Uber vận tải hành khách tiên tiến hay lối kinh doanh trốn thuế?

ANTĐ - Hai năm trước, một dịp may, tôi được đi nhờ xe từ Mỹ Tho lên TP Hồ Chí Minh. Trên chiếc xe 7 chỗ sang trọng, ngoài lái xe, chỉ có mình tôi. Hỏi thăm mới biết đây là xe của một Công ty du lịch. Anh lái xe tâm sự: Ngày nào em cũng phải đi đón khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Mỹ Tho. Chuyến này còn có anh đi, nói chuyện cho vui, còn chuyến nào cũng đi xe không. Từ Mỹ Tho, Vĩnh Long, Đồng Tháp... hàng ngày có mấy chục chuyến xe không chạy ra TP Hồ Chí Minh, rồi lại có hàng chục chuyến xe không chạy từ TP Hồ Chí Minh đi đón khách của họ đâu đó ở miền Tây. Thấy phí quá mà không biết làm sao. Nghe cậu lái xe nói, tôi chợt nghĩ tới dịch vụ Uber, lúc đó đã được triển khai nhiều nơi trên thế giới.
Uber vận tải hành khách tiên tiến hay lối kinh doanh trốn thuế? ảnh 1

Uber lúc đó đang là hy vọng của một mạng lưới kết nối vận tải hành khách có thể nối nhu cầu đi lại trên một tuyến đường với những lái xe đang đi trên tuyến đường đó. Ra đời năm 2009, ứng dụng Uber cho phép người dân kết nối với những lái xe có nhu cầu cho đi nhờ, thu một phần phí rẻ hơn taxi. Những năm đó, tôi đã mong sớm đến ngày Uber sẽ được triển khai ở Việt Nam. Và mong là thấy, ngày 30-7-2014, dịch vụ Uber khai trương tại TP Hồ Chí Minh và sau đó ít lâu, Uber cũng bắt đầu triển khai tại Hà Nội.

Một hy vọng cho một thời không còn những xe ô tô từ sang trọng tới bình dân rỗng không chạy tấp nập ở khắp nơi và thản nhiên thả khí thải vào không gian, tàn phá cả xe lẫn môi trường một cách tàn ác. Nhưng tôi đã nhầm. Cái tốt đẹp chưa kịp nhìn thấy, tôi đã thấy những cuộc tranh luận, những cuộc cãi vã và cao điểm, những cuộc kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải với những mức phạt  đã đổ lên đầu những chuyến xe sử dụng dịch vụ Uber. Cũng chưa kịp buồn, thì mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đơn vị vừa kiến nghị cấm triển khai Uber đã lên tiếng bênh vực, khen ngợi phương thức vận tải hiện đại, tiện lợi và phù hợp với đời sống của Uber, ông Đinh La Thăng đã đề nghị nghiên cứu để hợp pháp hóa Uber. 

Thế là sao? Những tranh cãi từ đâu? Và tại sao một phương thức vận tải tốt lại có thể gặp những phản ứng quyết liệt như vậy. Vâng, tôi đã thấy. Uber đã ra khỏi một giải pháp có lợi với đời sống, trở thành một ngành kinh doanh. Và là ngành kinh doanh đứng ngoài pháp luật. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Bộ trưởng Đinh La Thăng: Phải có văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan quản lý phải nghiên cứu hoàn thiện để quản lý. Cái gì có lợi cho người dân thì phải làm.

Vậy Uber là gì?

Câu hỏi tuy đơn giản nhưng đã là một vấn đề gây tranh cãi suốt mấy ngày qua. Bản chất Uber nếu chỉ xét công nghệ là ứng dụng phần mềm trên điện thoại smartphone (ra đời năm 2009) để kết nối giữa khách hàng và lái xe. Ứng dụng này cho phép một khả năng kết nối không giới hạn, có thể đáp ứng mọi nhu cầu một cách nhanh nhất có thể, thay cho cách gọi taxi thông thường. Chính vì vậy, từ việc kết nối giữa lái xe trên một vài tuyến đường, nó nhanh chóng phát triển ra tất cả mọi tuyến đường có thể vận hành ôtô, từ những chiếc ôtô thường chạy trên các tuyến đường tới tất cả những ôtô đang không có việc tham gia chạy bán thời gian, một phần thời gian. Nó đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải đã đành, nó còn khai thác tốt nhất công suất của mọi phương tiện vận tải, trước hết là vận tải hành khách. Đó là một tiến bộ, một cuộc cách mạng trong vận tải, có thể nói, đã xuất hiện một sàn giao dịch vận tải trên mạng. 

Nhưng kinh doanh Uber lại khác. Đó là một lối kinh doanh kiếm lợi với hình thức kết nối Uber. Các lái xe đăng ký với doanh nghiệp Uber, thực hiện các đơn hàng vận chuyển đáp ứng nhu cầu hành khách đăng ký qua Uber. Khách hàng trả tiền cho Uber qua thẻ thanh toán điện tử. Và với khả năng kết nối nhanh, bằng phương thức sử dụng phương tiện không chuyên chở khách, với việc sử dụng bản đồ vệ tinh, chi phí vận chuyển đã giảm hẳn. Trong khi giá taxi tại TP Hồ Chí Minh đang phổ biến ở mức 17-18 nghìn đồng/km, thì doanh nghiệp kinh doanh Uber cũng tại TP Hồ Chí Minh cho giá vận chuyển tính trung bình 12,2 nghìn đồng/km. Cước phí cho chuyến đi được trả qua thẻ tín dụng với một thông báo ngay lập tức từ dịch vụ này qua điện thoại của người dùng. Nếu người dùng có đăng ký SMS banking với ngân hàng, một tin nhắn văn bản từ ngân hàng cũng sẽ gửi vào điện thoại để người dùng biết mình đã sử dụng bao nhiêu tiền cho Uber. Doanh thu của Uber đến từ hoa hồng thông qua việc kết nối chủ ôtô với người cần di chuyển. Cụ thể, người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Không chỉ thông báo trước chi phí của chuyến đi, Uber còn cung cấp những thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón.

Đối với chủ xe, Uber cho phép họ tăng thu nhập thông qua việc chở thêm khách mà không phải gò bó thời gian làm việc như tài xế taxi. Không chỉ vậy, tỉ lệ ăn chia trên doanh thu giữa Uber và chủ xe cũng hấp dẫn hơn so với taxi vì hãng này không phải đầu tư xe hay hệ thống tổng đài điều phối. Mô hình doanh thu chung của Uber trên thế giới là chủ xe hưởng 80%, doanh nghiệp lấy 20% trên cước phí của mỗi chuyến. Uber được cung cấp hoàn toàn miễn phí dưới dạng ứng dụng, điều kiện tiên quyết là bạn phải sở hữu một chiếc smartphone, tiếp theo đó là một thẻ tín dụng hợp lệ như Visa, MC, AMEX... Xe tham gia dịch vụ này không có phù hiệu taxi, không lô-gô, không có đồng hồ tính tiền cước, cho khách hàng cảm giác như đang sử dụng xe riêng. Nhưng vì vậy, những trách nhiệm thông thường giữa lái xe và khách hàng như bảo hiểm, trách nhiệm hành lý và thậm chí an toàn cá nhân cũng không còn được đảm bảo như với taxi thông thường. Tuy vậy, với giá thấp, xe không phù hiệu, khách hàng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có sự phấn chấn nhất định. Uber sớm được khen ngợi và người thường sử dụng dịch vụ này hoàn toàn bất ngờ khi dịch vụ này bị phản đối ngăn chặn. 

Tại sao Uber bị ngăn chặn tại Việt Nam?

Sau khi một số tài xế tham gia dịch vụ Uber tại TPHCM bị xử phạt, ngày 29-11, trên trang web Uber.com đăng tải những dòng phản hồi của Uber. Uber khẳng định họ là một công ty công nghệ. “Chúng tôi không sở hữu, vận hành xe hoặc thuê tài xế. Nền tảng của chúng tôi chỉ đơn giản là kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông vận tải được công nhận và áp dụng bởi chính quyền địa phương”, công ty cho biết. Theo đại diện của Uber, công ty mang lại sự cạnh tranh. Những ưu việt về công nghệ mang lại lợi ích hữu hình cho hành khách và tài xế, tạo động lực nâng cao tiêu chuẩn chung về an toàn, chất lượng và dịch vụ cho ngành vận tải. Với công nghệ của Uber, số lượng xe dịch vụ cần thiết để phục vụ nhu cầu di chuyển ít hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống. Điều này giúp giảm lượng phương tiện lưu thông, qua đó giảm thiểu kẹt xe, ô nhiễm và xây dựng một thành phố xanh, sạch, và đẹp hơn.

Hoàn toàn đồng ý với những ý kiến đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các phương tiện vận tải tham gia mạng lưới vận chuyển Uber không đăng ký kinh doanh, không thực hiện những yêu cầu bắt buộc đối với các quy định vận tải hành khách như bảo hiểm, đảm bảo an toàn khách trên xe... và quan trọng nhất, không nhìn thấy người nào có trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước. Bộ GTVT cho biết, hoạt động vận tải có thu tiền trực tiếp của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như trên là trái với quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Đồng thời, không bảo đảm quyền lợi cho người đi xe, lái xe không được quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông, an toàn tài sản. Chính vì vậy, dư luận hoàn toàn có lý do để cho rằng giá cước vận chuyển của dịch vụ Uber thấp vì trốn thuế và trốn trách nhiệm bắt buộc với hành khách. Đó chính là điểm trừ của hệ thống kinh doanh Uber. Đó cũng là lý do Uber bị phản đối không chỉ ở Việt Nam. 

Làm gì để hành khách được hưởng lợi từ Uber?

 Vậy là từ một tiến bộ công nghệ, khi chuyển sang kinh doanh, Uber đã có những hành vi không phù hợp với quy định pháp luật trong vận tải hành khách. Chính vì vậy, dư luận hoàn toàn ủng hộ thái độ của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi ông cho biết trong cuộc họp báo ngày 2-12: “Tinh thần là thực hiện theo Hiến pháp và Luật Doanh nghiệp mới. Người dân, doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Đây là một dịch vụ hỗ trợ vận tải hiện đại và mới phát sinh từ thực tiễn. Hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan quản lý phải nghiên cứu hoàn thiện để quản lý. Cái gì có lợi cho người dân thì phải làm”. Vấn đề là những phương tiện vận tải tham gia mạng lưới Uber phải đăng ký kinh doanh, có nộp thuế, doanh nghiệp Uber phải có trách nhiệm bảo hiểm hành khách khi sử dụng các dịch vụ của Uber theo quy định Nhà nước về vận tải hành khách. Và quan trọng hơn, chính Uber cũng phải nộp thuế. Không có một hoạt động kiếm lợi nào mà không đóng thuế, không có trách nhiệm với xã hội. Dĩ nhiên, lúc đó giá cước vận tải của Uber sẽ không rẻ như thời gian qua, nhưng vẫn sẽ là cú hích cạnh tranh trong vận tải hành khách, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Và nếu thực hiện đầy đủ trách nhiệm và một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có khả năng điều chỉnh, quản lý hoạt động dịch vụ Uber, chắc sẽ lại phát triển ở Việt Nam.