"Ứng phó" với trẻ hư thế nào cho hiệu quả?

ANTD.VN - Giáo dục trẻ em chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ngay cả các giáo viên được đào tạo bài bản về phương pháp dạy trẻ cũng có thể mắc phải sai lầm khi đối diện với các học trò ương bướng và lắm chiêu trò. Trẻ hư thì phải uốn nắn, nhưng uốn nắn thế nào mới đúng?

Dư luận đang xôn xao vì sự việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy - giáo viên Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em Hoàng L.N (SN 2007, học lớp 6) do em N nói tục. Sự việc này đã khiến hai má em N sưng phù, khó nhai nuốt và phải nhập viện.

Trừng phạt cũng là một trong những hình thức cần thiết khi dạy trẻ, đặc biệt đối với trẻ ngỗ nghịch. Phạt trẻ thế nào mới đúng thì không phải ai cũng biết.

Phạt trẻ hư: Điều chỉnh thái độ của người dạy trẻ trước tiên

Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ và các giáo viên sẽ gặp phải rất nhiều tình huống trẻ bướng bỉnh, bất trị và luôn thích phá luật. Theo các chuyên gia tâm lý, khi đối diện với các tình huống này, người dạy trẻ cần:

Thứ nhất, giữ sự kiềm chế. Khi gặp những tình huống trẻ phản ứng không mong muốn, người dạy trẻ cần kiềm chế cơn giận, không bao giờ la hét hoặc đối xử độc tài hay thúc dục trẻ, gây áp lực về thời gian với chúng. Đừng làm lớn chuyện với những gì không thay đổi ngay được.

Thứ hai, phớt lờ trẻ khi chúng có thái độ cáu bẳn hay phá phách. Trẻ thường sẽ tự chấm dứt hành động phá phách, ăn vạ hay mè nheo của mình nếu chúng không thấy cha mẹ phản ứng gì với hành động đó. Khi trẻ trở lại bình thường, người dạy trẻ cần giải thích để trẻ hiểu hành động vừa rồi là chưa ngoan và tại sao không được ủng hộ.

Thứ ba, đặt ra các giới hạn. Với mọi hành động của trẻ, người dạy trẻ cần đặt những ranh giới rõ ràng, để trẻ hiểu rõ điều gì được phép và không được phép, từ đó chúng sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp.

Trước khi trẻ làm điều gì vượt giới hạn, hãy cảnh báo chúng. Việc này giúp trẻ có cơ hội suy nghĩ lại hành động của mình và tự quyết định xem nên tiếp tục hay dừng lại trước khi bị phạt. Cuối cùng là kỷ luật. Người dạy trẻ cần kiểm soát các quy định mình đã đặt ra một cách kiên định và công bằng. Trẻ em cần hiểu ra rằng những cư xử không thể chấp nhận được của chúng sẽ dẫn đến một hậu quả nhất định: ngoan thì sẽ được khen thưởng, hư là bị phạt.

Thứ tư, khen thưởng khi trẻ cư xử đúng mực. Nội dung khen thưởng phải rõ ràng và đặc biệt theo từng trường hợp để trẻ hiểu được chúng đã làm tốt việc gì.

Hình phạt không bạo lực, không hạ nhục nhân phẩm của trẻ

Theo ý kiến của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM đăng tải trên VnExpress, các biện pháp tiêu cực như đánh đập, chửi mắng, tra tấn đứa trẻ bằng nhiều hình thức không giúp ích mà còn có tác dụng ngược khiến đứa trẻ sẽ lì lợm hơn, cứng đầu và vi phạm lỗi nặng hơn.

Đánh đập, chửi mắng không giúp ích mà còn khiến trẻ bướng bỉnh hơn

Thay vào đó, các bậc phụ huynh có thể áp dụng phương pháp giáo dục dựa theo mục đích của trẻ khi biểu hiện hành vi chưa ngoan như sau:

Với mục đích thu hút sự chú ý, đứa trẻ sẽ biểu hiện là thường làm hề, trò láu cá, ăn mặc khác thường, hay quên, lơ là việc phải làm. Người dạy trẻ nên:

- Phớt lờ hoặc giảm sự chú ý đến các hành vi của trẻ vào lúc đó đồng thời hướng trẻ vào các hành vi khác phù hợp hơn.

- Nhìn nghiêm nghị nhưng không nói gì cả.

- Nhắc nhở (tên, công việc phải làm), cho trẻ có sự lựa chọn.

- Phân tích hành vi và hậu quả.

- Lập nội quy hay các bước tiếp theo mà cha mẹ sẽ thực hiện với trẻ.

 Với mục đích chứng tỏ quyền lực, sức mạnh, trẻ sẽ biểu hiện hành vi hung hăng, đánh nhau, đôi co, cãi lý, thù địch, thách thức, không nghe lời, nói dối, “mặc kệ”, bướng bỉnh, chống đối, kháng cự.

Cha mẹ nên:

- Bình tĩnh, rút khỏi cuộc đôi co, tránh xung đột, không tham chiến, để trẻ nguôi nóng nảy.

- Cố gắng hiểu cảm xúc của trẻ, thể hiện mình hiểu cảm xúc đó, chia sẻ cảm xúc của mình về tình huống đó, trao đổi để phòng tránh vấn đề tương tự trong tương lai.

- Giúp trẻ thấy có thể sử dụng “sức mạnh, quyền lực” theo cách tích cực hơn. Nếu cha mẹ tham gia đôi co quyền lực hoặc nhượng bộ chỉ làm trẻ mong muốn có quyền lực hơn.

- Quyết định xem bạn sẽ làm gì, chứ không phải bạn sẽ bắt trẻ sẽ làm gì.

 Với mục đích trả đũa, trẻ sẽ thể hiện bằng cách làm tổn thương ai đó, hỗn láo, bạo lực, phá phách đồ đạc, ăn trộm, nhìn người khác bằng thái độ hằn học, nói năng xúc phạm đến người khác. Cha mẹ nên:

- Kiên nhẫn. Rút khỏi vòng luẩn quẩn “trả miếng” lẫn nhau. Tránh trừng phạt.

- Duy trì sự thân thiện trong khi kiên nhẫn chờ đợi để trẻ nguôi dần.

- Khích lệ sự hợp tác, xây dựng lòng tin.

- Hợp tác làm việc riêng với trẻ để giải quyết khó khăn.

- Khích lệ, cho trẻ thấy được yêu thương, tôn trọng.

Với mục đích thể hiện hành vi không thích hợp hoặc né tránh thất bại, trẻ biểu hiện dễ dàng bỏ cuộc, không cố gắng, không tham gia, trốn việc, trốn học, có khi tìm lối thoát qua ma túy. Trong trường hợp này cha mẹ nên:

- Không phê phán, chê bai.

- Dành thời gian rèn luyện hoặc phụ đạo cho trẻ (đặc biệt về học tập).

- Chia nhỏ nhiệm vụ, bắt đầu từ việc dễ để trẻ có thành công ban đầu.

- Sử dụng kỹ năng khích lệ, tập trung vào điểm mạnh của trẻ.

- Không thể hiện thương hại, không đầu hàng.

- Dành thời gian thường xuyên cho trẻ, giúp trẻ.

Với mục đích tìm kiếm sự chấp nhận của bạn bè, trẻ sẽ biểu hiện: thường xuyên cố gắng và thể hiện để được nhiều bạn cùng trang lứa chấp nhận, sẵn sàng trốn học đi chơi với bạn, ăn trộm tiền để bao bạn bè. Cha mẹ nên:

- Phân tích cho trẻ hiểu về những giá trị về bạn bè, điều gì nên và không nên khi chơi với bạn.

- Dạy trẻ kỹ năng trì hoãn để có thêm thời gian xử lý những tình huống bị bạn bè rủ rê, thách thức. Ví dụ như: “Tớ chưa thấy thích làm việc đó lắm”, “tớ không nói là không bao giờ hay không dám mà là chỉ nói là không phải bây giờ, thế thôi”, “tớ thấy đói quá, phải ăn cái gì đã rồi làm gì mới làm”. Trong một số trường hợp thì đi vào nhà vệ sinh rồi nghĩ cách; hoặc nói lái đi “nếu về nhà muộn quá, bố mẹ nói sẽ không cho đi tiếp nữa, thế thì không có lần sau đâu”...