UBND tỉnh Tiền Giang từ chối khoản “viện trợ” 10 tỷ USD: Xin lỗi, mời bác đi chỗ khác chơi!

ANTĐ - Khoản viện trợ này xuất phát từ ông Paul Lê Hùng - Đại diện châu Á của Tập đoàn Diamond Access Inc. Trong thư ngỏ kèm một bộ “hồ sơ”, ông Hùng nói rằng, vì mục đích nhân đạo, đã cung cấp nguồn vốn tương tự cho hơn 20 quốc gia trên thế giới và các tiểu bang ở Mỹ: “Hiện tập đoàn này muốn tài trợ trực tiếp vào các dự án an sinh xã hội như giao thông, cảng biển, phi trường, trường học, xóa đói giảm nghèo... nhằm mục đích xây dựng Việt Nam giàu mạnh, tốt đẹp hơn (!?). Nếu được chấp thuận, nguồn vốn này sẽ được chuyển về Việt Nam trong vòng 30 ngày, mỗi năm 10 tỉ USD. 

Khoản viện trợ cổ tích

Nguồn vốn được đăng ký hợp pháp theo luật quốc tế cũng như Việt Nam, số tiền hiện đang nằm trong tài khoản các ngân hàng lớn trên thế giới như Barclays, HSBC...” – thư ngỏ ký ngày 5-8-2013, do ông Paul Lê Hùng ký, gửi các nơi nêu rõ như vậy. Điều kiện để được tài trợ chỉ gồm hai điều: Chính phủ cấp một bảo lãnh tín dụng cho bên thụ hưởng là Diamond Access Inc và bí mật thông tin.

Cả hai điều kiện này nghe thì rất dễ, nhưng để thực hiện được thì không thể. Một là để phê duyệt dự án cần phải công khai nguồn vốn, giải trình nguồn vốn. Đã giải trình, công khai thì còn giữ bí mật làm sao được. Hai là xin Chính phủ bảo lãnh tín dụng, doanh nghiệp thì không thể xin được rồi, phải là UBND tỉnh trở lên, đúng nhất tại thời điểm này nợ công đã tiến đến mức nguy hiểm thì việc xin Chính phủ bảo lãnh hàng trăm tỷ USD là chuyện nằm mơ. Ấy vậy mà có khá nhiều doanh nghiệp đã “đeo bám” theo dự án viện trợ khủng này nhằm xin làm đơn vị thi công công trình, nhiều doanh nghiệp đã đưa ông Paul Lê Hùng lên các UBND tỉnh để thuyết minh nguồn vốn và thuyết phục lãnh đạo tỉnh ủng hộ họ khai thác nguồn vốn ngọt này.

Theo ông Paul Lê Hùng: “Cho đến nay, tôi đang vận động để nguồn tiền về Việt Nam. Tôi đã họp ở Sóc Trăng và Chủ tịch tỉnh này đồng ý, có văn bản ghi nhớ để làm cơ sở làm việc. Hiện tiền chưa chuyển về Việt Nam vì phải có thủ tục đàng hoàng thì mới nhận được. Về việc này, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh”. Ông tiếp: “Hiện tôi đang làm việc với Trung ương. Theo đó, tôi sẽ cố gắng để trước Tết Nguyên đán có một món quà ý nghĩa về Việt Nam là 3 tỉ USD. Tuy nhiên, việc này không được đưa lên báo”.

Nhưng ông đã được nhận một lời từ chối rất nhã nhặn của UBND tỉnh Tiền Giang. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, ngày 21-11 cho biết: “Tôi chưa gặp ông Paul Lê Hùng lần nào. Tuy nhiên, ông Hùng và ông Lê Văn Đăng - Giám đốc Cty CP đầu tư xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (trụ sở tại huyện Tân Phước, Tiền Giang) có đến Sở, đề nghị đầu tư làm đường giao thông. Chúng tôi không ký kết gì cả, chỉ có văn bản báo cáo vụ việc với UBND tỉnh. Trong vòng chưa đầy hai tuần, UBND tỉnh có văn bản từ chối, đề nghị Sở trả lời để nhà đầu tư biết. Tôi không bình luận gì về nguồn tiền này, nhưng thực tế từ lúc tôi làm giám đốc Sở đến nay, Tiền Giang chưa nhận được 1 đồng viện trợ nào để làm đường. Nói thật, vốn vay không lãi suất còn chưa có chứ đừng nói tới cho không”. 

Tuy nhiên, có vẻ ông Paul Lê Hùng vẫn còn sân diễn, ông nói: “Địa phương nào không nhận nguồn tiền này sẽ có những lý do mà mình không hiểu được. Tuy nhiên, khi nguồn tiền này về, các địa phương khác nhận thì Tiền Giang sẽ hối tiếc, vì mục đích của mình là giúp dân, tạo việc làm cho dân... Nếu họ tiếc, thì mình sẽ tìm nguồn khác cho họ. Mục đích mình là giúp dân mình, đất nước mình chứ không giúp một cá nhân nào. Cho đến nay, chưa một địa phương nào từ chối khoản viện trợ này. Tại Sóc Trăng, chủ tịch rất vui mừng đón nhận. Ở Thái Nguyên cũng vậy”.

Nhưng chúng tôi biết rõ chả ai cam kết gì chắc chắn với ông ta cả. Giám đốc Sở GTVT Trần Anh Việt và Giám đốc Sở KHĐT Mai Phước Hưng đều ký một “biên bản ghi nhớ” không có giá trị pháp lý với ông Paul Hùng Lê. Các ông đều biết không phải việc nhận tiền tài trợ dễ như lấy tiền trong túi mình. Giám đốc sở GTVT Thái Nguyên cũng cho biết như vậy. 

Những hiểm nguy chờ chực

Cuối năm 2011, Cục An ninh tài chính tiền tệ đầu tư thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an  điều tra, phát hiện và kịp thời ngăn chặn một công ty đã ký kết 165 hợp đồng cho vay có dấu hiệu lừa đảo. Theo kết quả điều tra, bà Le Jannie Uyen (57 tuổi, Việt kiều Mỹ) có trong tay 5 văn bản bằng tiếng Anh. Những giấy tờ này có nội dung ông Francisco E. De Los Santos (quốc tịch Philippines) ủy quyền cho bà Le sử dụng tài khoản ở 5 ngân hàng Việt Nam với tổng số tiền là 295 tỷ USD. Trong số này, tài khoản ít nhất là 2,5 tỷ USD, nhiều nhất lên đến 99 tỷ USD.

Tất cả các hợp đồng cho vay, các bên ký thành 4 bản nhưng công ty này đều giữ, không giao cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, trong các hợp đồng, doanh nghiệp phải cam kết thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; cam kết trả phí làm hồ sơ, phí chuyển tiền (12%/tổng số tiền được vay) và phí tư vấn (3%/tổng số tiền được vay). Khi cơ quan an ninh vào cuộc đã xác định được số tiền trong các tài khoản không có thật. Tên của tài khoản này đều không phải là ông Francisco E. De Los Santos.

Vào ngày 25-10-2010, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 2 án chung thân, 1 án tù 10 năm cho 3 bị cáo Đỗ Phương Thảo, Yen Ji Sheng (quốc tịch Đài Loan) và Nguyễn Tiến Tranh do liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của các doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức hứa hẹn cho vay vốn để làm dự án. Thảo và Yen đã cùng dựng lên nhiều giấy tờ giả có nguồn tiền lớn ở một số ngân hàng nước ngoài và “loan tin”, họ có rất nhiều tiền nhưng cần giải ngân và muốn cho các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam vay để làm dự án. 

Hầu hết các “cò vốn” đều có vẻ rất không vụ lợi, nhưng để theo đuổi những nguồn vốn này, nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương đã tốn không ít tiền của, sức lực mà cuối cùng đều không nhận được tiền. Trên thế giới này, không có một khoản tiền hợp pháp nào dẫu là nhỏ mà không có nguồn gốc, không được quản lý bởi những tổ chức tài chính công khai. Không thể có một khoản lên đến nhiều tỷ mà bí mật. Hãy nhớ Hy Lạp để vay được của châu Âu vài chục tỷ USD, phải hy sinh cả chế độ phúc lợi xã hội, thậm chí đăng ký bán cả di sản đất nước. Thế mà lại có người đi rao cho hàng trăm tỷ USD một cách nhẹ như lông hồng!? Tin được sao?

Chưa kể còn có một vấn đề cần được nói rõ, trong nền kinh tế thế giới, bảo lãnh tín dụng được coi là giấy tờ có giá và được vay mượn mua bán như tài sản. Giả dụ Chính phủ có bảo lãnh tín dụng 10 tỷ USD cho người được thụ hưởng là Diamond Access Inc thì ngay lập tức, đưa ra thị trường thế giới, Diamond Access Inc đã có thể rút ra được nhiều tỷ USD rồi mà người thanh toán sau cùng là Chính phủ ta. Vậy thì tiền của họ chưa vào túi mình tiền của mình đã vào túi người ta. Tham thì thâm là vậy.

Và hãy biết từ chối 

Để hạn chế thiệt hại, trước hết các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cần liên hệ với các kênh huy động vốn có chức năng hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Mặt khác các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường bắt buộc phải hoàn thiện bộ phận pháp lý, tối thiểu cũng phải thuê luật sư làm chuyên viên, cố vấn pháp lý. Các luật sư này sẽ sớm ngăn cản được các cò lừa đảo không chỉ trong lĩnh vực vốn mà còn các lĩnh vực khác trong sản xuất kinh doanh. Sau nữa, các doanh nghiệp nên tham gia các hiệp hội, các hội nghề nghiệp để sớm thông báo cho nhau những kinh nghiệm kinh doanh cũng như các cạm bẫy. Và cuối cùng cần biểu dương những hành động cương quyết như UBND tỉnh Tiền Giang; Xin lỗi, mời bác đi chỗ khác chơi.