Ứng dụng công nghệ tìm kiếm nạn nhân bắt cóc

ANTD.VN - Trước nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em vẫn thực sự nhức nhối, Trung Quốc gần đây đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp khoa học công nghệ giúp người thân thất lạc xác định huyết thống, cũng như phổ biến rộng rãi tới cộng đồng các trường hợp trẻ em mất tích. 

Chị em họ Ngô xúc động đoàn tụ sau 27 năm thất lạc

Gần đây, một phụ nữ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã đoàn tụ với em trai  sau 27 năm cậu em bị bắt cóc và lừa bán. Ngày vui đoàn tụ kết thúc chuỗi ngày tìm kiếm vất vả, khó khăn, khi việc đối chiếu ADN phải lấy từ mẫu gene của cha mẹ đã qua đời của họ. Trên kênh truyền hình CCTV 1, trong chương trình Waiting for Me lên sóng vào ngày 16-4 vừa qua, người chị 31 tuổi Ngô Gia Ngọc đã xúc động nói: “Cuối cùng tôi cũng tìm được em trai mình. Tôi sẽ đưa em tới mộ cha mẹ và nói với họ rằng cậu ấy đã trở về. Bây giờ họ có thể yên nghỉ trong thanh thản”.

Lấy mẫu ADN từ khai quật mộ

Em trai bị thất lạc của cô Ngô Gia Ngọc tên là Ngô Gia Nghiêm. Gia Nghiêm mất tích vào mùa hè năm 1990 tại ga xe lửa Vũ Xương khi mới 2 tuổi. Hôm đó, theo kế hoạch, 2 chị em họ Ngô được cha đưa về thăm mẹ làm việc ở tỉnh Thiểm Tây, miền bắc Trung Quốc. 

Sau khi Gia Nghiêm mất tích, cha mẹ của cậu đã bỏ việc, đưa người chị Gia Ngọc về cho ông bà chăm sóc, để bắt đầu hành trình tìm kiếm con trai. Họ đã tới rất nhiều địa phương và mỗi lần tìm kiếm thất bại là một lần trái tim họ thêm đau đớn. Theo Ngô Gia Ngọc, trong nhật ký, mẹ cô đã bày tỏ hy vọng cậu con trai yêu quý không quên  mặt mẹ và nói về quyết tâm tìm được con trai. Tuy nhiên, sau 2 năm tìm kiếm con trai thất lạc mà vô ích, ông bà Ngô đã quẫn trí tự tử. 

Người chị Ngô Gia Ngọc hứng chịu bi kịch gia đình khi mất cả cha lẫn mẹ lúc mới 6 tuổi. Tuy nhiên, Gia Ngọc hiểu rằng ý nguyện cuối cùng của cha mẹ cô vẫn chưa hoàn thành và cô phải thay cha mẹ tiếp tục tìm kiếm em trai. “Mặc dù cha mẹ đã rời xa chúng tôi mãi mãi, nhưng trái tim chúng tôi không bao giờ mất đi hình bóng họ” - Gia Ngọc cho biết.

Năm 2015, cô Ngô đăng tải thông tin ADN của mình lên mục tìm kiếm trẻ bị buôn bán hoặc mất tích trên trang web chính thức của cơ quan công an Trung Quốc. Trong khi đó, Ngô Gia Nghiêm, được đổi tên thành Lâm Nghĩa Huy sau khi bị bán cho một gia đình ở tỉnh Phúc Kiến (miền Đông Trung Quốc), đã nghi ngờ về vẻ ngoài khác biệt của mình so với các anh chị em trong gia đình hiện tại. Gần như cùng một thời điểm với Ngô Gia Ngọc, Ngô Gia Nghiêm cũng đưa thông tin về ADN của mình lên trang web của cơ quan công an.

Tuy nhiên, công nghệ hiện nay chưa thể xác định quan hệ họ hàng mà chỉ sử dụng mẫu ADN của chính họ. Do đó, Ngô Gia Ngọc đã phải đối mặt với áp lực rất lớn về đạo đức khi quyết định khai quật mộ cha mẹ để lấy mẫu ADN, nhằm kiểm chứng quan hệ huyết thống với Lâm Nghĩa Huy. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của cảnh sát địa phương, Gia Ngọc đã xác định được rằng Nghĩa Huy chính là em trai Gia Nghiêm mất tích của mình. Theo trang mạng Chinadaily, đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc, ADN được lấy từ ngôi mộ giúp xác định thành công mối quan hệ giữa những thành viên bị mất tích trong cùng một gia đình.

Thông báo tìm người mất tích bằng ứng dụng số 

Buôn bán trẻ em vẫn là thực trạng nhức nhối tại Trung Quốc. Sự mất cân bằng giới tính không chỉ tạo ra nhu cầu bắt cóc, mua bán bé trai mà còn xảy ra đối với cả bé gái để sau này làm cô dâu.

Trước tình hình trên, một ứng dụng tìm kiếm trẻ em được Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cho ra đời hồi tháng    5-2016 đã trở thành công cụ hữu ích. Cụ thể, ứng dụng mang tên Tuanyuan, có nghĩa là “đoàn viên”, cho phép cảnh sát chia sẻ thông tin và hợp tác với người dân trong việc tìm kiếm trẻ thất lạc.

Người dùng ứng dụng sống gần địa điểm nơi một đứa trẻ mất tích sẽ nhận được thông báo, bao gồm ảnh và mô tả về đứa trẻ. Thông báo được gửi đến người dùng ở những nơi xa hơn vị trí ban đầu nếu đứa trẻ vẫn chưa được tìm thấy. Phiên bản nâng cấp tháng 11-2016 của Tuanyuan đã mở rộng tầm với thông qua hợp tác với các ứng dụng khác, chẳng hạn Taobao, Baidu, QQ... 

Theo hãng tin Tân Hoa xã, ứng dụng Tuanyuan đã giúp Bộ Công an Trung Quốc tìm được 611 trẻ mất tích trong năm 2016.