Ứng cử viên ĐBQH vận động bầu cử: Cử tri quan tâm những vấn đề sát sườn

ANTĐ - Trông đợi các giải pháp của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIV, cử tri huyện Quốc Oai bày tỏ mong muốn các vị đại biểu dân cử tích cực tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay như ô nhiễm môi trường, thiếu các trang thiết bị dạy học, đầu ra cho thực phẩm an toàn...

5 ứng cử viên ĐBQH khoá XIV tại đơn vị bầu cử số 7 TP Hà Nội (các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Quốc Oai) gồm bà Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội; ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hanel; ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; bà Lê Thị Oanh - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sáng 11-5, tại Hội nghị tiếp xúc giữa ứng viên ĐBQH khóa XIV với cử tri đơn vị bầu cử số 7 để vận động bầu cử, cử tri Nguyễn Khắc Hoàn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quốc Oai nhấn mạnh, Quốc Oai rất cần chính sách phù hợp với một huyện nông thôn mới để phát triển bền vững. Nêu những vấn đề dân sinh bức xúc, ông Nguyễn Khắc Hoàn cho biết: "Chúng tôi dành quỹ đất lớn xây dựng đường Láng Hoà Lạc, đường ống cấp nước sạch sông Đà nhưng đến nay người dân Quốc Oai vẫn rất thiếu nước sạch. Đề án hồi sinh sông Đáy đã đặt ra từ 2 nhiệm kỳ Quốc hội trước nhưng tới nay chưa làm được. Điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, cần hiện đại hoá lưới điện nông thôn...".

Nhiều câu hỏi được đặt ra cho ứng viên đơn vị bầu cử số 7

Ông Đỗ Phương Mịch, Trưởng phòng Quản lý đô thị, huyện Quốc Oai đưa ra câu hỏi về giải pháp giải quyết tình trạng chồng chéo giữa các bộ ngành như xây dựng, giao thông, quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước ở địa phương. "Diện tích đất để đảm bảo an toàn mạng lưới điện rất lớn, ngành điện có phương án tiết kiệm, giảm thiểu chiếm dụng đất của dâđai hay không? Xử lý rác thải nảy sinh nhiều vấn đề khiến dân lo ngại. Nếu cứ chôn thì không đủ diện tích, vậy công nghệ xử lý rác thải như thế nào, đưa khoa học kỹ thuật vào việc này như thế nào trong khi tình trạng tồn đọng rác thải gây ô nhiễm đã dai dẳng từ 5 năm nay?" - ông Đỗ Phương Mịch nêu nhiều câu hỏi.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, ngành điện sẽ xem xét trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội địa phương để quy hoạch hệ thống điện ra ngoài khu dân cư, sử dụng công nghệ chiếm ít đất để dựng cột điện, khu vực nào không đi cáp trần trên không được sẽ sử dụng hệ thống cáp ngầm cho các khu công nghiệp, cụm dân cư. 
Còn theo bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội, nhiều văn bản dưới Luật xây dựng rất chậm, Quốc hội đã ra yêu cầu rà soát và phát hiện có quy định của luật tới 4 năm sau vẫn chưa triển khai được. Tình trạng chồng chéo quản lý giữa các bộ sẽ được tháo gỡ dần. Rác thải gây ô nhiễm là vấn đề rất lớn, đặc biệt của Hà Nội. Phân loại rác thải để tái chế cần có cách xử lý riêng, sẽ bàn bạc, tìm cách khắc phục.
Liên quan đến vấn đề giáo dục, ông Nguyễn Khắc Thắng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai đặt câu hỏi tới bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam về giải pháp cho vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cho giáo viên, đặc biệt là đổi mới dạy học và khó khăn trong nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị với Quốc Oai. 
Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Oanh cho rằng, trong điều kiện của Quốc Oai, cách làm khả thi nhất là trao đổi kinh nghiệm giữa các trường nội ngoại thành, chú trọng những trường trọng điểm, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, thực tế các lớp học ở nội thành, bàn thảo những vấn đề thực hiện chưa hiệu quả qua hội thảo trực tuyến... Việc tiếp cận với các phương pháp giảng dạy của giáo viên nội thành sẽ lan toả ra các trường của huyện, từ đó giúp thay đổi phương pháp dạy và học, để học sinh say mê học tập, nghiên cứu... góp phần hạn chế, giảm thiểu tình trạng "nghiện" game, rơi vào tệ nạn xã hội...