Tỷ giá tăng nhưng không đáng lo

ANTD.VN - Nhiều ngày qua, giá USD liên tục tăng. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tiếp điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế trong nước.

Tỷ giá tăng nhưng không đáng lo ảnh 1Việc tăng giá USD trong nước là do đồng USD trên thế giới tăng giá

Tỷ giá trung tâm tăng mạnh

Hôm qua, 18-11, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng thêm 11 đồng, ở mức 22.112 đồng. Cùng với diễn biến này, các ngân hàng cũng liên tục điều chỉnh tăng giá đồng USD. Đến cuối giờ chiều qua, Vietcombank niêm yết tỷ giá đồng USD ở mức 22.450 - 22.550 đồng/USD (mua vào - bán ra); BIDV  ở mức 22.470 - 22.540 đồng/USD; Techcombank  22.440 - 22.530 đồng/USD; Vietinbank 22.465 - 22545 đồng/USD... Trên thị trường tự do, giá mua vào - bán  ra USD ở mức khoảng 22.450 - 22.550 đồng/USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá USD trong nước tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do tác động của xu hướng tăng giá đồng USD trên thế giới. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguyên nhân chính của việc tăng giá đồng USD là do tình hình kinh tế Mỹ thời gian qua tốt lên. Đặc biệt, ngày 16-11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED tái khẳng định sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 với dẫn chứng khá thuyết phục về triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Mỹ. Cùng với đó, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng ảnh hưởng đến việc tăng giá USD. “Sau khi xem xét kỹ những chính sách của ông Donald Trump, có vẻ như, nhà đầu tư đã nhận ra đó là những chính sách có triển vọng, vì vậy, cả chứng khoán và USD đều bật tăng. Việc tăng giá USD trên thế giới là nguyên nhân chính kéo đồng USD trong nước tăng theo” - TS. Cấn Văn Lực nói.

Bên cạnh đà tăng thế giới, theo nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm, một nguyên nhân nữa là do tính thời vụ: “Thường cuối năm tỷ giá có xu hướng tăng do nhu cầu ngoại tệ tăng phục vụ nhập vật tư, nguyên liệu cho sản xuất cuối năm”. 

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, nguyên nhân thời vụ tác động không nhiều, vì thời gian qua quan hệ cung cầu USD vẫn tốt, Việt Nam vẫn thặng dư thương mại, giải ngân vốn FDI tăng tới 9%, kiều hối tăng... “Nguồn cung đang rất tốt, trong khi nhu cầu cuối năm có tăng nhưng không đáng kể so với nguồn cung” - ông Cấn Văn Lực nói.

Không đáng lo

Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới, đồng USD sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá. “Khả năng USD tiếp tục tăng giá do triển vọng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ổn định, sáng sủa và khả năng FED tăng lãi suất ngày càng rõ rệt” - TS. Cấn Văn Lực cho biết. Ngoài ra, theo ông Cao Sỹ Kiêm, hiện Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu hơn, vì vậy những kế hoạch dài hạn để chuẩn bị cho việc hàng loạt hiệp định tự do thương mại sắp có hiệu lực sẽ cần đến nhu cầu ngoại tệ rất lớn. Do đó, giá USD dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc tăng giá đồng USD sẽ không tác động quá nhiều đến nền kinh tế trong nước. “Từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh đồng nhân dân tệ tiếp tục phá giá, đồng Việt Nam chỉ mất giá ở mức có thể chấp nhận được và tác động tiêu cực là không đáng kể. Mức tăng của USD cũng đã được dự báo và không tăng quá sốc” - chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định.

Trước tâm lý lo lắng về tỷ giá, NHNN đã phát đi thông tin khẳng định: “Diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua”. 

Theo đánh giá của NHNN, từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ tiếp tục có diễn biến thuận lợi. Cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng vốn vào do hoạt động mua bán, sáp nhập, kiều hối chuyển về dịp cuối năm… Cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý; một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ quy định đến hết năm 2017.

NHNN cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp đảm bảo đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.