Ùn tắc từ… ý thức

ANTĐ - Ùn tắc giao thông thực ra không phải là “đặc sản” của riêng một thủ đô, thành phố lớn nào trên thế giới. Truyền thông quốc tế vừa đưa tin, Thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ là thành phố tắc đường, kẹt xe nhất thế giới. Trung bình mỗi năm, một lái xe phải “nằm liệt” giữa đường khoảng 115 giờ. Cụ thể, một đoạn đường xe chạy bình thường chỉ mất 20 phút, nhưng do ùn tắc nên phải mất tới 2 giờ. Trong khi đó, đường Cầu Giấy, cửa ngõ phía tây Hà Nội, đường đi Hà Đông mấy năm nay cũng thường xuyên ùn tắc vì các dự án đường xe điện trên cao rào chắn đến 2/3 đường, xe đi xuôi ngược còn có vài mét hai bên.

Không thể phủ nhận những nguyên nhân về hạ tầng giao thông, song cũng không thể đổ hết cho khách quan mà lảng tránh “thủ phạm” góp phần đáng kể gây ra tắc nghẽn, kẹt cứng một số tuyến đường. Đó chính là ý thức người tham gia giao thông từ lái xe buýt, taxi ô tô cá nhân cho tới người đi xe máy. Đã có không biết bao nhiêu hội thảo, diễn đàn với những “mổ xẻ” thấu đáo vấn đề hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ tăng dân số, đô thị hóa, trong khi chủ trương giãn các trụ sở, cơ quan, bệnh viện, trường đại học ra khỏi khu vực trung tâm vẫn chưa “nhúc nhích” được bao nhiêu. Tuy nhiên, hầu hết mọi ý kiến đều đi đến kết luận rằng, ý thức người đi trên đường chuyển biến quá chậm, tạo ra xung đột giao thông khiến ùn tắc ngày càng trở nên trầm trọng, nan giải hơn. 

Có một tâm lý hết sức nguy hiểm như một loại virus ăn sâu trong đầu óc, nếp nghĩ và lây lan nhanh, đó là căn bệnh “một nửa bánh xe”. Giữa dòng chảy lẫn lộn đủ loại phương tiện, người ta cố chen chúc, luồn lách, vượt mặt người bên cạnh, giành giật từng thước đường, từng khoảng trống. Không ít chủ phương tiện bất chấp mọi phép tắc, luật lệ, ứng xử, bất chấp nhường nhịn phụ nữ, người già, trẻ em. Họ chỉ có một “quyết tâm” duy nhất là bằng mọi giá chen lên, giành giật không gian dù chỉ là một nửa bánh xe. Đó chưa kể, những “người ẩu” còn phóng ào lên vỉa hè, đi ngược chiều.

Nguyên nhân của ùn tắc, kẹt xe có nhiều và là “bài toán” đau đầu của hầu hết các thủ đô, đô thị. Rất nhiều biện pháp, giải pháp đã và đang được áp dụng. Hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều ở dân trí, ý thức tham gia giao thông. Sự ùn tắc từ ý thức, nhất là đánh mất văn hóa nhường nhịn còn tồn tại, kéo dài thì không thể hy vọng giao thông sẽ thông suốt, tai nạn giao thông sẽ giảm. Nhưng ngược lại, khi sự tuân thủ luật giao thông, tham gia giao thông có văn hóa được đề cao. Và khi người dân giúp đỡ CSGT, thanh tra giao thông hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình thì cùng với hạ tầng giao thông hoàn thiện, thành phố sẽ ngày càng văn minh, trật tự.