Ứng phó hiệu quả với “siêu biến thể” Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đang có những nhận định, đánh giác khác nhau về mức độ nguy hiểm của Omicron được cho là “siêu biến thể” có tốc độ lây lan nhanh nhất kể từ sau biến thể Delta. Song dù biến thể Omicron nguy hiểm thế nào thì các biện pháp phòng chống hiện nay, trong đó có thứ vũ khí quan trọng nhất là vaccine + “5K” vẫn chứng tỏ hiệu quả trong ứng phó.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cùng với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là nguyên tắc “5K” vẫn có thể ứng phó hiệu quả với biến thể Delta hay Omicron

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cùng với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là nguyên tắc “5K” vẫn có thể ứng phó hiệu quả với biến thể Delta hay Omicron

Đánh giá ban đầu về biến thế mới Omicron

Sau khi Omicron được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, đến nay khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể này, và điều này đang làm gia tăng nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm nguy hiểm mới.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh biến thể Omicron. Một số người cho rằng, biến thể Omicron có thể lây lan nhanh hơn, né tránh miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine phòng Covid-19, song số khác lại nhận định mức độ nghiêm trọng của biến thể này đang bị thổi phồng.

Thực tế, tính đến ngày 6-12, WHO chưa ghi nhận ca tử vong nào do nhiễm biến thể Omicron trên toàn cầu dù biến thể này đã được báo động và lây lan nhanh ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, nghiên cứu mới nhất về biến thể Omicron tại Nam Phi được công bố ngày 5-12 đã cho thấy những dự liệu dịch tế quan trọng và đáng chú ý về biến thể đang được cả thế giới dõi theo với sự quan tâm sâu sắc.

Theo Hội đồng nghiên cứu Y khoa Nam Phi (SAMRC), hồ sơ bệnh nhân được các nhà nghiên cứu ở Tshwane của Nam Phi, địa phương được xem là “tâm chấn” của đợt bùng phát biến thể Omicron ở nước này, cho thấy biến thể mới này có thể gây bệnh Covid-19 ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Qua quan sát, nghiên cứu, giới chuyên môn nhận thấy phần lớn bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron không cần hỗ trợ thở máy và có rất ít bệnh nhân cần bổ sung oxy và đây là điểm khác biệt rõ rệt so với những gì được ghi nhận ở bệnh viện trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đây. Đáng chú ý là hầu hết bệnh nhân này ban đầu nhập viện vì các lý do sức khỏe khác và xét nghiệm định kỳ đã phát hiện nhiễm virus SARS CoV-2.

Kết quả nghiên cứu, quan sát ban đầu về biến thể mới Omicron ở Nam Phi cũng tương đồng nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học ở một số nơi khác trên thế giới.

Phát biểu trên CNN ngày 5-12, Tiến sĩ Anthony Fauci - Cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ - cho biết, qua đánh giá các dấu hiệu ban đầu, dường như mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron không cao. Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, dù còn quá sớm để đưa ra một tuyên bố chắc chắn về vấn đề này, song đến nay mức độ nghiêm trọng của Omicron “có vẻ không cao” và “đây là các tín hiệu có đôi chút khích lệ”.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Âu cho biết, tính đến ngày 4-12, tất cả 109 ca mắc Covid-19 do nhiễm biến thể mới Omicron được phát hiện ở 16 quốc gia tại châu lục này đều chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và không có ca tử vong nào.

Ngày 5-12, các nhà chuyên môn ở Nhật Bản cũng cho rằng, theo ghi nhận ban đầu, ngoài tốc độ lây lan nhanh hơn biến thể Delta, những người mắc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 dường như có xu hướng bị nhẹ hoặc không có triệu chứng. Theo đó, 2 trường hợp dương tính với biến thể Omicron khi xét nghiệm tại sân bay quốc tế Narita của Nhật Bản cũng chỉ có triệu chứng nhẹ, dù có bị sốt.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cùng có chung nhận định rằng, còn quá sớm để để đánh giá chính xác biến thể mới Omicron có thể gây ra mức độ bệnh nặng nhẹ thế nào. Hiện vẫn cần thêm thời gian để tìm hiểu và xác định mức độ nghiêm trọng mà biến thể này gây ra đối với con người.

Vaccine + “5K” ứng phó hữu hiệu với biến thể mới

Trong khi các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để phân tích, đưa ra đánh giá chính xác hơn về biến thể Omicron, giới chức y tế thế giới khẳng định rằng, các biện pháp ứng phó với đại dịch hiện nay, bao gồm cả với biến thế Delta, vẫn có hiệu quả với biến thể mới Omicron. Trong đó, quan trọng nhất là vaccine phòng Covid-19 có tác dụng và dù biến thể mới Omicron dễ lây lan thì các biện pháp phòng chống khác như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang… vẫn giúp phòng ngừa hiệu quả với biến thể Omicron.

Các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt hiện hành như đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn và giãn cách xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thế mới Omicron. Thêm vào đó, các biện pháp y tế, đặc biệt là tiêm vaccine phòng Covid-19, đã cho thấy hiệu quả cao trong phòng chống dịch bệnh, giúp các bệnh viện không bị quá tải và kiềm chế sự phát triển của dịch bệnh trong cộng đồng.

Để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19 cho dù có thể còn xuất hiện các biến thể mới không kém phần nguy hiểm như Delta hay Omicron, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon, mới đây đã đưa ra khuyến nghị về cách “tiếp cận đa tầng”. Theo đó, cần tiêm đầy đủ vaccine, giữ khoảng cách và thông gió đầy đủ cùng với việc xét nghiệm Covid-19 và cách ly những người trở về từ các nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể này.

Người đứng đầu cơ quan kiểm soát bệnh tật của châu Âu nhấn mạnh, nhằm ngăn chặn sự lây lan nguy hiểm của biến thể Omicron, các quốc gia cần triển khai “phương pháp tiếp cận đa tầng”. Theo đó, những người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 nên khẩn trương đi tiêm chủng, những người trên 40 tuổi nên được tiêm nhắc lại (mũi thứ ba) và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khác.

Việt Nam những ngày qua cũng đã nâng cao cảnh giác, kích hoạt các biện pháp nhằm ứng phó, ngăn ngừa biến thể mới Omicron, trong đó chú trọng vào việc nhanh chóng tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là nguyên tắc “5K”.

Thủ tướng Chính phủ ngày 5-12 đã nhấn mạnh, cần “thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine và đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, đề cao ý thức người dân trong phòng chống dịch”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, phấn đấu tới 15-12-2021 và chậm nhất là trong tháng 12 này phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các đối tượng chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này. Đồng thời, có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu.

Bộ Y tế cho biết, đến ngày 5-12, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 122 triệu liều, trong đó có gần 69 triệu liều mũi 1 và hơn 53 triệu liều mũi 2; tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 là 95,6% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 73,7% dân số từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Bộ Y tế đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.

Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian, đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường (mũi 3), mũi bổ sung cho những người đã tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản.