Ukraine cần làm gì để biến “ước mơ” vào NATO thành hiện thực?

ANTĐ - Ngày 3-3, Ngoại trưởng Ukraine, Pavlo Anatoliyovych Klimkin nhấn mạnh, Kiev cần phải hiện đại hóa tổ hợp công nghiệp quân sự của mình và thực hiện cải cách đất nước trước khi hiện thực hóa ước mơ gia nhập vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Ukraine cần làm gì để biến “ước mơ” vào NATO thành hiện thực? ảnh 1Tổng thống Putin gọi quân đội Ukraine là "quân đoàn NATO"
Ukraine phải có khả năng tự bảo vệ mình
 Ngày 2-3, Ngoại trưởng Klimkin đã có chuyến thăm tới Nhật Bản và có cuộc gặp mặt với người đồng cấp Nhật, ông Fumio Kishida. Đây được xem là chuyến thăm đầu tiên của ông tới một quốc gia châu Á.

Tại một cuộc họp báo ở Nhật Bản, ông Klimkin nói: “Nếu muốn vào NATO, chúng tôi cần phải hiện đại hóa toàn đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Ukraine phải có khả năng đảm bảo an ninh cho chính mình bằng cách nâng cao tiêu chuẩn trong lĩnh vực  quốc phòng để đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO”.

Nhà ngoại giao tiếp tục nhấn mạnh: “Sau khi tiến hành những cải cách này, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định tiến vào NATO”.

Trong chuyến thăm, ông Klimkin cũng gửi lời cám ơn Nhật Bản đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính cho Ukraine, bao gồm các trang thiết bị y tế và tài trợ cho sự phát triển y học tại Kiev.

Kể từ tháng 3-2014, Nhật đã phân bổ khoảng 1,8 tỷ USD viên trợ cho Ukraine để khôi phục cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong một cuộc xung đột vũ trang ở phía đông của đất nước.

Phản ứng của các nước NATO trước ý định của Kiev.

Ngày 23-12-2014, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn dự luật bãi bỏ tình trạng “không liên kết” của nước này, một động thái được xem là mở đường cho nguyện vọng gia nhập NATO của Kiev.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia có ảnh hưởng trong NATO, đặc biệt là Pháp và Đức, không đồng ý kết nạp Ukraine vào liên minh quân sự này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một số chính trị gia trên thế giới đã liên tục chỉ trích ý định gia nhập NATO của chính quyền Kiev. Vào đầu tháng 2-2015, trong một cuộc họp báo, Tổng thống Pháp, Francois Hollande tuyên bố, Paris không đồng ý cho Ukraine gia nhập Liên minh. Ông nói: “Với cương vị là thành viên có ảnh hưởng của NATO, chúng tôi phải nêu rõ rằng, nước Pháp chưa sẵn sàng chấp nhận Kiev gia nhập”.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định: “Tôi nghĩ Ukraine và NATO có thể trở thành đối tác, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ukraine có thể gia nhập khối đồng minh”. 

Trong khi đó, ông Ruben Ruiz Ramas- chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học quốc gia Tây Ban Nha cho biết: “Mặc dù Ukraine đã thông qua luật giúp loại bỏ các trở ngại pháp lý trong nước để có thể gia nhập NATO. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng NATO có quyền phủ quyết cho phép một thành viên cũng có thể phản đối sự gia nhập của thành viên mới".

Nga phản ứng gay gắt trước ý định của Kiev

Kể từ tháng 4-2014, cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, quan hệ giữa Nga và NATO càng trở nên tồi tệ. Trong khi đó, quyết định của Ukraine càng khiến mối quan hệ này khó cứu vãn hơn nữa. Nga cảnh báo rằng, nếu Ukraine gia nhập NATO, Moscow sẽ cắt đứt quan hệ hoàn toàn với khối quân sự này.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Anatoly Antonov khẳng định: “Quyết định gia nhập NATO của Kiev sẽ chấm dứt hoàn toàn mối liên hệ giữa Nga và liên minh quân sự này việc khôi phục nó dường như là không thể”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nga, Dmitry Medvedev nhận định, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ biến nước này trở thành đối thủ quân sự tiềm tàng với Moscow.

 Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov cho hay, Kiev cần phải duy trì tình trạng hiện tại, tức là không gia nhập khối liên minh quân sự NATO. Ông cũng nhận định, quyết định từ bỏ quy chế "không liên kết" của Ukraine là phản tác dụng và chỉ khiến căng thẳng ngày càng leo thang.

Trong khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin cũng bình luận về khả năng gia nhập NATO của Kiev và gọi quân đội của Ukraine là một “quân đoàn NATO” có mục tiêu địa chính trị nhắm vào nước Nga.