Ukraine: Tương lai bất định sau những quyết định lịch sử

ANTĐ - Quốc hội Ukraine ngày 16-9 đã phê chuẩn dự luật về việc trao quyền tự trị hạn chế cho khu vực phe ly khai chiếm giữ ở vùng Donetsk và Lugansk trong thời gian 3 năm. Cùng ngày, Quốc hội Ukraine còn phê chuẩn một thỏa thuận then chốt với Liên minh châu Âu, quyết định được cho là sẽ đưa Kiev lại gần phương Tây. Đây là thỏa thuận mà Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych từng từ chối ký kết cuối năm 2013, dẫn đến các cuộc biểu tình và đụng độ đẫm máu sau đó.

Dự luật vừa thông qua cấp cho khu vực miền Đông, nơi phe ly khai thành lập những nhà nước tự xưng “cộng hòa nhân dân”, quyền tự trị hạn chế trong vòng 3 năm, đồng thời có quyền xây dựng và phát triển quan hệ láng giềng hữu hảo với các vùng cận biên giới của Nga, Reuters cho hay. Phe ly khai cũng có thể tự lập ra lực lượng cảnh sát riêng và tổ chức bầu cử địa phương vào tháng 12. Luật đưa ra những quy định chính cho 2 tỉnh trên, bao gồm ân xá cho những người tham gia các sự kiện tại 2 tỉnh, được sử dụng tiếng Nga trong các cơ quan chính quyền.

Bộ Ngoại giao Nga ca ngợi quyết định của Quốc hội Ukraine để trao quy chế tự trị cho 2 khu vực ở miền Đông nước này là một “bước đi đúng đắn”. Đồng thời, Moscow tái khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân nói tiếng Nga ở phía Đông Ukraine, song phủ nhận việc gửi vũ khí cho lực lượng ly khai địa phương để chống lại quân đội Kiev.

Thế nhưng, bình luận về dự luật,  ông Andrei Purgin - Phó Thủ tướng thứ nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở phía Đông Ukraine (DPR) - tuyên bố DPR không coi đạo luật do ông Poroshenko đề xuất về tình trạng đặc biệt của vùng Donbass là thích hợp. Lãnh đạo của lực lượng ly khai tại Donetsk và Lugansk tuyên bố muốn có độc lập hoàn toàn và sẽ không chấp thuận bất kỳ quy chế nào theo đó, họ vẫn là một phần của Ukraina. Hai nước Cộng hòa nhân dân ly khai tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) vừa quyết định sáp nhập và thành lập lực lượng quân sự chung, tin từ văn phòng báo chí DPR cho biết. Lực lượng quân sự này được gọi là Quân đội hợp thành Nước Nga Mới, 

Cùng với dự luật về việc trao quyền tự trị hạn chế cho khu vực phe ly khai chiếm giữ Quốc hội Ukraine cũng thông qua Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU), đánh dấu một bước ngoặt mới trên chính trường nước này và khu vực. Đối với những người Ukraine có tư tưởng thân phương Tây, ngày 16-9 được coi là ngày lịch sử cho quan hệ      Ukraine - EU và ghi nhận những thắng lợi đầu tiên của EuroMaidan - cuộc biểu tình ủng hộ EU bắt đầu suốt từ đêm 21-11-2013 khi Chính phủ Ukraine hoãn ký kết thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với EU. Hệ lụy của EuroMaidan là một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài cho đến tận hôm nay.

Tuy vậy, bản hiệp định lại chỉ có hiệu lực về mảng chính trị. Các điều khoản về kinh tế vốn rất quan trọng đối với một Ukraine đang kiệt quệ vì khủng hoảng lại chỉ được áp dụng vào năm 2016. EU đã nhất trí hoãn việc triển khai Thỏa thuận tự do thương mại toàn diện và sâu rộng với Ukraine nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa Kiev và EU, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11 tới. Nay nó đã được hoãn tới ngày 31-12-2015. Hiện tại EU mới chỉ dừng lại ở việc dành cho Kiev một số ưu đãi thương mại, cho phép doanh nghiệp Ukraine hiện đại hóa chính mình và tăng sức cạnh tranh.

Tính đến ngày 14-9 là đúng 100 ngày tính từ lễ nhậm chức Tổng thống Ukraine của ông Petro Poroshenko. Ông đã nhận cương vị cao nhất trong nước với ý định cương quyết hoàn tất quá trình hội nhập vào châu Âu. Tuy nhiên, sự đón tiếp nồng ấm chính trị từ phía Mỹ và châu Âu tạm thời chưa mang lại cho Kiev những món lợi tài chính thực tế từ châu Âu. Các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân cơ bản chưa thể có những đầu tư tài chính thực sự vào nền kinh tế Ukraine đang chết dần là do EU mà theo ý đồ của Mỹ phải trở thành nhà tài trợ chủ yếu thì vẫn chưa giải quyết được các hậu quả của khủng hoảng kinh tế trong đường biên giới của chính mình. Hàng trăm tỷ Euro đã được chi để hỗ trợ các thành viên như Hy Lạp, Hungary, Ireland và những nước khác. Cuộc chiến tranh trừng phạt với Nga chỉ làm tăng thêm xu hướng không thuận lợi.

Đến lúc này tình cảnh khốn khó của Ukraine đã khiến người dân nơi đây nếm trải đủ. Trong khi ở miền Đông, xe hàng cứu trợ của Nga qua lại như mắc cửi. Ly khai Donetsk và Lugansk đã bắt đầu hòa vào điện lưới của Nga và sử dụng nguồn năng lượng được bơm về từ nước Nga. Chí ít, họ không lo cho một mùa đông lạnh giá trước mắt. Còn những người đang sống trong phần lãnh thổ mà chính quyền Kiev cai quản, có lẽ họ sẽ muốn được như những người ly khai khi mùa đông châu Âu thực sự ập đến.

Nếu coi miền Đông ly khai là một phần của sự chia rẽ, thì cục diện ở quốc gia Đông Âu này sẽ không chỉ đơn thuần chia 2 bằng bức tường đang được xây ở miền Đông, mà sẽ còn những phe phái tranh giành quyền lực và rồi Ukraine có thể rơi vào cảnh chia năm sẻ bảy. Đó là cuộc Tổng tuyển cử sớm diễn ra vào tháng 10-2014. Thực chất, đây là một cuộc tái thiết các thế lực chính trị ở Kiev khi liên minh cầm quyền gồm tập hợp những đảng thân thiết với nhau, nhưng đối lập với ông Tổng thống bị giải tán.