U23 Việt Nam: Đằng sau nụ cười thầy Park...

ANTD.VN - Tấm vé vào thẳng VCK U23 châu Á 2020 giúp thầy trò HLV Park Hang-seo rời vòng loại với nụ cười rạng ngời và hãnh diện. Nhưng đằng sau nụ cười ấy lại là những nỗi lo vô hình.

HLV Park còn nhiều nỗi lo từ nay đến SEA Games 30

Điểm sáng U23

Không chỉ có chiến thắng ấn tượng nhất trong lịch sử đối đầu với người Thái và giành vé dự VCK U23 châu Á 2020 một cách ngoạn mục, hành trình mà U23 Việt Nam vừa trải qua còn để lại rất nhiều ấn tượng mạnh mẽ.

Đầu tiên là về cách vận hành sơ đồ chiến thuật. Từ một đội hình 3-4-3 quen thuộc, HLV Park đã biến tấu một cách hài hòa thành 3-4-1-2, đưa Quang Hải trở lại vị trí tiền vệ công sở trường bên cạnh 2 mũi nhọn Hoàng Đức và Đức Chinh. Cách chơi này cho thấy sự hiệu quả rõ rệt với 4 bàn thắng vào lưới U23 Thái Lan. Tất nhiên, sự thay đổi còn tùy thuộc vào con người, nhưng ít nhất nó đã cho thấy đẳng cấp trong dùng người của chiến lược gia người Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, ông Park cũng cho thấy sự mát tay với các học trò mới. Rất nhiều cầu thủ ở dạng tiềm năng và ít người biết mặt biết tên, như Tấn Sinh, Triệu Việt Hưng, Hoàng Đức, Thanh Sơn... đều trưởng thành vượt bậc, có bước tiến dài trong sự nghiệp ở giải đấu này. Nếu như trước đây, U23 Việt Nam chỉ có Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải... thì giờ đây, lứa cầu thủ kế cận đã cho thấy họ đủ tiềm năng để thay thế đàn anh. Xem Việt Hưng, Hoàng Đức chơi bóng, người ta dễ dàng quên đi Công Phượng, Văn Toàn... và thêm tin tưởng vào khả năng tiến xa của đội tuyển.

Thầy Park vẫn đau đầu

Nhưng đằng sau nụ cười chiến thắng ở vòng loại, có những cơn đau đầu, những nỗi lo mà chỉ HLV Park Hang-seo mới hiểu. Không phải ngẫu nhiên mà ông từng phải đăng đàn để nói về “vấn nạn” chuộng ngoại binh một cách thái quá ở các CLB V-League cũng như giải hạng Nhất.

“Ở V-League hiện nay đang có vấn đề, năm ngoái cho 2 ngoại binh thi đấu nhưng năm nay tăng lên tới 3 người. V-League hiện nay có 70-80% tiền đạo là ngoại binh, nếu tiếp tục duy trì như thế này thì lấy đâu ra tiền đạo nội tốt. Tôi có xem trận Đà Nẵng - Viettel thì thấy 2 ngoại binh đá tiền đạo và Đức Chinh không có cơ hội. Chúng ta nên suy nghĩ xem việc sử dụng tiền đạo ngoại nhiều thế thì ảnh hưởng thế nào đến bóng đá Việt Nam” - ông Park bức xúc.

Đó là một thực tế chưa biết đến bao giờ mới xóa bỏ được ở Việt Nam. Hà Đức Chinh chơi rất hay trong màu áo ĐT U23, sút tung lưới Thái Lan nhưng khi về Đà Nẵng thì vẫn cam phận dự bị. Đó cũng là kịch bản mà nhiều tuyển thủ U23 khác đang phải đối mặt. Ngoại trừ nhóm cầu thủ của Hà Nội FC (Quang Hải, Văn Hậu, Thành Chung, Thái Quý), hầu hết sẽ phải trở lại CLB để vật lộn với cuộc chiến cạnh tranh, tìm suất đá chính. 

CLB có lỗi trong chuyện này không? Khó thể nói là có, bởi các đội bóng có mục tiêu của riêng mình, là vô địch, trụ hạng... Họ cần những “ông Tây” to khỏe, mạnh mẽ, cày ải liên tục để làm điều đó. Các CLB không có nghĩa vụ phải giúp ĐTQG rèn quân và đó là một kẽ hở chưa biết đến khi nào mới có thể bịt lại. Khi các cầu thủ ít được ra sân ở V-League, kinh nghiệm thực chiến sẽ ít, khả năng chuyên môn phát triển chậm và thậm chí có trường hợp còn thui chột dần. Đó là điều khiến HLV Park đau đầu trong quãng thời gian từ nay đến SEA Games 30. Rõ ràng, sau khi chúng ta lên đỉnh cao Đông Nam Á, tấm HCV Đại hội khu vực tưởng “dễ ăn” mà lại khó vô cùng. 

Hậu vệ Huỳnh Tấn Sinh: “Thầy Park giúp tôi tiến bộ từng ngày”

“Tôi gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với chiến thuật của HLV Park Hang-seo ở thời điểm đầu tiên, khi ông xây dựng sơ đồ với 3 trung vệ, thiên về kiểm soát bóng. Thói quen trước đó của tôi là phất bóng dài lên phía trên. Tôi tự nhủ, nếu muốn trụ lại thì phải thay đổi và qua từng ngày thầy giúp tôi thay đổi để hoàn thiện chính mình. Ở các tình huống cố định trong hai trận gặp Brunei và Indonesia, thầy Park muốn cả 3 trung vệ lên tham gia tấn công còn trận gặp Thái Lan thì tùy tình huống có người lên người không. Tôi và các đồng đội đã có 3 bàn từ chiến thuật này”.