Ứng phó với biển đổi khí hậu ngày càng phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc siêu bão Helene gây ra những thiệt hại ngoài sức tưởng tượng về người và tài sản tại Mỹ cho thấy dù là quốc gia có tiềm lực khoa học, tài chính hàng đầu thế giới vẫn có thể phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề khi mà biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và điều này đòi hỏi thế giới phải rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố, lũ lụt…

Thiên tai gây thiệt hại ngày càng nặng nề

Thông tin mới nhất về thiệt hại do bão Helene gây ra, giới chức Mỹ cho biết, tính đến ngày 1-10 theo giờ địa phương, số người thiệt mạng do siêu bão này đã lên tới ít nhất 155 người. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đi thị sát một số khu vực chịu thiệt hại do mưa bão, trong đó Tổng thống Joe Biden ngày 2-10 đã đến hai bang North Carolina và Nam Carolina, còn Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đến thị sát bang Georgia. North Carolina và Georgia là hai trong số những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bão Helene và đây cũng là hai bang chiến địa quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Bão số 3 gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản tại nước ta

Bão số 3 gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản tại nước ta

Theo thống kê ban đầu, siêu bão Helene đã gây ra những thiệt hại chưa từng có tại dãy Appalachia, đặc biệt là các vùng núi phía Tây bang North Carolina, phía Đông bang Tennessee và hai bang South Carolina, Georgia. Siêu bão được xem là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử đổ bộ vào nước Mỹ đã khiến ít nhất 74 người thiệt mạng ở North Carolina, 36 người thiệt mạng ở South Carolina, trong khi con số này ở bang Georgia và Florida lần lượt là 25 và 14 người. Bang Tennessee cũng ghi nhận 4 người thiệt mạng do bão Helene và 2 người ở bang Virginia. Thiệt hại vật chất hơn 100 tỷ USD (khoảng 2,5 triệu tỷ đồng)

Thống đốc bang North Carolina Roy Cooper đã phải thốt lên rằng, thiệt hại do bão Helene gây ra là kinh hoàng và vượt ngoài sức tưởng tượng. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng con số thương vong sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới. Quan chức này cũng lưu ý việc khắc phục hậu quả sẽ là một thách thức vô cùng lớn trong bối cảnh mất điện trên diện rộng, đường sá bị hư hỏng và việc tiếp cận các khu vực bị cô lập gặp nhiều trở ngại. Chính quyền bang phải sử dụng trực thăng để vận chuyển hàng cứu trợ đến các cộng đồng không thể tiếp cận bằng đường bộ.

Trước siêu bão Helene, tại châu Á cũng có siêu bão Yagi (bão số 3 theo cách đặt tên của Việt Nam) cũng đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là đối với Việt Nam. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền nước ta.

Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Sau bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc bộ tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Theo đó, ảnh hưởng của bão kèm theo các loại hình thiên tai sau bão như lũ quét, sạt lở đất đã làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương. Về nhà ở, 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập.

Về nông nghiệp, 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết… Về cơ sở hạ tầng, đã xảy ra 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV…Về y tế, giáo dục: 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại…

Tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 có thể làm giảm khoảng 0,15% GDP năm nay.

Đầu tư các biện pháp phòng chống dài hạn

Sự xuất hiện của các cơn bão rất mạnh Yagi ở phía Tây Thái Bình Dương cùng Helene tại phía Tây Đại Tây Dương cũng như những thiệt hại “kinh hoàng và vượt ngoài sức tưởng tượng” do các siêu bão, theo các chuyên gia khí tượng, đã cho thấy sự biến đối khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Biến đối khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan như bão tố, lũ lụt…

Trung tâm Bão quốc gia (NHC) của Mỹ cho biết, siêu bão Helene với sức gió vùng gần tâm bão lên tới 215 km/giờ có sức mạnh cấp 4 “cực kỳ nguy hiểm” (Sức mạnh của bão được đánh giá dựa theo thang Saffir-Simpson, từ cấp 1 đến cấp 5, trong đó cấp 5 gây ra thảm họa trên diện rộng với sức gió trên 252 km/giờ), Trong khi đó, bão Yagi có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 16 (184-201 km/giờ), giật trên cấp 17.

Biến đối khí hậu còn khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất dày hơn. Trong đó chỉ khoảng 3 tuần sau bão Yagi, phía Tây Thái Bình Dương lại xuất hiện siêu bão có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201 km/giờ), giật trên cấp 17.

Mỹ là quốc gia thường xuyên hứng chịu các cơn bão lớn và từng hứng chịu các siêu bão như:

Katrina (2005), Sandy (2012), và gần đây là cơn bão Ian (2022)… Những cơn bão này đã để lại hậu quả nặng nề về cả người và tài sản.

Do đó, việc theo dõi thông tin bão là một trong yếu tố quan trọng trong việc phòng chống thiên tai ở Mỹ. Các cơ quan chính phủ như Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và NHC chuyên cung cấp thông tin chi tiết về sự hình thành và di chuyển của các cơn bão, liên tục cập nhật tình hình qua các phương tiện truyền thông, giúp người dân nắm bắt được đường đi, tốc độ và mức độ nguy hiểm của cơn bão. Việc này giúp người dân ở các khu vực có nguy cơ cao có thể chuẩn bị kịp thời, từ việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men cho đến việc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Mỹ cũng sử dụng công nghệ dự đoán và mô phỏng để chống bão, công nghệ hiện đại này đã cho phép các nhà khoa học sử dụng các mô hình trên máy tính để dự đoán đường đi và cường độ của bão với độ chính xác cao hơn. Cách mô phỏng này giúp cảnh báo sớm và tạo điều kiện cho chính quyền địa phương có thời gian để đưa ra các biện pháp đối phó.

Tiếp đến là kế hoạch sơ tán và bảo vệ tài sản. Khi một cơn bão lớn sắp đổ bộ, chính quyền địa phương và bang thường có các kế hoạch sơ tán cho cư dân ở những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt hoặc chịu ảnh hưởng mạnh từ bão. Bên cạnh việc tuân thủ các lệnh sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng, người dân cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ tài sản cá nhân như gia cố cửa sổ, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn và tránh để xe cộ ở các khu vực dễ ngập.

Chính phủ Mỹ đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng để đối phó với bão. Sau siêu bão Katrina năm 2005, hệ thống đê điều, cống thoát nước và các công trình bảo vệ chống ngập lụt ở các thành phố ven biển được chú trọng đầu tư để ứng phó những cơn bão mạnh.

Các biện pháp phòng chống mà chính phủ và người dân đang thực hiện trong cơn bão Helene mới đây cũng không khác nhiều so với các cơn bão lớn trước đây. Các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề đã được cảnh báo sớm, trong khi các biện pháp như gia cố nhà cửa, sơ tán người dân và chuẩn bị cơ sở hạ tầng đang được thực hiện. Các đội cứu hộ cũng đã được triển khai để sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.

Tuy nhiên, với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các cơn bão như Helene hay Yagi có thể ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư vào các biện pháp phòng chống bão, thiên tai dài hạn, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng dự đoán của các hệ thống khí tượng.

Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành, đồng thời công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo phải được đưa ra bằng những hình ảnh minh hoạ dễ hiểu, thể hiện tác động cho từng đối tương (nhà ở, cây xanh, tàu thuyền…) để nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền, hiểu biết về mức độ tàn phá của bão lũ, nhằm khắc phục tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Công tác dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác từ sớm, từ xa; đồng thời đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến được người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.