Uẩn khúc trong vụ án nữ sinh Nhật Bản mất tích 2 năm

ANTĐ - Ngày 27-3 vừa qua, một nữ sinh Nhật Bản sau 2 năm bị mất tích đã được tìm thấy. Chỉ một ngày sau, nghi phạm 23 tuổi bị bắt giữ. Nhiều tình tiết trong vụ án bắt cóc và giam cầm này được hé lộ.

Uẩn khúc trong vụ án nữ sinh Nhật Bản mất tích 2 năm ảnh 1Cảnh sát khám xét căn hộ ở Tokyo của nghi phạm Terauchi

Từ bức thư “Đừng tìm con”

Nghi phạm Kabu Terauchi, người tới từ thành phố Ikeda, tỉnh Osaka đã bị bắt giữ tại thành phố Ito, tỉnh Shizuoka khoảng 3h20 hôm 28-3. Cảnh sát tiếp cận được Terauchi tại một ngôi làng gần ga Futo sau khi nhận một cuộc gọi khẩn cấp nói rằng một nam giới người đầy máu xuất hiện trong khu vực. Đối tượng này đã được đưa tới bệnh viện và sẽ bị chính thức bắt giữ sau khi hồi phục. Terauchi đã cố tự tử bằng cách cắt cổ họng, nguồn tin điều tra cho biết. 

Nạn nhân của Terauchi là một nữ sinh 15 tuổi. Cô gái nói rằng đã bị một người lạ bắt đi trên một chiếc ô tô vào năm 2014. Terauchi bị nghi ngờ lừa cô gái này đi với anh ta bằng cách nói rằng cha mẹ của cô đang làm thủ tục ly dị và hắn sẽ đưa cô đến một văn phòng luật sư. Theo nạn nhân, lúc đầu cô bị đưa tới thành phố Chiba - nơi cảnh sát cho rằng cô bị giam cầm thời gian dài trước khi chuyển tới một căn hộ gần ga JR Higashinakano ở khu Nakano (Thủ đô Tokyo) vào tháng trước.

Nạn nhân cho biết, có vài lần kẻ bắt cóc đưa cô ra ngoài, nhưng cô không thể trốn đi vì hắn theo dõi cô rất chặt. Tuy nhiên, ngày 27-3, cô may mắn trốn thoát khi phát hiện cửa căn hộ không khóa. Cô gọi cảnh sát từ một cây điện thoại công cộng gần nhà ga xe lửa. Thời điểm đó, Terauchi đã ra ngoài, trên đường tới quận Akihabara (ở đặc khu Chiyoda, Tokyo) để mua điện thoại.

Trước đó, nữ sinh trung học cơ sở này được nhìn thấy lần cuối khi đang nói chuyện với một thanh niên gần nhà cô ở thành phố Asaka (tỉnh Saitama gần Tokyo) vào ngày 10-3-2014. Cùng ngày này, trong thùng thư ở nhà nạn nhân phát hiện một mảnh giấy nghi ngờ là chữ viết tay của cô với nội dung “Đừng tìm con”. Một bức thư khác ký tên nạn nhân cũng được gửi tới gia đình khoảng 1 tuần sau, trong đó viết: “Con đang sống tốt. Con xin lỗi vì những rắc rối đã gây ra và không thể trở về trong thời gian tới”. Cảnh sát đã tìm kiếm thông tin về nạn nhân bằng cách công bố tên và mặt cô gái ở nơi công cộng.

Sau khi trốn thoát, cô gái cho biết, cô bị ép viết thư gửi về gia đình. Cảnh sát cho rằng, Terauchi có thể đã làm như vậy để “tung hỏa mù” là nạn nhân tự bỏ nhà ra đi. Trước khi gọi điện cầu cứu cảnh sát, cô gái đã gọi điện về nhà và mẹ cô đã khuyên con gái liên hệ với cảnh sát. Sau khi được đưa tới Sở cảnh sát Niiza ở tỉnh Saitama, nạn nhân đã được đoàn tụ với gia đình.

Về phía nghi phạm Terauchi, Đại học Chiba cho biết, đối tượng vừa tốt nghiệp khoa cơ khí vào tháng này và đã bắt đầu đi làm. Một trang Facebook được cho là của Terauchi, cho thấy đối tượng đã tham dự một trường hàng không ở Mỹ.

Đồn đoán về động cơ vụ án

Hiện tình trạng sức khỏe của nghi phạm Terauchi chưa hồi phục nên chưa thể lấy lời khai để làm rõ động cơ gây án. Tuy nhiên, đã có nhiều bình luận liên quan tới vụ việc. Trên trang mạng Japantoday, bạn đọc có nickname Yubaru bày tỏ đồng cảm với nạn nhân, “Đó chắc hẳn là 2 năm ác mộng, ít nhất cô gái đã đủ thông minh để trốn đi khi có thể và gọi điện cho cảnh sát”. 

Trong khi đó, nick name Erbaviva lại cho rằng, nạn nhân đã nói dối hoàn toàn. Có lẽ cha mẹ cô ta đã ly hôn và cô ta chạy theo một gã trai trẻ… Cô ta có thể hét lên tìm sự giúp đỡ khi ở những khu vực đông người nhưng cô không làm vậy. Ngoài ra, thông thường khi trốn thoát, nạn nhân có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người ở ngay gần, chứ không thể bình tĩnh gọi điện cho gia đình như trường hợp của cô gái này.

Tuy vậy, cũng có nhiều bình luận cho rằng ý kiến của Erbaviva là suy diễn vô căn cứ. Độc giả có nick name James Burke đưa ra quan điểm khách qua hơn. Người này cho rằng “chưa đủ thông tin về trường hợp trên để đưa ra kết luận”.