Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật những gì Việt Nam đã làm để thực hiện cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu tại COP28 |
Thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về “0”
Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, hệ thống khí hậu đang tiến gần đến giới hạn đỏ, trong khi còn có những khoảng cách lớn giữa các cam kết của các nước đã đưa ra với hành động trên thực tế. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Do đó, COP28 năm nay đã trở thành Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự đông đảo của gần 140 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ và khoảng 90.000 đại biểu. Sự tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả của Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu cho thấy trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, Việt Nam cũng đã tham gia một số sáng kiến hợp tác đa phương mới nhằm mở ra một số cơ hội hợp tác mới về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh. Tại diễn đàn đa phương về ứng phó biến đổi khí hậu lớn nhất hành tinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật những việc Việc Nam đã làm để thể hiện chúng ta thực sự có quyết tâm, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả, không chỉ cam kết qua lời nói mà có những hành động rất cụ thể để triển khai thực hiện các cam kết đó. Theo đó, sau khi cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh), dù tình hình thế giới có nhiều biến động, khó khăn, thách thức nhưng bằng trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai 12 biện pháp lớn, toàn diện thuộc 3 nhóm nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế.
Nhóm thứ nhất là về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, bao gồm: Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo (như nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở vật chất...). Nhóm thứ hai gồm tổ chức thực hiện, trong đó đã công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực cho Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trở thành một trong ba nước đang phát triển đầu tiên tham gia JETP và là nước đầu tiên công bố Kế hoạch thực hiện JETP; Ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (nhất là khí methane) được đánh giá là dự án hình mẫu về nông nghiệp xanh trên thế giới. Cuối cùng là mhóm về xây dựng thể chế, gồm xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo; hiện đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu
Thông điệp mạnh mẽ, cam kết và tinh thần “nói là làm” của Việt Nam trong ứng phó biến đối khí hậu đã gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế. Điều này thể hiện qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam với khoảng 20 lãnh đạo, đại diện các nước và tổ chức quốc tế trong dịp tham dự Hội nghị COP 28.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga đặc biệt đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, nhất là việc triển khai dự án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, ít phát thải; coi đây là dự án hình mẫu về nông nghiệp xanh của WB trên thế giới, giúp giảm khí thải methane cũng như có thể mang lại lợi ích tài chính rõ rệt cho người dân thông qua cơ chế tín chỉ
carbon. Chủ tịch WB cũng đề xuất Việt Nam nghiên cứu tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và khẳng định sẵn sàng đồng hành và ủng hộ Việt Nam trong quá trình này, cũng như trong việc thực hiện các cam kết và mục tiêu khí hậu nói chung. Để nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng nước ta và Chủ tịch WB thống nhất đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện có, đồng thời thúc đẩy các dự án chiến lược quy mô lớn, có tác động lan tỏa, mang tính chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế. Một số dự án thế hệ mới tiềm năng trong khuôn khổ khoản vay 5-7 tỷ USD của WB cho Việt Nam trong 3 năm tới gồm dự án Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam (REACH), dự án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Hòa Lạc, đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhắc lại ấn tượng sâu sắc về chuyến thăm Việt Nam vừa qua, đặc biệt là việc hai Thủ tướng đã cùng tham gia hoạt động đạp xe, là hoạt động mang tính biểu tượng thể hiện cam kết của hai nhà lãnh đạo về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm. Thủ tướng Mark Rutte khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, công nghệ cao. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và khẳng định Na Uy sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là về phát triển năng lượng tái tạo, pin lưu trữ năng lượng sạch.
Trưởng ban Biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Đào Xuân Lai đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết đưa ra tại COP26. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra kế hoạch hành động và quy hoạch các ngành, như Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030, nhằm quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, không làm mất rừng và suy thoái đất; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông; và gần đây là Quy hoạch phát triển điện VIII; Quy hoạch Phát triển năng lượng tổng thể quốc gia. Đặc biệt, vị quan chức UNDP tỏ ra ấn tượng trước điều mà ông cho là “mang tính bước ngoặt” khi vào cuối năm 2022, Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới thông qua JETP với các nước G7, Liên minh châu Âu (EU), Đan Mạch và Na Uy (Nhóm đối tác IPG).