- USD trên thị trường tự do tăng nóng, vượt 24.000 đồng/USD
- VDSC: Hơn 10 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối đã được NHNN bán ra để "hạ nhiệt" tỷ giá
- Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để ổn định tỷ giá
Tỷ giá niêm yết đã tăng khoảng 2,5% từ đầu năm
Sáng nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.198 VND/USD, tăng thêm 15 đồng mỗi USD so với phiên hôm qua. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp sau 3 phiên đứng im trước đó, tổng mức tăng trong 2 phiên vừa qua là 28 đồng.
Trong khi đó, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được cơ quan điều hành giữ nguyên ở mức 22.550-23.400 trong thời gian dài vừa qua.
Tại các ngân hàng, tỷ giá giao dịch hôm nay cũng tăng nhẹ. Vietcombank hôm nay niêm yết tại 23.250 - 23.530 đồng, tăng nhẹ 10 đồng; VietinBank niêm yết 23.250 – 23.530, tăng 15 đồng. Trong phiên hôm qua, tỷ giá 2 ngân hàng này cũng đã tăng khá mạnh, tại Vietcombank tăng 30 đồng, tại Vietinbank tăng 32 đồng.
Tương tự, BIDV cũng tăng 30 đồng phiên hôm qua và tăng thêm 15 đồng trong sáng nay, lên mức 23.255 – 23.535 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá mua – bán USD đang giao dịch quanh 24.150 – 24.250 đồng/USD, tăng 30 đồng so với hôm qua.
Trước đó, tỷ giá cũng có tuần tăng khá mạnh. Trong tuần giao dịch từ 4/7 - 8/7, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 0,34% (lên VND 23.358); tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng đã tăng 60 đồng. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh hơn với mức tăng 90 đồng, chênh lệch giữa 2 thị trường tiếp tục nới rộng.
Dù một lượng lớn USD đã được bán ra song tỷ giá vẫn liên tục tăng thời gian gần đây |
VND vẫn duy trì sự ổn định hơn nhiều đồng tiền khác
Diễn biến tăng mạnh của tỷ giá VND/USD diễn ra trong bối cảnh chỉ số đồng USD duy trì ở mức cao trong tuần qua, chỉ số US Dollar Index (DXY)đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng 1,8%. Nếu so với cuối 2021, DXY đã tăng 11,8%.
Riêng với đồng tiền Việt Nam, nếu so với cuối năm 2021, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết tăng khoảng 2,5% - mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo SSI Reseach, nếu so với cuối năm 2019 (trước Covid-19), USD/VND cũng mới chỉ tăng 0,8% so với mức mất giá 20,8% của bath Thái Lan, 11% của Rupee Ấn Độ hay thậm chí 3,9% của dollar Singapore. Điều này cho thấy sức mạnh của đồng VND nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực trong vòng 3 năm qua.
Trên thực tế, theo thống kê từ CME Group (Sở giao dịch hàng hóa Chicago), tại thời điểm 11/7, 93% thị trường đã đặt cược việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 75 điểm trong kỳ họp tháng 7 và thậm chí có 7% đặt cược cho việc Fed sẽ tăng 100 điểm cơ bản trong kỳ họp này. Đây sẽ tiếp tục là áp lực lớn đối với tỷ giá Việt Nam.
Dù vậy, theo các nhận định, VND tiếp tục chịu ít áp lực hơn so với nhiều đồng tiền khác, do dư địa điều hành tỷ giá của NHNN vẫn còn khá lớn.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam nhận định, việc đồng USD quốc tế tăng giá mạnh khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Tuy nhiên, ông Khoa đánh giá, mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định. NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô Dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.
Theo đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu.
Theo ước tính, NHNN đã bán ra khoảng 12-13 tỷ USD từ đầu năm, tương đương hơn 11% mức dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu