Ùn ùn tăng chuyến nhưng vẫn lo quá tải chuyện đi lại dịp Tết

ANTD.VN - Dù vận tải khách bằng ô tô, ngành đường sắt cũng như hàng không đều cho biết, đã lên kế hoạch tăng tải hàng nghìn lượt ô tô, mác tàu và chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2019 nhưng rõ ràng, đi lại dịp nghỉ lễ lớn nhất trong năm này chưa bao giờ dễ thở.

Ùn ùn tăng chuyến nhưng vẫn lo quá tải chuyện đi lại dịp Tết ảnh 1Đi lại dịp Tết Nguyên đán  khó tránh khỏi tình trạng căng thẳng

Hà Nội tăng cường 3.200 xe

Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội thông tin, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 ngày nghỉ kéo dài 9 ngày, từ ngày 2-2-2019 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết ngày 10-2-2019 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Đây là kỳ nghỉ lễ quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam, do vậy nhu cầu đi lại của hành khách có thể sẽ tăng cao đột biến.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, đợt cao điểm sẽ diễn ra trong khoảng ngày 26-1 đến hết ngày 4-2-2019, vì đây là ngày người lao động tự do và sinh viên bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 2-2-2019 cán bộ công nhân viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bắt đầu đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày.

 Do số ngày nghỉ trước Tết dài nên khách sẽ dàn đều trong đợt, dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 30-50% so với ngày thường. Với tình hình hoạt động hiện tại của các phương tiện vận tải trên các các bến đang hoạt động bình quân với khoảng hơn 50% hệ số trọng tải phượng tiện, thì lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

Tuy nhiên, đối với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Sơn La, Lào Cai… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng làm giảm tải lượng hành khánh liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.

Trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng mạnh trên các tuyến đường dài như: TP.HCM, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Ma Thuột… tập trung tại Bến xe Giáp Bát.

Cụ thể, tại Bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 130-180% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 1.120 lượt xe/ngày (tăng 115% so với ngày thường). Trước Tết, khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Sau Tết, khách tăng chủ yếu các tuyến đường dài như TP.HCM, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông...

Tại Bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên hơn 150% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 1.200 lượt xe/ngày (tăng khoảng 115% so với ngày thường), chủ yếu ở các tuyến đường Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ...

Tại Bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 200% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 870 xe (tăng 115% so với ngày thường), chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…

Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội yêu cầu các đơn vị nếu có tăng giá vé một chiều phải gửi đăng ký giá vé và vé trước ngày 15-1-2019; tăng cường công tác kiểm tra việc tăng giá vé, cước lệch chiều của các đơn vị vận tải, ngăn chặn việc thu vé cao hơn giá vé đã đăng ký. Theo nhận định, vé xe đi lại trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán có thể tăng nhẹ để bù vào chi phí chạy rỗng. Song, khó có thể tăng mạnh bởi thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh, đang ở mức khá thấp. 

Hàng không tăng hàng triệu ghế nhưng khó tìm giá rẻ

Trong khi đó, ngành hàng không cũng tăng tải khá mạnh. Hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cho biết, trong giai đoạn cao điểm từ 20-1 đến 19-2-2019 (15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng), Vietnam Airlines tiếp tục tăng cường thêm hơn 54.000 chỗ (tương đương gần 230 chuyến bay) so với thường lệ trên các đường bay nội địa. Jetstar Pacific cũng sẽ tăng hơn 80.000 chỗ phục vụ hành khách trong giai đoạn này. Như vậy, cùng với đợt mở bán vé Tết đã triển khai hồi tháng 10-2018, tổng số chỗ trên toàn mạng nội địa của hai hãng trong dịp Tết sẽ đạt gần 2,1 triệu chỗ.

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific tập trung tăng tải trên các đường bay có nhu cầu lớn là giữa Hà Nội - TP.HCM/Phú Quốc, TP.HCM - Đà Nẵng / Hải Phòng / Thanh Hóa / Vinh / Huế / Quảng Nam / Quy Nhơn / Đà Lạt. Trong đó, Vietnam Airlines ghi nhận các đường được tăng tải mạnh nhất so với thường lệ là TP.HCM - Thanh Hóa tăng 75%, TP.HCM - Huế tăng 41%, TP.HCM - Quảng Nam tăng 32%...

Trong thời gian cao điểm, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific khuyến nghị hành khách mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức và yêu cầu lấy hóa đơn để đảm bảo không mua phải vé giả, vé bị nâng giá... Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian làm thủ tục, hành khách nên làm thủ tục trước qua website, ứng dụng di động hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (check-in) đặt ở Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. Jetstar Pacific đặc biệt khuyến cáo hành khách nên mang đúng trọng lượng và kích thước hành lý xách tay theo quy định để đảm bảo an toàn và không phải đóng phí quá cước.

Dù các hãng hàng không nội địa đều tăng tải mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2019 nhưng trong dịp cao điểm, người dân khó có thể mua được vé giá rẻ. Khảo sát của phóng viên cho thấy, lịch bay ngày 26-1-2019, Vietnam Airlines có 25 chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội, nhưng mức giá rẻ đều ở mức rất cao 3,750 triệu đồng/lượt, còn Vietjet Air có 18 chuyến trong ngày, giá vé là 2,6 triệu đồng - 2,8 triệu đồng/vé, Jetstar Pacific có 7 chuyến, giá vé là 3,063 triệu đồng/vé….

Tương tự, sau Tết Nguyên đán, ngày cao điểm 8-2-2019, chiều từ Hà Nội đi TP.HCM, cả ba hãng hàng không đều tăng chuyến trong ngày, nhưng chuyến bay nào cũng có giá cao chót vót. Cụ thể như, Vietnam Airlines giá vé chiều Hà Nội - TP.HCM vào ngày 8-2-2019 là 3,750 triệu đồng/lượt; giá vé của Vietjet Air là 3,041 triệu đồng/lượt, của Jetstar Pacific là 3,690 triệu đồng/lượt.

Lý giải về việc này, đại diện các hãng hàng không đều cho rằng, mức giá vé máy bay dịp Tết đều được các hãng mở bán ở nhiều dải giá khác nhau. Tuy nhiên, do nhu cầu quá cao nên vé giá rẻ luôn hết nhanh. Hơn nữa, mức vé hiện nay mà các hãng đang mở bán cũng chưa vượt mức trần quy định của Cục Hàng không Việt Nam.

Vé tàu ngày cao điểm đã hết

Cũng trong dòng chảy phục vụ người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán, ngành đường sắt cho biết, từ ngày  23-1-2019 (18 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết ngày 22-2-2019 (ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy tăng cường các đoàn tàu trên các tuyến. Ngoài 5 đôi tàu chạy thường xuyên Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại, có thêm 3 đôi tàu SE11/SE12, TN5/TN6, SE19/SE20 sẽ chạy suốt trong các ngày nghỉ Tết và 2 đôi tàu TN1/TN2, TN3/TN4 chạy trước và sau kỳ nghỉ Tết.

Cụ thể, 11 đôi tàu chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại; 3 đôi tàu Hà Nội - Lào Cai và ngược lại; 2 đôi tàu Hà Nội - Vinh và ngược lại; 4 đôi tàu Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại; 1 đôi tàu Quảng Ngãi - Sài Gòn và ngược lại; 1 đôi tàu Đà Nẵng - Sài Gòn và ngược lại; 1 đôi tàu Đồng Hới - Sài Gòn và ngược lại; 2 đôi tàu Thanh Hóa - Sài Gòn và ngược lại; 1 đôi tàu Vinh - Sài Gòn và ngược lại.

Thống kê của Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 19-12-2018, tổng số vé đã bán cho hành khách đi trong dịp Tết Nguyên đán gần 230.000 vé, trong đó riêng tàu Thống Nhất 190.000 vé.

Như vậy, số chỗ còn trống trên tàu Thống Nhất dịp Tết Nguyên đán, giai đoạn từ  23-1-2019 đến 4-2-2019  (tức ngày 18 đến ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất) chiều từ Sài Gòn - Hà Nội, Sài Gòn - Đồng Hới, Sài Gòn -Vinh, Sài Gòn - Thanh Hóa có tổng số lượng chỗ còn là 11.500 vé. Những ngày cao điểm cơ bản đã hết vé. Song, ngành đường sắt cũng cho hay, do nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán cao nên ngành ưu tiên bán vé chặng dài. 

Từ ngày 5-2-2019 đến ngày 22-2-2019 (tức ngày mồng 1 đến ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) chiều từ Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thanh Hóa có tổng số lượng chỗ còn là 37.000 vé. Những ngày cao điểm cơ bản đã hết vé (từ ngày 9-2-2019, 10-1-2019, 12-1-2019 (mùng 5, 6, 8 Tết).

Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ bán vé qua các hình thức online chiếm 44% (trong đó bán qua website chiếm 41%). Đáng nói, để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi mua vé tàu, năm 2018, bên cạnh việc mở rộng mạng lưới đại lý bán vé tàu tại các địa phương, ngành đường sắt đã mở rộng thêm các phương thức bán vé mới, kết hợp với nhiều đối tác. Các hình thức bán vé mới sẽ giảm áp lực bán vé tại các ga trong các thời gian cao điểm.