Ứng phó với “Hội chứng ngày thứ hai”

ANTĐ - Sau ngày cuối tuần thư giãn, tạm xa công việc, học tập và cuộc sống bận rộn, với nhiều người buổi sáng đầu tuần thường trở thành nỗi sợ, căng thẳng thực sự. “Hội chứng ngày thứ hai” ngày càng phổ biến khi nhiều người cảm thấy mệt mỏi, cạn năng lượng, mất hết hứng thú khi bước vào một tuần làm việc mới. Làm thế nào để vượt qua rào cản tâm lý này?
Ứng phó với “Hội chứng ngày thứ hai” ảnh 1
Cần phân phối hoạt động cho cả tuần để cân bằng sức khỏe khi nghỉ ngơi làm việc
(Trong ảnh: Lớp học yoga cười mỗi sáng bên bờ hồ Gươm). Ảnh: Phú Khánh

Đặt kế hoạch xả hơi cho ngày cuối tuần. Đi picnic, ra công viên, tổ chức ăn uống trong gia đình, gặp gỡ bạn bè… thường là những dấu ấn cho ngày cuối tuần vui vẻ. Bên cạnh đó, cho dù là đơn thuần nghỉ ngơi thư giãn (xem tivi, ngủ, chơi điện tử), nhưng bạn cũng nên kiểm tra những công việc vặt trong gia đình, đừng để ngày thứ hai bỗng hoảng loạn lên vì tủ lạnh hết sạch đồ ăn dự trữ hay tương tự. Tóm lại, đó là những ngày cuối tuần xả hơi thú vị và hữu ích, tránh để thời gian quý giá trôi đi vô nghĩa.

Bố trí đều công việc trong tuần. Thông thường, do chúng ta quá bận rộn nên thường có tâm lý “để dành” vào cuối tuần. Giờ thay vào đó, cố gắng không để dồn việc một lúc, với việc phải làm thì làm mỗi ngày một ít và dành khoảng thời gian nghỉ ngơi để khỏi cảm thấy choáng ngợp. Thay vì dồn vào cuối tuần nên hẹn bạn bè ăn trưa hoặc ăn tối vào giữa tuần. Mọi thứ không “dồn ứ” vào cuối tuần thì sáng thứ hai chúng ta sẽ thấy thanh thản hơn.

Tránh thức khuya, ngủ quá nhiều vào cuối tuần. Nhiều người thích những ngày cuối tuần nhất ở chỗ cho phép mình ngủ tùy thích nhưng quan trọng không kém là ngủ theo nhu cầu tự nhiên và có ngủ thêm thì cũng ở mức độ hợp lý. Không nên tỉnh dậy muộn quá 2 tiếng so với ngày thường bởi sáng chủ nhật ngủ muộn, dẫn đến thức muộn vào đêm hôm đó, và sáng thứ hai thức dậy sớm sẽ trở thành cơn ác mộng. Ngoài ra, không nên thức quá khuya vào cuối tuần mà phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể, bởi ai cũng biết thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến năng lượng hoạt động của ngày hôm sau.

Sẵn sàng đón nhận.  Sáng thứ hai, có người phát điên vì muộn giờ mà vẫn phải lục tìm điện thoại, giấy tờ, ví… Vì thế tối chủ nhật nên sắp xếp gọn gàng vật dụng cá nhân luôn cần trong cả tuần như túi xách/balô, máy tính. Cùng với đó là soạn trước quần áo để các thành viên trong gia đình dậy đi làm, đi học thì mọi thứ đã sẵn sàng. Để thoát khỏi “ngày thứ hai đáng sợ”, trước tiên là dậy sớm hơn bình thường 10-20 phút, chừng đó đủ để giúp bạn chuẩn bị mọi thứ với tâm trạng bình tĩnh, thong thả. Nếu có mặt trời, mở cửa cho ánh sáng và không khí trong lành buổi sớm khuấy động tinh thần trong khi hình dung đến việc cần làm trong ngày. Nên ra khỏi nhà sớm hơn một chút vì có thể giao thông ngày đầu tuần sẽ đông hơn những ngày khác và thay vì ăn sáng tại nhà, trên đường tìm chút đồ gì ăn nhẹ cũng được.

Tự  điều chỉnh để thích nghi. Căng thẳng trong ngày đầu tuần sẽ khiến mọi người trở nên vội vã ngay từ sáng và tâm trạng này có thể tồi tệ hơn suốt cả ngày. Các chuyên gia khuyên rằng nên tự điều chỉnh tốc độ và định hướng cho mình. Nếu là người biết mình ghét ngày đầu tuần, cố tìm một điều gì mà bạn thích làm trong ngày hôm đó. Nhiều người sợ ngày thứ hai không hiểu lý do vì sao, nhưng quan trọng là họ ý thức được điều đó và chủ động đối mặt.