14,4%), ung thư dạ dày (10,6%), ung thư vú, ung thư đại tràng.

5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt gồm: Ung thư phổi (21,5%), ung thư gan (18,4%), ung thư dạ dày, ung thư đại tràng; ung thư hầu họng. Ở nữ giới, hàng đầu vẫn là ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư gan.

Hiện nay các loại bệnh ung thư quái ác đã gần như gõ cửa từng gia đình, để bảo vệ sức khỏe cho mình ở hiện tại và lâu dài, chúng ta nên điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng cho phù hợp, thường xuyên đi khám, sàng lọc, phát hiện ung thư sớm để tránh các nguy cơ gây ung thư.