Ukraine không định đối đầu với Nga về vũ khí hạt nhân

ANTĐ - Bộ ngoại giao Ukraine vừa đưa ra tuyên bố rằng, nước này không có kế hoạch khôi phục lại quy chế của một quốc gia hạt nhân.

Vụ trưởng Vụ chính sách thông tin của Bộ ngoại giao Ukraine Yevgenhi Perebiynis tuyên bố: “Ukraine chưa bao giờ lên kế hoạch, hiện nay không và tương lai cũng không muốn khôi phục quy chế hạt nhân của mình".

“Interfax” cho biết thêm, ông Perebiynis còn khẳng định quan điểm này đã được quyền Ngoại trưởng Andrei Deshchytsa tuyên bố rõ ràng trong chuyến đi thăm The Hague, nơi đang diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân quốc tế.

Theo như thông báo, ngày 20-3-2014, các nghị sĩ từ đảng “Batchkivshina” và “Udar” đã trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine dự luật về việc hủy bỏ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 1-7-1968.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được thừa hưởng một số lượng lớn các trang bị khí tài hiện đại từ Liên Xô. Bên cạnh đó, rất nhiều phòng thiết kế, nhà máy sản xuất vũ khí lớn của Liên Xô nằm trong lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, họ còn sở hữu một số lượng lớn vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Ukraine gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1994. Sau khi ký kết Bản ghi nhớ Budapest với Mỹ, Anh và Nga, Ukraine đã chuyển toàn bộ số vũ khí này về Nga để tiêu hủy. Hành động này giúp Kiev giành được thiện cảm từ phía Washington và mở đường cho những sự hỗ trợ từ WB, IMF và NATO. 

Hiện nay, trong bối cảnh Nga tuyên bố sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, nhiều chính khách cực đoan cho là Ukraine nên tái phát triển vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Nga. Tuy nhiên, Kiev không muốn đi theo con đường này, mà nếu có muốn nó còn xa mới có thể trở thành hiện thực.

Ukraine vẫn có thể có những phương tiện mang vũ khí hạt nhân, ví dụ như một số loại tên lửa đạn đạo hoặc máy bay ném bom chiến lược giống như chiếc Tu-95MS mới được rao bán trên mạng đấu giá trực tuyến eBay cũng có thể mang tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, chế tạo đầu đạn hạt nhân với Ukraine hiện nay khó khả thi vì những thanh nhiên liệu hạt nhân cuối cùng đã được mang ra khỏi nước này vào tháng 3-2012. Ngoài ra, nước này cũng thiếu nhiên liệu và cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học cần thiết