Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước giảm còn 5,35%

ANTD.VN - Chiều 24-1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2019 - 2023. 

Mô hình trồng rau sạch ở xã Chu  Minh (Ba Vì, Hà Nội) đã tạo hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây - Ảnh: LAM THANH

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Thông qua Chương trình phối hợp, hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo của Tổ quốc đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện.

Công tác tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động cũng được thực hiện tốt. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 rất thiết thực, hiệu quả, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước giảm còn khoảng 5,35%. 

Theo ông Thào Xuân Sùng, năng suất lao động nông thôn ở Việt Nam còn thấp, thu nhập trung bình của người lao động chưa cao, tỷ lệ thất nghiệp còn nhiều, tình trạng ngược đãi, bạo hành trẻ em ở nhiều nơi còn xảy ra gây bức xúc trong xã hội… Do đó, hai cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt các hoạt động về an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động nông thôn; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển “nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại”. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Hội Nông dân Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; gắn bó sâu sát với hội viên nông dân, kịp thời có những giải pháp hoặc kiến nghị giải pháp hỗ trợ, từ cơ chế, chính sách cho đến tài chính và nhiều nguồn lực khác giúp người nông dân thoát nghèo, vượt khó, vươn lên, hợp tác bình đẳng hơn, nhất là với doanh nghiệp...

Để công tác phối hợp đạt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, thời gian tới, hai bên cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động; tư vấn hướng nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn có đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp đào tạo các nghề phi nông nghiệp để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, làng nghề…