Ùn tắc... thảm hoạ giao thông - Kỳ 2

ANTĐ - Thiếu một quy hoạch giao thông dài hạn, khi gặp ùn tắc lại thiếu một giải pháp hợp lý. Đó là hiện trạng của công tác tổ chức giao thông.


Ý thức chấp hành luật giao thông kém


Nguyên nhân này đúng là thiên kinh địa nghĩa. Tuy nhiên sau khi điều tra kỹ, chúng tôi nhận thấy đây không phải là nguyên nhân chủ yếu gây ra ùn tắc giao thông mà chỉ là yếu tố làm cho ùn tắc thêm nặng nề hơn thôi. Nếu điểm ùn tắc có lực lượng điều hành giao thông như CSGT, tự quản, dân phòng... người tham gia giao thông sẽ tuân thủ quy tắc giao thông, kiên nhẫn hơn và bớt được ùn tắc. Mặt khác việc giáo dục ý thức chấp hành luật pháp nóí chung và chấp hành luật giao thông nói riêng là một việc lâu dài, có thể phải tới hàng thế hệ.

Do vậy những giải pháp trước mắt nên chú ý tới các chế tài, dùng chế tài như mức phạt, từ phạt tiền, thu giữ phương tiện, lao động công ích chắc chắn sẽ giảm thiểu tác hại của việc thiếu ý thức chấp hành luật. Việc vận động và đưa vào đời sống chủ trương người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm thành công đã chứng minh điều đó.

Các giải pháp xa và gần


Mười năm trước, đối với một cơn mưa 100 mm/ngày, Hà Nội phải đối diện với trên 100 điểm úng ngập nghiêm trọng. Có điểm úng ngập tới 10 giờ. Đến nay sau dự án thoát nước, Hà Nội còn 30 điểm úng ngập và cũng chỉ úng ngập tối đa 30 phút. Mười năm trước Hà Nội có 50 điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông. Còn hiện nay có 273 điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông trong đó trên 100 điểm có thể ùn tắc hơn 1 giờ, còn ùn tắc 30 phút không đếm xuể. Trong khi đó đầu tư cho giao thông trong 10 năm qua chắc chắn lớn hơn nhiều lần đầu tư cho thoát nước. Có thể sự so sánh ấy là khập khiễng nhưng về mặt logic nó hơi giống nhau. Đó là về giao thông chúng ta còn thiếu một tầm nhìn xa, hoặc có nhìn nhưng không thấy rõ đã vội đi.

Từ việc phân tích các nguyên nhân, chúng tôi cũng muốn đề xuất vài giải pháp mong góp phần giải quyết thảm hoạ ách tắc giao thông.

Trước tiên phải phát triển hạ tầng giao thông. Ở các khu đô thị, dân cư mới phải đảm bảo diện tích dành cho giao thông ít nhất 20%. Cùng với dự báo về dân cư, phương tiện giao thông phải tổ chức được mạng lưới giao thông thỏa mãn nhu cầu đời sống. Việc này chắc chắn dễ làm. Tuy nhiên cần xem lại ngay quy hoạch giao thông trong quy hoạch chung đến năm 2030, bổ sung khẩn cấp mạng lưới đường nối các khu dân cư vào trung tâm thành phố, bổ sung đường nối các khu dân cư với nhau ngoài các đường vành đai. Các khu dân cư mới cần xây dựng các cơ sở dịch vụ như trường học, chợ búa, bệnh viện, trung tâm giải trí phục vụ theo khu vực, tránh phụ thuộc vào trung tâm thành phố. Còn ở trung tâm thành phố nơi không thể phát triển hạ tầng giao thông cần phải giảm tải hạ tầng. Trước tiên sớm đưa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các bệnh viện lớn, các trung tâm hành chính thành phố, các cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố. Giảm tải cũng có nghĩa phát triển được hạ tầng. Đó là những biện pháp xa, bởi vì để áp dụng được nó, hoặc để thực hiện thành công nó phải mất hàng chục năm. Trong khi đó ùn tắc giao thông là vấn đề nóng. Cần phải áp dụng ngay một loạt biện pháp mạnh để giảm tải trước mắt. Đầu tiên là hạn chế các phương tiện cá nhân, tăng cường năng lực hạ tầng giao thông. Có thể chia thành các nhóm giải pháp: chủ trương, tổ chức và quản lý giao thông, nguồn tài chính.

Về chủ trương, cần khẳng định chủ trương hạn chế ô tô đi vào trung tâm thành phố, từng bước giảm xe máy cùng với phát triển các phương tiện vận tải là đúng. Singapore hạn chế ô tô vào thành phố từ năm 1975, London, Stockholm... cũng tiến hành các biện pháp tương tự. Sớm di chuyển các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện lớn ra ngoại thành. Ủng hộ chủ trương phân làn của thành phố Hà Nội, lập trật tự kỷ cương trong giao thông, xây dựng ý thức chấp hành luật giao thông, sớm xây dựng các bãi đỗ xe tập trung trong khu vực nội thành và giữa vành đai 2 và 3. Nếu khéo vận dụng chủ trương xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, chỉ trong 2-3 năm, chúng ta sẽ có hệ thống bãi đỗ xe hiện đại, đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu giao thông tĩnh.

Về nhóm giải pháp tổ chức và quản lý giao thông, để thực hiện chủ trương như trên đã trình bày, cần phải cương quyết hơn những năm vừa qua. Dĩ nhiên để thi hành một biện pháp có lợi chung chắc chắn sẽ gây thiệt hại riêng cho một số người, thậm chí một nhóm lợi ích nào đó sẽ thiệt hại nặng. Theo chúng tôi là không sao cả so với lợi ích chung.

Trước tiên để hạn chế xe ô tô vào thành phố đề nghị cấp lại giấy phép vào thành phố cho tất cả các loại xe ô tô kể cả xe chở người cá nhân. Điều kiện cấp phép là phải có chỗ đỗ, xe phải đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Tăng thuế đối với xe chở người (trừ xe khách). Đối với xe vãng lai qua thành phố phải thu phí chuyến. Phát triển nhanh vận tải công cộng, ưu tiên phát triển cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với sự kiểm soát nghiêm ngặt. Bù giá vé trực tiếp cho người đi xe vé tháng, không bù cả gói cho doanh nghiệp. Đối với ô tô, xe máy đi trên một số tuyến phố cấm dừng, đỗ dưới lòng đường, trên vỉa hè. Bố trí các điểm được dừng, đỗ tuỳ thuộc đặc điểm kinh doanh, sinh sống của dân cư khu vực.

Phân làn nhằm lập lại kỷ cương giao thông là đúng đắn. Việc phân hai làn ô tô và xe máy là hợp lý. Tuy nhiên chỉ những tuyến đường rộng trên 11m mới nên phân làn vì nó đủ độ rộng cho việc phân làn. Nhưng để việc phân làn không gây thêm ùn tắc giao thông cần phải có thêm một quy định: cấm dừng đỗ trên các đường phân làn. Các ô tô vào nhà rẽ lề phải đương nhiên dễ dàng, nếu không cản trở bởi xe dừng đỗ việc rẽ trái vào nhà cũng dễ dàng. Nhưng nếu để dừng đỗ tự do như hiện nay chỉ một xe dừng đỗ cũng đủ làm ùn tắc cả một tuyến đường. Sau khi phân làn cần mở lại tất cả các ngã tư đã bịt tình thế trong thời gian vừa qua.

Về việc thiếu các đường hướng tâm gây ra ùn tắc tại các cửa ô mới và cũ, cần sử dụng triệt để các đường dân sinh trước đây, cải tạo, bắc thêm cầu tạm qua sông Tô Lịch, qua mương thải để giảm bớt mật độ giao thông. Có lẽ đã đến lúc cần phải xây dựng một phương án phân luồng giao thông mới trên toàn thành phố bởi sự bố trí dân cư đã thay đổi nhiều, nhu cầu di chuyển cũng đã khác.

Riêng đối với ô tô, cần tăng thuế nhập khẩu, tăng các nguồn thu ngân sách từ ô tô nhằm giảm nhanh số lượng ô tô tăng thêm ít nhất cho đến khi giảm được điểm ùn tắc trong thành phố xuống dưới 50 điểm.

Về nhóm giải pháp tài chính, để đảm bảo cho các khoản chi dành cho việc chống ùn tắc giao thông rất lớn, nguồn ngân sách sẽ không đủ, cần huy động từ những người tham gia giao thông. Tất cả những phương tiện tham gia giao thông đều phải trả tiền, xe càng tốt, càng vào sâu trung tâm thành phố càng phải trả nhiều tiền. Tiền thu được sẽ dành cho phát triển hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống giao thông công cộng. Các nước phát triển trên thế giới cũng đều làm như vậy.

Sẽ rất phức tạp, sẽ tốn nhiều công của nhưng cũng như thoát nước Hà Nội, một tầm nhìn khoa học, một quyết tâm của chính quyền và tất cả nhân dân, thảm hoạ ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ được giải quyết.

Để kết thúc bài này, người viết chỉ xin có kiến nghị khẩn cấp: Giải tán tất cả các bãi đỗ xe sử dụng lòng đường do Sở Giao thông Công chính Hà Nội cấp phép. Chắc chắn thành phố sẽ thông thoáng hơn bao nhiều.