Ứng dụng công nghệ vệ tinh để dự báo nông sản

(ANTĐ) - Công tác dự báo thị trường đối với nhóm hàng nông sản còn yếu kém, khiến nông sản lúc thì dư thừa, giá cả sụt giảm, sản xuất đình trệ. Hay khi cầu thị trường thế giới lớn, giá cả lên cao thì chúng ta lại thu hẹp sản xuất. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nhận lỗi về công tác dự báo thóc gạo yếu kém trước kỳ họp Quốc hội vừa qua. Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng đề án dự báo ngành hàng nông sản thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard). Xung quanh đề án này TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Ipsard cho biết:

Ứng dụng công nghệ vệ tinh để dự báo nông sản

(ANTĐ) - Công tác dự báo thị trường đối với nhóm hàng nông sản còn yếu kém, khiến nông sản lúc thì dư thừa, giá cả sụt giảm, sản xuất đình trệ. Hay khi cầu thị trường thế giới lớn, giá cả lên cao thì chúng ta lại thu hẹp sản xuất. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nhận lỗi về công tác dự báo thóc gạo yếu kém trước kỳ họp Quốc hội vừa qua. Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng đề án dự báo ngành hàng nông sản thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard). Xung quanh đề án này TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Ipsard cho biết:

Đề án này cũng đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời trước Quốc hội về việc thành lập Trung tâm Dự báo thị trường nông, lâm, thủy sản và giao cho 2 đơn vị là Ipsard và Trung tâm Tin học - Thống kê của Bộ thực hiện. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xây dựng một đề án có tên gọi là Trung tâm Phát triển thông tin và phân tích thị trường nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

- PV: Mục đích và vai trò của Dự án này là gì thưa ông?

- TS. Đặng Kim Sơn: Đề án sẽ có 3 nội dung chính: Thu thập thông tin, phân tích thông tin và đưa ra các dự báo. Hệ thống thu thập thông tin hiện nay của chúng ta nhìn chung chưa hoàn chỉnh, chủ yếu vẫn dựa vào các thông tin từ thống kê và báo cáo. Thông tin thống kê thì chính xác, nhưng chậm, còn thông tin từ báo cáo thì nhanh, nhưng nhiều khi lại bị sai lạc, vì chịu rất nhiều tác động. Do đó, cái chúng ta cần một hệ thống thông tin thật nhanh, nhưng phải tương đối chính xác và khách quan.

Chúng ta phải xây dựng một hệ thống thông tin đa chiều. Trước hết, phải giám sát, gắn bó với nông dân. Mặt khác, phải có các công cụ hỗ trợ hiện đại như ảnh vệ tinh hoặc ảnh máy bay, những công nghệ mà trên thế giới họ đã sử dụng rất nhiều. Kết hợp với các biện pháp về điều tra, lấy mẫu theo phương pháp thống kê. Các biện pháp này sẽ được kết hợp với nhau thành một hệ thống thông tin đầu vào đáng tin cậy.

- PV: Việc phân tích của chúng ta vẫn còn lúng túng, đôi khi bị nhiễu, bằng chứng là việc dự báo sản lượng lương thực năm 2008 vừa qua, việc này sẽ được khắc phục như thế nào?

- TS. Đặng Kim Sơn: Mảng phân tích thông tin hiện nay còn rất yếu. Điều quan trọng trong việc xây dựng năng lực về phân tích thông tin phải có 2 việc. Một là, phải xây dựng được một đội ngũ phân tích cao cấp, để phân tích được thông tin trung hạn. Còn muốn xây dựng được đội ngũ dự báo dài hạn, phải có các cán bộ được đào tạo căn bản. Muốn có các đội ngũ này, chúng ta phải trả cho họ lương cao và có chế độ đãi ngộ tốt, đây đều là những vấn đề cần phải vượt qua trong thời điểm này. Thứ nữa là phải có một hệ thống công cụ, các phương pháp phân tích hiện đại. Nếu chúng ta có được 2 điều kiện con người và công cụ, chỉ trong một vài năm, chúng ta sẽ có đủ năng lực để xây dựng được hệ thống dự báo ngành hàng nông sản.

Người nông dân cần thông tin chính xác để sản xuất đạt hiệu quả cao
Người nông dân cần thông tin chính xác để sản xuất đạt hiệu quả cao

- PV: Hiện nay ở không ít các lĩnh vực, việc thu thập, phân tích thông tin còn nặng về tính nghiên cứu, vậy làm thế nào đề án dự báo nông sản áp dụng được vào thực tiễn có hiệu quả?

- TS. Đặng Kim Sơn: Khi đã có thông tin để phân tích và đánh giá, phải có hệ thống để đưa các dữ liệu đó đến người ra quyết định, cũng như với người dân. Hiện nay, trên các phương tiện thông tin truyền thông hay hệ thống khuyến nông, hệ thống thông tin thị trường cho nông dân chưa được làm một cách bài bản. Chúng ta có thông tin, nhưng mà vẫn hướng vào người tiêu dùng hơn là hướng vào người sản xuất hoặc là mới chỉ nói cho người dân cái xảy ra ngày hôm nay, hơn là dự báo để cho người dân có thể lường trước cái gì xảy ra ngày mai, ngày kia. Như vậy, chúng ta cần phải xây dựng được một hệ thống thông tin đồng bộ cho người ra quyết định, cũng như những người sản xuất, kinh doanh.

- PV: Vậy bao giờ đề án này có thể đi vào hoạt động, thưa ông?

- TS. Đặng Kim Sơn: Trong vòng 3 tháng tới chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo dự báo ngành hàng nông sản Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3-2009. Tại đây, chúng tôi sẽ đưa ra dự báo cho người sản xuất, phân tích với họ về thị trường thóc gạo, cà phê, sản phẩm chăn nuôi... Những hoạt động này sẽ được tổ chức chuyên nghiệp và định kỳ để có thể đưa đến thông tin cho người dân một cách nhanh nhất.      

Ngân Tuyền

(Thực hiện)