Thực hiện Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc CATP Hà Nội:

Ứng dụng công nghệ, xác định trúng vi phạm và xử lý nhanh

ANTD.VN - Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc CATP Hà Nội về đảm bảo trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị (TTATGT - TTĐT) trên địa bàn thành phố có nội hàm hết sức quan trọng: Nâng cao ý thức tự giác, giữ gìn TTATGT - TTĐT của mỗi người dân bằng chính hành động, sự vào cuộc nghiêm túc của lực lượng chức năng.

Sự chuyển biến bước đầu về diện mạo, mỹ quan đô thị ở nhiều địa bàn Thủ đô qua 10 ngày Mệnh lệnh 02 được triển khai vào thực tiễn là điều cảm nhận rõ nét. Quan trọng hơn, những lộ trình, phương pháp để đạt hiệu quả mang tính bền vững đã dần định hình. 

Ứng dụng công nghệ, xác định trúng vi phạm và xử lý nhanh ảnh 1Lực lượng CSTT CAQ Long Biên lập biên bản xe ô tô đỗ trên vỉa hè 

Chọn tuyến, điểm “nóng” để giải quyết triệt để 

Ngay cuộc gặp lần đầu tiên với chúng tôi xung quanh chủ đề Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc CATP Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã trò chuyện hết sức cởi mở.Thiết lập lại TTATGT - TTĐT là vấn đề mà quận Đống Đa luôn nghĩ đến và mong có những biện pháp quyết liệt, mang tính đồng bộ. 

Thẳng thắn nhìn nhận những dấu hiệu lộn xộn tái xuất ở một vài tuyến phố, trục đường, nhất là từ sau thời điểm Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong đánh giá: “Mệnh lệnh số 02 đã tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm lập lại TTATGT - TTĐT trên địa bàn, và quận sẽ làm bằng được”. 

Theo đó, UBND quận giao CAQ tham mưu với Ban chỉ đạo 197 quận xây dựng kế hoạch triển khai Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc CATP; xác định rõ trách nhiệm tham gia giữ gìn TTATGT - TTĐT của các cán bộ đầu ngành; chọn những tuyến, điểm “nóng”, tập trung giải quyết triệt để từ đó nhân rộng cách làm, kết quả… Song ở Đống Đa, lãnh đạo quận đang có sáng kiến khác để phát hiện vi phạm cũng như giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Làm việc với chúng tôi, chiếc điện thoại di dộng thông minh của Chủ tịch UBND quận Võ Nguyên Phong gần như không lúc nào rời tay ông. “Đây, nhà báo xem, chỗ này, chỗ này nữa…”, cứ mỗi câu giới thiệu, hình ảnh các tuyến phố trên địa bàn quận, như Trung Liệt, Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng… hiện ra rõ nét, kèm những dòng tin nhắn. “Anh Hùng cho kiểm tra ngay, lực lượng chức năng làm vỉa hè bên này mà bên kia khách vẫn ngồi uống cà phê”.

Tin ảnh gửi đi, 10 phút sau có hồi âm, cũng bằng tin - ảnh: “Báo cáo anh, phường đã nhắc hộ kinh doanh thu dọn bàn ghế vào trong”... - Đó là cuộc trao đổi ngắn qua ứng dụng công nghệ trên điện thoại giữa ông Võ Nguyên Phong và Chủ tịch UBND phường Trung Liệt về vi phạm lấn chiếm vỉa hè trên phố Thái Hà.

Và nó là một trong nhiều tin nhắn - hình ảnh khác, được cập nhật hàng giờ, mỗi ngày, giữa lãnh đạo quận và 21 phường trên địa bàn, cùng các lực lượng chức năng với tinh thần: Xác định trúng vi phạm, rõ trách nhiệm và xử lý thật nhanh!  

Ứng dụng công nghệ, xác định trúng vi phạm và xử lý nhanh ảnh 2Tổ kiểm tra thực hiện Mệnh lệnh 02 ghi nhận biên bản ở một đơn vị Công an cơ sở, sau khi đi thực tế địa bàn

Chia sẻ về phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện, xử lý vi phạm TTATGT - TTĐT, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá: “Tiện lợi và hiệu quả cao hơn nhiều so với việc lắp đặt camera”.

Ông Phạm Tuấn Long cho biết, cũng với ứng dụng công nghệ thông tin qua điện thoại thông minh, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và các phòng chức năng đã thiết lập nhóm chuyên đề TTATGT - TTĐT lên đến 200 thành viên mà nòng cốt là Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị 18 phường; Trưởng các phòng chức năng, ngành đoàn thể.

“Trước kia, mỗi lần liên ngành đi kiểm tra vừa tốn kém thời gian, vừa phải chi phí xăng dầu cho phương tiện mà hiệu quả không cao vì thường chỉ xử lý được tại một khu vực. Bây giờ, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, lãnh đạo quận có điều kiện, cơ sở để nắm bắt kịp thời những vi phạm, từ đó yêu cầu cán bộ chức năng xử lý. Kết quả sẽ được báo cáo, đối chiếu bằng hình ảnh với vi phạm trước đó”, ông Phạm Tuấn Long thông tin.

Quyết liệt, chỉ rõ trách nhiệm trước những vi phạm tồn tại

Ngay sau khi Mệnh lệnh số 02 có hiệu lực, Giám đốc CATP đã chỉ đạo thành lập 4 tổ kiểm tra gồm đại diện các phòng chức năng CATP, chuyên trách kiểm tra việc triển khai thực hiện Mệnh lệnh ở 30 quận, huyện, thị xã, tập trung trước mắt ở 12 địa bàn nội thành.

Bám sát các khung giờ được quy định tại Mệnh lệnh 02, các tổ kiểm tra sẽ đi ghi nhận thực tế ở các địa bàn phường, quận với tinh thần được xác định đối với các đơn vị công an cơ sở: Ra quân bài bản, quyết liệt; làm có chuyển biến đồng thời phải chỉ rõ trách nhiệm của CBCS trước những tồn tại - vi phạm về TTATGT - TTĐT.

Ứng dụng công nghệ, xác định trúng vi phạm và xử lý nhanh ảnh 3Một tin nhắn - hình ảnh cập nhật, xử lý  vi phạm trong nhóm chuyên đề thực hiện Mệnh lệnh 02 quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 

Có thể thấy, cùng với việc thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin vi phạm TTATGT - TTĐT cũng như phản ánh về tinh thần, tác phong của CBCS trong khi làm nhiệm vụ, Mệnh lệnh 02 đã thể hiện quyết tâm và thái độ hết sức thẳng thắn của CATP trong công tác lập lại trật tự, văn minh ở Thủ đô. Sự văn minh, kỷ cương, sạch đẹp phải cần đến nhận thức và hành động của mỗi tổ chức, cá nhân và không thể thiếu ở đó là sự kiên quyết, nghiêm túc, trách nhiệm của lực lượng thực thi nhiệm vụ mà ở đây, mỗi CBCS Công an phải là những người gương mẫu, đi đầu.

Các khung giờ được tính toán, xây dựng trong Mệnh lệnh 02 đã bám sát “đặc thù” vi phạm ở nhiều địa bàn. Trung tá Trần Văn Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát trật tự, Tổ trưởng tổ kiểm tra số 2 thực hiện Mệnh lệnh 02 của CATP phân tích: “Nếu chỉ nhìn một cách đơn giản biên chế và khối lượng công việc ở cấp cơ sở, thì sẽ cho ra ngay đáp án… quá tải. Tuy nhiên, cũng nếu chỉ thuần túy lực lượng Công an ra quân thực hiện Mệnh lệnh, hiệu quả sẽ khó đạt cao. Đây là điều từng gặp ở nhiều chuyên đề, kế hoạch”.

Sâu xa của việc thực hiện Mệnh lệnh 02 đã được Ban Giám đốc CATP Hà Nội gợi mở, yêu cầu là phải có được sự vào cuộc cụ thể của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cả hệ thống chính trị. Làm sao để tinh thần của Mệnh lệnh phải đến được các chi bộ đường phố, khu dân cư; để từng hộ gia đình, cá nhân thấy được trách nhiệm giữ gìn TTATGT - TTĐT và làm thật tốt.

Đảm bảo TTATGT - TTĐT, nếu chỉ ra quân, xử lý, sẽ sớm lặp lại tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, “ném đá ao bèo”. Yêu cầu quyết liệt của Mệnh lệnh 02 lần này là công tác tuyên truyền, vận động phải thực sự đột phá. Những vi phạm mang tính hệ thống, “boong-ke” phải bị xử lý và trách nhiệm do lực lượng Công an. Nhưng tuyên truyền bền bỉ, giữ gìn trật tự đã được thiết lập, duy trì, phải là sự vào cuộc của cán bộ cơ sở và chính mỗi người dân.

Hạ nhiệt sức “nóng” vi phạm TTATGT - TTĐT ở Thủ đô thực sự đã đến lúc không thể chậm trễ. Nó là mệnh lệnh, là yêu cầu cấp thiết, nhất định không có chỗ cho những tư duy, cách nghĩ “không phải việc của mình”, là “có làm cũng chẳng xuể”… Lực lượng Công an đã và đang vào cuộc với tâm thế ấy; song rất cần thêm những bàn tay, sự đồng lòng, vì Thủ đô văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp.

“Thiết lập lại trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị là vấn đề mà quận Đống Đa luôn nghĩ đến và mong có những biện pháp quyết liệt, mang tính đồng bộ. Mệnh lệnh số 02 đã tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm lập lại trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị trên địa bàn, và quận sẽ làm bằng được”.  

Ông Võ Nguyên Phong (Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Nội)