Tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ CATP Hà Nội lần thứ XXVII:

Ứng dụng công nghệ để phục vụ nhân dân tốt nhất

ANTĐ - Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an Hà Nội mới được thành lập nhưng đã lập nhiều chiến công vang dội. Công nghệ thông tin cũng chính là nền tảng quan trọng để Công an Hà Nội cải cách hành chính phục vụ nhân dân.

Sức mạnh của một lực lượng trẻ

Tháng 8-2013, Công an Hà Nội có thêm một lực lượng mới: Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – đơn vị đầu tiên trên toàn quốc được Bộ Công an cho phép thí điểm thành lập. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao đã được Công an Hà Nội quan tâm từ rất sớm. Từ năm 2008, CATP đã báo cáo Bộ Công an cho phép thành lập Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Phòng Cảnh sát hình sự. Tiếp đó, năm 2011, CATP đã triển khai thành lập Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV. 

Ứng dụng công nghệ để phục vụ nhân dân tốt nhất ảnh 1

Một ngày làm việc mới tại điểm cấp mới, cấp đổi CMND - Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, CATP Hà Nội (44 Phạm Ngọc Thạch) bắt đầu khi cả ca trực đứng nghiêm trang chào nhân dân.

Trong gần 2 năm định hình, hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức - con người, lực lượng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Ban Giám đốc CATP những biện pháp đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm mới, nguy hiểm này. Bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, đơn vị trẻ ấy đã lập được nhiều chiến công, từng bước khẳng định mình. Bí thư Đảng ủy - Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Đại tá Lê Hồng Sơn cho biết, đơn vị thường xuyên tổ chức đánh giá tình hình, kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên tất cả các lĩnh vực trọng điểm để chủ động đề ra các giải pháp, biện pháp đấu tranh hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình thực tế. 

Từ khi thành lập đến tháng 5-2015, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Hà Nội đã điều tra, khám phá 227 vụ việc với 344 đối tượng, trong đó có gần 50 ổ nhóm với trên 160 đối tượng. Có 86 vụ - 200 đối tượng đã được chuyển đến CQĐT để khởi tố. Điển hình trong số đó là vụ 7 đối tượng cài đặt phần mềm giám sát, lấy trộm thông tin 14.000 thuê bao điện thoại di động.

Vụ án này được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu năm 2014. Hay vụ  đối tượng sử dụng phần mềm tự động trừ tiền điện thoại của người khác, chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng. Gần đây nhất là vụ phá sàn vàng “ảo” HGI; chuyển CQĐT khởi tố, tạm giam 6 đối tượng chiếm đoạt trên 270 tỷ đồng của các nhà đầu tư… Qua công tác đấu tranh, hàng loạt hoạt động, hành vi của tội phạm đã bị lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Hà Nội định dạng, như làm giả thẻ ngân hàng, sử dụng tiền điện tử, tiền ảo thanh toán cho các giao dịch bất hợp pháp, trộm tài khoản mạng xã hội, lập website bán hàng đa cấp để lừa đảo… 

Hiệu ứng tích cực

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn không chỉ là xu hướng tất yếu đem lại hiệu quả công tác cao mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong phục vụ nhân dân. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP với toàn lực lượng Công an Thủ đô.

Từ tháng 10-2012, CATP đã đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử giải quyết thủ tục hành chính; đăng tải đầy đủ 74 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước. Tháng 3-2014, CATP đưa vào sử dụng Trang đăng ký thông tin làm hộ chiếu trực tuyến của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, tiếp nhận mẫu đơn đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông qua mạng Internet.

Ứng dụng công nghệ để phục vụ nhân dân tốt nhất ảnh 2

Tận tình hướng dẫn người dân kê khai trực tuyến thông tin cấp hộ chiếu trên Internet 

Bên cạnh việc nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học, Đảng ủy CATP đã chỉ đạo xây dựng 10 hệ phần mềm ứng dụng (đến nay CATP đang quản lý và khai thác, sử dụng 57 phần mềm ứng dụng). Đặc biệt, CATP đã khảo sát, thiết kế và xây dựng hệ thống phần mềm SAMS, với 18 phân hệ dùng chung cho các quy trình nghiệp vụ của CATP; đã xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu dùng chung của CATP về thông tin nhân khẩu, hộ khẩu; phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel triển khai hàng trăm đường truyền Internet tốc độ cao, kết nối tới toàn bộ CAP, thị trấn, các đội QLHC, CSHS và CSGT của 30 quận, huyện, thị xã… Hàng nghìn CBCS thuộc các  lực lượng CSGT, CSKV đã được tập huấn, đào tạo tin học theo chuyên đề; bồi dưỡng, kiểm tra kiến thức tin học, ngoại ngữ phục vụ công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp là yêu cầu bắt buộc…

Từ nền tảng hạ tầng công nghệ tốt, tốc độ cải cách hành chính phục vụ nhân dân của các lực lượng CATP đã được cải thiện rất nhiều. Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư SAMS được triển khai thí điểm đối với công tác quản lý hộ khẩu ở Công an 12 quận giúp cắt giảm nhiều quy trình thủ công và giảm thời gian trả kết quả, giảm số lần đi lại cho công dân.

Việc hoàn thành tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư đã phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ của lực lượng CSKV, Công an xã, từ đó giúp giảm 25-30% thời gian, công sức của CBCS thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thông tin chính xác, nhanh chóng, thuận tiện. Không những thế, các phân hệ quản lý của hệ cơ sở dữ liệu dùng chung của CATP sẽ cho phép các đơn vị, ban ngành của thành phố cùng khai thác, trở thành hệ thống thông tin hỗ trợ tác nghiệp một cách đầy đủ, có hiệu quả cho các  lực lượng liên quan. 

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, hiệu quả công tác quản lý, xuất nhập cảnh cũng thay đổi rõ rệt. Thời gian cấp hộ chiếu từ 8 ngày được rút ngắn còn 4-5 ngày. Người dân nếu có nhu cầu sẽ được nhận hộ chiếu tại nhà qua đường chuyển phát nhanh. Công nghệ thông tin cũng đã được CATP ứng dụng trong việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài lưu trú tại các khách sạn (thông tin qua email)... Hiệu ứng tích cực của công nghệ thông tin đã và đang là động lực để Công an Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng để phục vụ nhân dân và công tác chuyên môn ngày một tốt hơn.