Ứng dụng khoa học, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại Công an cấp huyện

ANTD.VN - Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Xây dựng toàn diện Công an cấp huyện đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới (tổ chức ngày 23-6) , Trung tướng Đoàn Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố (CATP) Hà Nội đã tham luận với chủ đề “Ứng dụng khoa học, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại Công an quận, huyện, thị xã”.

Phát huy sức mạnh yếu tố con người và khoa học công nghệ

Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03 của Bộ trưởng Bộ Công an về xây dựng toàn diện Công an cấp huyện, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, bài bản, có bước đi chắc chắn, lộ trình phù hợp.

Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc CATP Hà Nội tham luận tại điểm cầu Hà Nội

Hiện nay, tỷ lệ biên chế của Công an cấp huyện đạt tỷ lệ 72,39% (tăng 10,93% so với năm 2009), đảm bảo theo tỷ lệ biên chế theo các Quy định và Kế hoạch của Bộ Công an về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở bốn cấp Công an; đồng thời, CATP cũng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã (đã hoàn thành bố trí trên 2.300 cán bộ Công an chính quy tại 383/383 xã).

“Cùng với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP luôn nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là ở Công an quận, huyện, thị xã; coi đây nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần được đầu tư công phu cả về cơ sở vật chất, tiềm lực khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra”, Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 03, Công an Hà Nội đã đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể là:

Đã xây dựng, quản lý, sử dụng 64 phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ, như phần mềm tra cứu xe; phần mềm đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; phần mềm đăng ký, cấp căn cước công dân; tin học hóa, số hóa hệ thống hồ sơ nghiệp vụ (An ninh, Cảnh sát)… tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu trữ, khai thác, xác minh, giúp Công an cấp huyện nhanh chóng điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin còn góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nhất là trong công tác quản lý căn cước công dân, hộ khẩu, hộ chiếu, khai báo tạm trú...

Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, CATP luôn quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại hóa hệ thống camera kiểm soát an ninh tại Công an quận, huyện, thị xã. Đến nay, đã lắp đặt, vận hành trên 1.000 camera tại Nhà tạm giữ Công an cấp huyện; gần 700 camera giám sát an ninh tại các địa bàn phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự, giúp cung cấp thông tin dữ liệu hình ảnh kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Giám đốc CATP và chỉ huy Công an cấp huyện.

Cùng với đó, CATP triển khai xây dựng, ứng dụng phần mềm Bản đồ số về an ninh, trật tự ứng dụng tại Trung tâm Thông tin Chỉ huy CATP. Hiện nay, dữ liệu phần mềm được cập nhật hàng ngày, nguồn thông tin từ cấp cơ sở, với 3.000 trường thông tin, phục vụ có hiệu quả công tác phân tích, đánh giá, dự báo, tình hình có liên quan đến an ninh, trật tự.

Điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian qua là CATP đã chỉ đạo xây dựng, triển khai, vận hành thử nghiệm, đưa vào hoạt động 3 Kênh tương tác giữa người dân và lực lượng Công an Thủ đô, gồm: Tổng đài “Hotline” CATP; Chuyên mục “Hỏi - Đáp” qua Cổng thông tin điện tử; Trang Fanpage của CATP, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố nói chung, cấp huyện nói riêng.

Hệ thống đường truyền viễn thông tin học thường xuyên được bảo dưỡng, nâng cấp, kết nối từ trụ sở CATP (87 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) đến 30 Công an các quận, huyện, thị xã, góp phần đáp ứng yêu cầu tổ chức các hội nghị trực tuyến tại gần 40 điểm cầu, kiểm soát, giám sát an ninh, giao thông, trật tự và phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

CATP cũng ưu tiên trang cấp cho Công an các quận, huyện, thị xã nhiều loại phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ tiên tiến, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng nâng cao năng lực chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.

Ứng dụng công nghệ vào công tác Công an: hướng đi tất yếu

Theo Trung tướng Đoàn Duy Khương, từ những kết quả đạt được nêu trên, qua tổng kết, CATP rút ra một số kinh nghiệm quý. Trước hết, đó là sự nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các mặt công tác Công an. “Tuy yếu tố con người là quyết định, song yếu tố khoa học kỹ thuật cũng rất quan trọng, trong một số tình huống cụ thể, yếu tố khoa học kỹ thuật giữ vai trò quyết định nhưng vẫn phải do con người làm chủ được khoa học kỹ thuật, nhất là trong thời kỳ cách mạng 4.0 hiện nay”, Giám đốc CATP nhìn nhận.

Công an Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn

Hai là, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy Công an các đơn vị là tiền đề, điều kiện thuận lợi thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự; cùng với đó, là sự chủ động sáng tạo, nhạy bén của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác có liên quan đến khoa học công nghệ là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác này.

Ba là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng thành thạo khoa học công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Bốn là, cân đối, hài hòa các nguồn lực (con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính) phục vụ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các mặt công tác công an có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Năm là, thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào các mặt công tác công an; kịp thời cập nhật, khắc phục những hạn chế, bất cập và đề ra phương hướng, nhiệm vụ sát thực tiễn, có tính khả thi cao.