Tỷ giá và lãi suất vẫn sẽ "nóng" trong năm 2016

ANTĐ - Đánh giá cao chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua, tại Hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế” do Báo Lao Động phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng nay (17-12), các chuyên gia chỉ ra rằng, câu chuyện tỷ giá và lãi suất sẽ tiếp tục nóng trong năm 2016.

Tỷ giá và lãi suất vẫn sẽ "nóng" trong năm 2016 ảnh 1Các chuyên gia đánh giá cao vai trò của chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2011-2015

Đánh giá về hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2015, GS. TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Trong giai đoạn 5 năm vừa qua kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều những khó khăn xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế trong nước bộc lộ bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản “đóng băng”, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, tỷ giá biến động...”.

“Trong bối cảnh đó, NHNN đã chèo lái, điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam nói chung, khu vực tài chính nói riêng”, GS. TS Trần Thọ Đạt nhìn nhận.

Mặc dù chính sách tiền tệ phát huy tốt vai trò nhưng trên thực tế vẫn có những ý kiến đánh giá vai trò của các chính sách tiền tệ chưa cao. Về vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy bán Giám sát tài chính quốc gia - TS Trương Văn Phước cho rằng: “Chính sách tiền tệ thời gian qua làm tốt nhưng chưa được đánh giá chính xác, nhiều ý kiến cho rằng nhờ điều kiện thuận lợi như giá hàng hóa đi xuống, lạm phát thấp chứ chưa hẳn chính sách tốt như vậy”.

“ NHNN cần chứng minh bằng số liệu cho thấy tác động truyền dẫn từ chính sách tiền tệ lên chỉ số kinh tế vĩ mô sau khi loại bỏ yếu tố thuận lợi. Tôi cho rằng những diễn biến thuận lợi tạo cơ hội tốt nhưng nếu chính sách tiền tệ yếu thì cũng không thể tận dụng được cơ hội đó”, ông Trương Văn Phước khẳng định.

Theo ông Trương Văn Phước, thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 – 2015 là việc xóa bỏ tâm lý coi vàng là đồng tiền thứ 3 tại các tổ chức tín dụng. Vàng đã bị đẩy ra khỏi bảng tài sản của tổ chức tín dụng, giảm tác động của đầu cơ vàng, buôn lậu vàng lên tỷ giá. “Đây là hành động dũng cảm của Ngân hàng Nhà nước”– ông Phước đánh giá.  

TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI chỉ rõ, Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt tái cấu trúc ngân hàng. Công cuộc tái cấu trúc này tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo là hiện đại hóa hệ thống. Cho đến nay, không chỉ các ngân hàng yếu kém, một số ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh cũng đã tiến hành tái cấu trúc và hiện đại hóa.

Dự báo thị trường năm 2016, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng câu chuyện tỷ giá và lãi suất sẽ tiếp tục nóng. Bối cảnh 2016 sẽ rất phức tạp, dòng vốn dịch chuyển đa dạng và phức tạp. Do đó, chính sách tỷ giá cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn nữa.

Ông Lực cũng cho rằng, khó khăn thách thức đối với ngân hàng trung ương trong thời gian tới bao gồm nhiều chính sách tài khoá tạo ra gánh nặng lớn với chính sách tiền tệ, các chính sách chưa được đồng nhất và thị trường tài chính ngân hàng ngày càng phát triển tinh vi phức tạp.

Khuyến nghị cho giai đoạn tiếp theo, TS Cấn Văn Lực đề xuất: “Cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, giảm bớt biện pháp hành chính. Tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ, trong đó cung tiền nên được kiểm soát tăng trưởng như hiện nay ở mức 16-18%/năm để đảm bảo kiểm soát lạm phát...”.